| Hotline: 0983.970.780

Chuyện những ngư dân Quảng Ninh vươn khơi bám biển: [Bài 3] Mệnh lệnh từ trái tim

Thứ Sáu 13/09/2019 , 08:47 (GMT+7)

Ngư dân và những người thân ở quê nhà nay đã yên tâm hơn nhiều khi những chiếc tàu vươn khơi đánh cá. Bởi bên cạnh họ luôn có lực lượng chấp pháp Việt Nam đồng hành.

Mong mỏi đợi người về

Bình minh vừa ló rạng, nhận được thông tin từ lực lượng biên phòng biển huyện Vân Đồn, cơn bão mang tên quốc tế Podul sẽ đổ bộ vào miền Trung khiến biển động mạnh, yêu cầu tất cả tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm nhanh chóng di chuyển về đất liền.

Ngay lập tức, hàng chục chiếc tàu đang đánh bắt tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần đảo Hải Nam quay mũi, di chuyển về đất liền. Sau một ngày lênh đênh trên biển, chừng 170 hải lý, cảng Cái Rồng (Vân Đồn) hiện ra ngay trước mắt các thuyền viên.

imgl6347063408627
Hải quân luôn bên cạnh và hỗ trợ ngư dân…

Không khí cảng cá Vân Đồn được khuấy động nhộn nhịp bởi những chuyến tàu cập bến. Thương lái đã có mặt, hối hả bốc dỡ hàng hóa, hải sản từ trên tàu. Đằng xa, nụ cười hạnh phúc của những người vợ, người con quýnh quáng đợi chồng, đợi cha trở về từ biển. Trong thâm tâm họ biết, chuyến đánh bắt xa bờ giữa thu này, gia đình sẽ có thêm đồ đạc mới và học phí cho con gần sát đợt khai giảng.

Chị Nguyễn Thị Soi, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn bộc bạch: “Chồng tôi và 2 con lớn đều làm nghề đánh cá ngoài biển xa. Trước đây mỗi lần ra khỏi nhà, tôi luôn có cảm giác bất an, lo lắng. Những lúc mưa bão mà không có cách nào liên lạc được đều phải ra cảng ngóng người thân, đến khi nào nhìn thấy thuyền cập bến thì mừng rơi nước mắt”.

Nhưng nay, dù vẫn trông ngóng người thân đi biển, nhưng chị Soi cũng như các gia đình khác trên bờ đều yên tâm hơn nhiều, bởi bên cạnh ngư dân đánh bắt xa bờ, lúc nào cũng có các lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển sát cánh, sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.

Mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ cho chuyến đi biển dài ngày, nhưng ông Như, chủ tàu Vân Đồn 90964 chỉ thật sự yên tâm khi có sự “đồng hành” của các chiến sĩ dân quân biển huyện Vân Đồn. Ông Như chia sẻ: “Bất kể ngày đêm, khi nhận được thông tin cần giúp đỡ của ngư dân, các chiến sĩ Trung đội dân quân biển Vân Đồn đều có mặt kịp thời”.

 Có dân quân, ngư dân thêm yên tâm bám biển. Chiến sĩ dân quân biển huyện Vân Đồn tuyên truyền cho ngư dân về Luật Biển Việt Nam. Trong các chuyến đi đều có lực lượng dân quân đi cùng để vừa tham gia đánh bắt hải sản, vừa là lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

“Cùng với đó, các anh còn tuyên truyền cho ngư dân nêu cao trách nhiệm trong quản lý vùng biển; giúp người dân hiểu rõ Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển; hướng dẫn ngư dân không vi phạm chủ quyền của các nước bạn; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết và những ngư trường khai thác hiệu quả cao để thông báo qua icom tầm ngắn cho các phương tiện cùng chung ngư trường, đồng thời làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện của ngư dân khi khai thác trên biển”, ông Như nói.

Không chỉ có vậy, các anh còn phối hợp với “Tổ đoàn kết trên biển” của địa phương để bảo đảm an ninh trên biển, không để xảy ra các vụ việc va chạm giữa các ngư dân trong quá trình lao động, sản xuất.
 

Điểm tựa vươn khơi

Trước khi đi biển dài ngày, ông Đỗ Bình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, đã nói trước với PV về tình hình khai thác, đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ninh.

Ông Minh bộc bạch, mặc dù đã có nhiều chính sách cụ thể, thiết thực giúp ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển, song trên thực tế, đời sống của nhiều ngư dân còn gặp khó khăn. Thời tiết diễn biến phức tạp, trong khi số đông ngư dân ra khơi cùng với con tàu cũ kỹ, thiết bị thông tin liên lạc không bảo đảm. Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đánh bắt xa bờ của một số tàu, thuyền hiệu quả kinh tế chưa được như mong muốn.

Ông Minh nhẩm tính, đến tháng cuối 6 năm 2019, có đến 25% tàu, thuyền thô sơ dưới 6m, đây là kế sinh nhai của 5.000 lao động tại địa phương. “Số thuyền cũ chiếm đến 1/4 lượng tàu bè di chuyển trong khu vực cho thấy câu chuyện của ngư dân trên ngư trường vẫn còn nhiều vấn đề, không thể giải quyết dễ dàng ngày một ngày hai”, ông Minh nói.

Tuy vậy, để tạo điều kiện giúp ngư dân khắc phục khó khăn, thời gian qua Quảng Ninh đã thành lập được các nghiệp đoàn nghề cá, tạo chỗ dựa vững chắc về tinh thần và tổ chức hoạt động khai thác cho ngư dân. Cùng đó, hàng loạt chương trình, hoạt động hướng về ngư dân, cổ vũ và tiếp sức cho ngư dân yên tâm bám biển được tổ chức.

imgi6334063345361
 …cũng như cứu nạn kịp thời

“Dù là đơn vị nào, chúng tôi đều xác định rõ là phải làm tốt ngay từ khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mỗi người dân, đặc biệt là ngư dân, để có phương án tự chủ, tự phòng tránh ngay từ cơ sở, giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Minh chứng rõ nhất là thống kê số lượng tàu, thuyền hoạt động ngày càng tăng.

Công việc của lực lượng chiến sĩ, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng luôn là điểm tựa để giúp ngư dân bám biển, bảo vệ đường biên, mốc giới hiệu quả. Trong lao động, ngư dân vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa là “vệ tinh” giúp đơn vị các lực lượng chấp pháp trên biển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra ngư dân còn là cộng tác viên phối hợp hỗ trợ khi, cứu nạn khi xảy ra sự cố trên phạm vi lãnh thổ. Mối liên hệ giữa ngư dân và dân quân càng trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết. Càng khó khăn, ngư dân các tỉnh ven biển càng có thêm động lực, trách nhiệm, quyết khơi bám biển.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Chính ủy Bộ tư lệnh Hải quân Vùng I cho biết, giúp ngư dân vươn khơi bám biển, đánh bắt hiệu quả và bền vững là mệnh lệnh không lời từ trái tim người lính. Bởi thế, lực lượng Hải quân đã có Chương trình “Hải quân Việt Nam giúp ngư dân vươn khơi bám biển”.

Theo ông Quang, người lính Hải quân sẽ tuyên truyền cho bà con ngư dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển; Các Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực; các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển và khai thác, đánh bắt thủy hải sản an toàn, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường, chống khai thác hải sản bất hợp pháp…

“Phối hợp, triển khai cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển của Vùng I Hải quân như: Các tàu trực, tàu tuần tiễu, tàu kiểm tra, kiểm soát ngư trường… căn cứ tình hình thực tiễn hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt cho bà con ngư dân trên biển trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm”, ông Quang nói.

Ngoài ra, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ trực, chốt giữ, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc với bảo vệ hoạt động hợp pháp của ngư dân; bảo vệ tài sản, tính mạng của bà con ngư dân trên biển; tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường khai thác thủy sản, phát triển kinh tế.

Làm tốt công tác hỗ trợ, động viên ngư dân sẵn sàng tham gia cùng Hải quân và các lực lượng của ta thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc theo các phương án, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Xem thêm
Xây dựng ngành hàng nuôi biển: [Bài 3] Sắp xếp không gian biển

Các tỉnh ven biển đang thực hiện dẹp bỏ lồng nuôi thả tự phát, sai quy hoạch… Không gian biển đang được sắp xếp một cách quy củ, bài bản để nuôi biển bền vững.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.