Quốc kỳ tung bay trên biển
Lá cờ cũ là kết quả của chuyến đi biển tháng trước, ông Như nhẩm tính: “Tháng trước ra khơi có 12 ngày mà cờ đã gần bạc, thế mới biết thời tiết mùa hè năm nay khắc nghiệt đến như nào. Ánh nắng phả lên từ mặt biển, sóng sánh thành từng tia rọi thằng vào da thịt. Trên tàu, da ông nào ông đấy đen ngang châu Phi”, ông Như cười hồn hậu.
Cờ Tổ quốc tung bay mỗi khi tàu ra khơi bám biển. |
Vị thuyền trưởng gấp ngăn nắp lại lá cờ vừa tháo cho vào một chiếc túi, đây là công việc quen thuộc mỗi lần ra khơi tiếp theo của đoàn. Ông cho biết, lá cờ đứng đầu sóng, ngọn gió những vẫn kiên cường, ướp đậm sương lạnh, vị mặn của biển như cuộc sống của những ngư phủ dọc khắp biển Đông. Những lá cờ này, ông trân quý, gìn giữ như kỷ vật của mỗi lần đi biển.
Ngót nghét 30 năm, ông Như, thuyền trưởng tàu đánh cá mang số hiệu Vân Đồn 90964. Ông hiểu rõ từng ngóc ngách, vị trí trên biển, đến độ, ranh giới đường biên Việt Nam với các quốc gia khác chỉ cần qua trực quan và cảm nhận. Ấy thế mà, ngần ấy năm, ông vẫn chưa thể hiểu nổi biển. Bằng kinh nghiệm không thể đoán trước những chuyến đi biển.
Nếu năm nay, đầu thu mặt nước êm ả, ít sóng, thì chưa chắc năm sau sẽ lặp lại như thế. Chưa kể mưa bão thất thường, có thuyền ra biển nhưng chẳng thể nào vui vẻ, an nhàn, mà chứa đựng lắm nỗi truân chuyên.
Anh Giang (46 tuổi) là một thuyền viên quê Nam Định, làm nghề kéo lưới thuê gần khắp 28 tỉnh thành ven biển. Do một người quen giới thiệu, anh tới làm việc cho ông Như. 2 năm gắn bó, anh em trên thuyền như gia đình thứ hai của Giang. Anh thích cách làm việc của ông Như, từ tốn, nhẹ nhàng, thường thưởng nóng mỗi khi đánh bắt được nhiều mực, cá. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên cập nhật tin tức thời sự, tình hình chính trị trong nước rồi tường thuật lại.
“Hôm nay, sau khi nghe đài, ông Như có nói rất nhiều về Bác. Ông Như là người có học, nguyên là cán bộ văn hóa xã, nên có lối ứng xử rất thông minh, những câu chuyện ông kể về Bác rất hay”, anh Giang nói.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”, ông Như nói sang sảng lại với anh em trong đoàn khi nãy vừa nghe phát thanh viên nói trên radio. Ngay lập tức, một thuyền viên khác trong đoàn cho rằng mình đã từng nghe câu nói này do con gái đọc lại. Cô con gái rượu của anh đã từng làm một bài văn khi kể về cuộc sống trên biển của bố mình, thế là cả đoàn lại có chuyện để nói, cuộc sống gia đình, về quê hương, bản quán...
Số phận
Trên chiếc thuyền đánh cá này, hầu hết thuyền viên đều có câu chuyện riêng, số phận riêng. Nếu như anh Chanh đã không còn suy nghĩ về tài chính, đi biển với mục đích lao động cho có công việc, một phần giúp đỡ anh rể là ông Như, thì anh Hiếu, anh Giang vẫn duy trì công việc bám biển bởi không dễ dàng tìm được công việc khác trên đất liền, làm nhiều rồi cũng quen tay, “một nghề cho chín, còn hơn chín nghề”.
Mới xin làm việc tại nhà ông Như, Hiếu từng rất tự ti bởi bản thân là người dân tộc, dù có học hết cấp 3, nhưng ăn nói chưa gãy gọn, không đầu không cuối, ái ngại vì tìm đủ mọi việc nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, khi vào việc trên tàu, được ông Như và anh em dìu dắt, chỉ bảo, Hiếu đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Xác định xin làm thuyền viên là nghề vất vả, ban đầu, Hiếu vẫn mong ước có thể kiếm được một công việc khác ổn định hơn trên đất liền, nhưng khi được tiếp xúc với mọi người trên thuyền, anh nhận ra công việc mình đang làm, dù nặng nhọc, nhưng thay vào đó là cả sự tự hào. Trước tiên là tự hào về công việc đủ để nuôi sống gia đình, sau là tự hào vì ý nghĩa thầm lặng của việc đi biển. Công việc của các anh góp phần giữ gìn biển đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngôi sao trên mũ mỗi thuyền viên để nhắc nhở họ về sự tự tôn dân tộc. |
“Dẫu có vất vả, cực nhọc, dẫu lúc mưa gió, sóng bão, tưởng chừng như chẳng thể về được đất liền nên nhiều khi nản, nghĩ thôi thì chuyến này lên bờ, cố tìm công việc khác mà làm, nhưng sau khi được ông Như khuyên nhủ mà tôi đã cố gắng nhiều hơn, tôi nhận ra biển, đảo Việt Nam thiêng liêng của Tổ quốc, chăm lo, phát huy lợi thế và bảo vệ vững chắc biển đảo là trách nhiệm của mỗi người dân”, anh Hiếu cho hay.
Hỏi 8 người trên thuyền thì cả 8 người tỏ ra yêu nghề và cảm thấy tự hào về công việc đang làm. Thuyền viên ở đây đều đã độ trưởng thành, hiểu rõ vùng trời, vùng lãnh thổ nào cũng đáng quý. Công việc của họ dẫu có vất vả một chút, khổ cực, hiểm nguy một chút nhưng đang góp phần bảo vệ biển đảo, ranh giới quê hương.
Trên thực tế, nghề khai thác, đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân ngày càng phát triển với hàng trăm nghìn tàu, thuyền khai thác, đảm bảo thu nhập cho khoảng 4 triệu lao động nghề biển. Sự hiện diện của ngư dân trên khắp vị trí biển đảo của Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế, mà còn tham gia vào cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ nguồn hải sản, góp phần bảo an ninh, quốc phòng, lãnh thổ chủ quyền biển đảo.
Lênh đênh trên biển, ông Như và thuyền viên nhiều lần đối mặt với tình trạng tàu nước khác yêu cầu dừng khai thác, kiểm tra. Đôi khi là ảnh hưởng bởi tranh chấp giữa các bên dẫn đến tình hình căng thẳng, phải đánh bắt gần bờ.
Dù thế nào, mỗi khi gặp nhau, ngư dân Việt vẫn thường vẫy sẵn ở quốc kỳ trên tay, niềm nở với những ngư phủ thuyền khác. Sự kết nối, đồng lòng này khiến ngày một nhiều tàu, thuyền hơn, dọc khắp các tỉnh thành ven biển của Việt Nam, hàng nghìn tàu thuyền đã và đang ra khơi, bám biển.
Biển là sinh mệnh
Quốc kỳ không chỉ sơn đậm theo quy chuẩn ở mui thuyền mà thường xuất hiện trên mũ của ngư phủ, một điểm chung kỳ lạ mà nếu không giải thích sẽ chẳng thể biết. Anh Chanh chỉ vào chiếc mũ đang đội, chiếc mũ in hình cờ Tổ quốc được anh sử dụng như sản phẩm “đa công dụng” bảo vệ cơ thể mỗi khi lao động. “Mũ này trông thế mà ấm lắm, rất nhiều công dụng, chịu nắng, chống chọi với gió lạnh vào mùa đông”.
Thì ra, tại nhiều quán tạp hóa xung quanh cảng Vân Đồn thường bán áo và mũ in hình cờ Tổ quốc bán cho khách du lịch. Thuyền viên cũng thường xuyên sử dụng những chiếc mũ này.
“Nếu như bạn ra biển và nhìn thấy những hình ảnh này, lòng tự tôn dân tộc sẽ luôn thôi thúc và hừng hực trong lồng ngực. Cuộc sống lênh đênh ngoài biển, cờ đỏ sao vàng như một dấu hiệu nhận biết, để thuyền viên không cảm thấy đơn độc, cô quả buồn tủi, rảnh rảnh, mấy anh em lại gọi thuyền khác qua tần số radio chia sẻ, hỗ trợ nhau trong việc đánh bắt cá”, ông Như nói.
Đối với ông Như hay những thuyền viên như anh Chanh, anh Giang, cuộc sống vốn dĩ chẳng thể lặng lẽ, giống như cái nghiệp gắn với biển cả.
Mong ước, về một cuộc sống đầy đủ, giản đơn, phải chăng là mưu cầu hạnh phúc thái quá khi mà sự khắc nghiệt của ngư trường mỗi lúc một tăng. Một bước chân trên thuyền như vạn dấu vết mà họ chạm đến lằn ranh giữa biên giới.
Hạnh phúc ra khơi đôi khi đơn giản với mực cá đầy lưới, nhưng hạnh phúc lớn lao là được giương cờ Tổ quốc khắp ngư trường, được hét thật to về sự sung sướng, hạnh phúc khi gặp đồng hương ở một miền biên viễn xa xôi.
Chẳng cần những khẩu hiệu mang tính động viên như “ngư dân hãy đi biển, hãy bám biển…” thì họ vẫn ra khơi. Biển là sinh mệnh, là tất cả của họ.