Ra Trường Sa, Hoàng Sa bắt cá lớn
Khi bước vào vùng phân định ranh giới này, bắt buộc tàu thuyền của Việt Nam phải hạ cờ xuống. Việc làm này thể hiện sự tôn trọng giữa các quốc gia trong vùng đánh bắt chung, một phần để tránh hiểu lầm không đáng có.
Thuyền viên thu lưới và phân loại sản phẩm. |
Lá cờ được thuyền viên tháo xuống và để gần bàn thờ ông biển, bà bể với mong muốn được đánh bắt an toàn, may mắn. Cả đoàn bắt đầu nghỉ ngơi sau khi ăn xong bữa tối, sẵn sàng sức khỏe để làm việc cả đêm.
Ông Như, thuyền trưởng tàu Vân Đồn 90964 vẫn hì hục với những người bạn trong nghề, thông qua bộ đàm radio, họ giữ liên lạc xuyên suốt lộ trình đi biển, phòng khi cần cứu hộ, hay bất trắc mà không kịp báo lại cơ quan chức năng, những người đồng nghiệp sẽ giúp họ làm phần việc còn lại. Cuộc nói chuyện bị ngắt quãng bởi đường truyền tín hiệu kém. Đồng nghiệp bên kia đường truyền có chất giọng Quảng Trị đặc sệt cộng hưởng với tín hiệu kém, người đàn ông cao giọng để ông Như có thể hiểu.
“Buôn có bạn, bán có phường”, nghề nào cũng vậy. Cái nghề đi biển này tình bạn ấy càng sắc nét hơn, đẹp đẽ hơn, thể hiện sự đồng cảm về nỗi vất vả cùng cảnh ngộ, tình thương, đùm bọc của những lao động xa nhà. Kết thúc câu chuyện, họ hẹn tháng sau cùng nhau ra biển Đông, gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt cá lớn.
Trời bắt đầu tối hẳn, hàng chục bóng đèn 1.000W dạng hình cầu liên tiếp phát sáng theo dây chuyền, bóng đêm đỏ rực. Nhìn đằng xa, hàng chục chiếc thuyền cũng đang phát sáng một vùng.
Mẻ lưới đầu tiền trong ngày được kéo lên, anh Giang giật mình khi phát hiện hai người đàn ông lạ mặt đang cố gắng chèo lên tàu, họ di chuyển chồng bấp bênh trên sóng với một chiếc thuyền thúng.
Anh Giang nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, khi phát hiện có một chiếc thuyền gỗ cách đó chừng 100m. Anh Giang tiến lại hỏi chuyện hai người, một lớn tuổi, đầu tóc rậm rạp, đen bóng, trên mặt đã xuất hiện nhiều vết nhăn, mồ hôi lã chã trên khuôn mặt khắc khổ. Còn người thanh niên còn lại là con trai của ông. Cậu xanh xao, gầy gò. Vết loang lổ trắng, vàng trên vùng da thịt đen kịt in hằn trên da bọc xương.
Người đàn ông tên Hải và cậu con trai đến đề nhặt nhạnh những thứ có thể vứt đi từ thuyền lớn đem làm mồi câu cá thu. Tất nhiên họ đến với mong muốn được giúp đỡ, thế nhưng họ cũng có tự trọng riêng để trả lại những gì họ đã lấy, hơn 5 kg mực ống cỡ vừa được nhặt lại vào chiếc lồng đem theo, họ đề nghị trả cho ông Như một số tiền. Ông Như cầm một nửa rồi trả lại.
Sóng bỗng chốc một lớn, người đàn ông lớn tuổi tên Hải vừa ghì chặt bàn chân giữ thăng bằng trên thuyền, vừa bộc bạch: “Chúng tôi từ vùng biển Hà Tĩnh ra để câu cá thu, cá ngừ. Thuyền bé nên không chài lưới, chúng tôi phải câu theo truyền thống”.
Chia sẻ lúc hiểm nguy
Hàng ngày thuyền viên phải kiếm đủ mọi cách để có thể kiếm được mồi câu. Mồi phải là mực sống to bằng cổ tay mới có hy vọng bắt được cá lớn. Không thể tự kiếm mồi săn, họ thường đến những chiếc thuyền lớn hơn để xin hoặc mua mực về làm mồi. Chắc chắn trước khi làm điều đó, họ phải quan sát thật kỹ, nếu không muốn bị bắt khi trèo lên nhầm thuyền của quốc gia khác.
Thuyền gỗ, thuyền nhỏ theo kiểu truyền thống vẫn còn di chuyển trong khu vực miền biển của Việt Nam, đa phần thuộc quyền sở hữu của các tỉnh miền Trung. Nếu thời tiết thuận lợi, một chuyến đi kéo dài hơn 1 tháng, họ đem theo gạo và nước ngọt dùng cho sinh hoạt, thủy, hải sản sau đánh bắt sẽ được bảo quản bằng thùng xốp ướp đá lạnh. Một số thuyền sẵn sàng ra xa bờ, đến vùng phân định ranh giới để câu cá lớn.
Thuyền gỗ có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Đặc biệt vào ban đêm, ngoài 1 chiếc đèn LED nhấp nháy, không có bất cứ dấu hiệu nào chắc chắn họ đang tồn tại trên mặt biển. Vị trí của những chiếc thuyền này cũng không rõ, nếu một thuyền lớn di chuyển mà không quan sát, rủi ro dễ dàng ập đến.
Ông Hải chia sẻ rằng đi ra biển thì không khó nhưng chưa chắc quay lại đất liền an toàn. Làng chài nơi ông sống nhiều góa phụ mòn mỏi chờ chồng, những đứa con nheo nhóc khóc thét mỗi khi nhận tin xấu.
Chuyến đi thành công, an toàn với nhiều cá. |
“Còn nhớ năm 2006, cơn bão Chanchu quét qua biển Đông, với sức gió mạnh, di chuyển nhanh và đổi hướng, tàu lớn còn kịp di chuyển, trú bão tại đảo, thuyền nhỏ như chúng tôi thì ngồi im cầu số. Cũng tại cơn bão này, làng tôi đại tang cho 7 ngư phủ, đến giờ anh em vẫn còn nằm sâu dưới đáy biển. Chúng tôi may mắn được các tàu lớn khác hỗ trợ nên an toàn”, ông Hải kể.
Ông Hải và con trai rời đi để quay về với công việc quen thuộc. Ông không quên cảm ơn, bắt tay ông Như vì sự giúp đỡ tận tình. Đoàn thuyền cũng mau chóng thả lưới đánh cá, thu hoạch, phân loại sản phẩm, công việc diễn ra trôi chảy đến sáng. Đoàn bắt đầu ăn sáng và nghỉ ngơi sau một đêm làm việc vất vả. Ông Như trên khoang lái di chuyển tàu vào khu vực mới để tiếp tục đánh bắt cá, di chuyển được một quãng vào gần đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam thông báo trên tần số radio, yêu cầu các tàu thuyền, có mặt ở gần đảo Hải Nam phối hợp với lực lượng chức năng tìm kiểm một thuyền viên vừa rơi khỏi tàu mất tích. Ngay lập tức, ông Như chồm dậy với lấy chiếc ống nhòm, quan sát mặt biển xung quanh thuyền. Đài báo thêm về vì trí, tọa độ nơi thuyền viên rơi xuống, ước tính thời gian, sóng biển và địa điểm người mất tích có thể xuất hiện, hàng trăm tàu thuyền khác cùng theo dõi tin tức cập nhật để kiếm tìm thuyền viên.
Ngoài việc di chuyển liên tục, phát hiện những dấu hiệu bất thường trong khu vực vùng phân định ranh giới, bảo vệ chắc chủ quyền vùng lãnh thổ, các tàu, thuyền của ngư dân luôn là “vệ tinh” quan trọng giúp lực lượng chức năng trong công tác tìm kiếm, cứu nạn.
“Đi biển mà không đùm bọc nhau, giúp đỡ, chia sẻ với nhau lúc hiểm nguy, hoạn nạn thì khó có thể vừa bám biển dài lâu, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Với chúng tôi, biển lúc nào cũng là nhà, ngư trường là quê hương, là nơi cho chúng tôi mưu sinh và vùng vẫy”, ông Như nói.
Một diễn biến bất ngờ trong chuyến đi biển lần này của chúng tôi, đó là hải trình bị rút ngắn một phần ba thời gian. Lý do là ông Như tiếp nhận thông báo khác từ lực lượng Biên phòng, yêu cầu rời khỏi vành đai ranh giới để quay trở lại Việt Nam. Ông điều khiển con tàu quay tại phía vịnh để đánh bắt cá.
Về đến vùng biển của mình, lá cờ Tổ quốc lại một lần nữa tung bay trên nền xanh hòa hợp của trời và biển.