| Hotline: 0983.970.780

Chuyện thời sự ĐBSCL: Cần sớm điều tiết nước mặn cho vùng lúa - tôm

Thứ Sáu 17/02/2023 , 14:06 (GMT+7)

Kiên Giang kiến nghị phối hợp, điều tiết nước mặn từ hướng cống Ninh Quới, Bạc Liêu qua, để hỗ trợ nguồn nước mặn cho vùng lúa - tôm của huyện Gò Quao.

Mở rộng mô hình sản xuất

Đoàn công tác Sở NN-PTNT Kiên Giang và Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam làm việc với huyện Gò Quao để nắm tình hình tác động của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đến phát triển nông nghiệp và việc đầu tư hạ tầng, hệ thống cống vùng phân ranh trong sản xuất.

Ông Võ Văn Trà, Chủ tịch UBND huyện Gò Quao kiến nghịện Gò Quao kiến nghị ngành nông nghiệp cần quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống cống nội đồng, khép kín để phục vụ sản xuất hiệu quả hơn. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Võ Văn Trà, Chủ tịch UBND huyện Gò Quao kiến nghị ngành nông nghiệp cần quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống cống nội đồng, khép kín để phục vụ sản xuất hiệu quả hơn. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Võ Văn Trà, Chủ tịch UBND huyện Gò Quao cho biết, huyện Gò Quao nằm ở phía hạ lưu cống, chịu tác động rất lớn từ việc vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Qua gần 2 năm vận hành thử nghiệm cho thấy việc đầu tư hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã góp phần cho huyện chủ động trong quy hoạch sản xuất, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, hình thành các dạng mô hình sản xuất theo quy hoạch của huyện.

Sau thời gian thực hiện mô hình sinh kế khi vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, huyện Gò Quao kiến nghị ngành nông nghiệp tiếp tục đầu tư thêm các dạng mô hình này giai đoạn 2, theo hướng nâng cao như truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng trồng, vùng nuôi và liên kết chuỗi giá trị.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Gò Quao, trước khi hình thành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, trên địa bàn huyện có 4 mô hình sản xuất, gồm tôm - lúa diện tích 2.394ha, khóm - cau - dừa diện tích 287ha, khóm - tôm - lúa bệ (chân bờ bao, liếp) diện tích 1.606ha và cây ăn trái 850ha.

Khi vận hành thử nghiệm cống Cái Lớn - Cái Bé, trên nền sản xuất nông nghiệp của huyện, tỉnh triển khai trên địa bàn huyện Gò Quao 5 dạng mô hình sản xuất, gồm: Mô hình tôm - lúa quản lý cộng đồng (40ha), lợi nhuận bình quân đạt trên 50 triệu đồng/ha. Đây là mô hình được khuyến khích phát triển, có tính đặc thù của vùng xâm nhập mặn theo mùa. Mô hình khóm - cau - dừa thực hiện 50ha, hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận đạt 147 triệu đồng/ha. Mô hình cây ăn trái (măng cụt, sầu riêng), thực hiện 20ha, lợi nhuận bình quân hơn 143 triệu đồng/ha. Mô hình khóm - tôm, thực hiện 30ha, lợi nhuận 68 triệu đồng/ha. Mô hình tưới tiết kiệm, thực hiện 30ha, ứng dụng công nghệ giúp giảm lượng nước tưới và giảm chi phí tưới gần 7 triệu đồng/ha.

“Nhìn chung trước và sau khi vận hành thử nghiệm hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trên địa bàn huyện vẫn duy trì các dạng mô hình sản xuất ổn định, bền vững theo hệ sinh thái ngọt - lợ bám mục tiêu tái cơ cấu kinh tế của huyện”, ông Trà đánh giá. 

Về thủy lợi, huyện Gò Quao đã được đầu tư hệ thống đê bao ven sông Cái Lớn, Cái Bé, Cái Tư và hệ thống cống điều tiết sản xuất phân ranh vùng trong sản xuất. Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống đê bao, cống điều tiết sản xuất, phân vùng ngọt - lợ chưa đồng bộ và chưa theo kịp với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt, khó lường. Do đó, việc chủ động trong sản xuất, phát triển bền vững các dạng  hình theo quy hoạch và tái cơ cấu còn gặp nhiều khó khăn.

Empty

Ông Lê Hữu Toàn (đứng giữa), Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cùng các thành viên trong đoàn xem bản đồ xác định vùng phân ranh, lấy nước mặn phục vụ nuôi tôm trên địa bàn huyện Gò Quao. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Võ Văn Trà, Chủ tịch UBND huyện Gò Quao cho biết, trước đây tranh chấp giữa con tôm và cây lúa, tức là tranh chấp mặn, ngọt xảy ra trên địa bàn huyện rất gay gắt. Nhưng hiện nay mô hình lúa - tôm đã dần hoàn thiện, trong đó con tôm đã khẳng định được giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Việc đầu tư hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé để điều tiết nguồn nước, phục vụ sản xuất mà Gò Quao là huyện nằm trong vùng hưởng lợi là rất mừng.

Để phát triển sản xuất ổn định, bền vững huyện Gò Quao kiến nghị ngành nông nghiệp Kiên Giang cần quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống cống điều tiết phân ranh vùng sản xuất ngọt - lợ và các trạm quan trắc tự động cho huyện. Đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn phía hạ lưu ống Cái Lớn bên bờ phải huyện Gò Quao và Châu Thành để vừa phục vụ sản xuất vừa phát triển kinh tế xã hội. Đầu tư hệ thống đê bao khép kín cho xã cù lao Vĩnh Phước A phục vụ sản xuất, duy trì các dạng mô hình đặc trưng khóm - tôm - lúa bệ và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều tiết nước mặn (2)

Đoàn đã đi kiểm tra thực địa, kiểm tra tình hình lấy nước mặn phục vụ nuôi tôm tại công trình thủy lợi cống Cả Bàn, xã Thủy Liễu. Ảnh: Trung Chánh.

Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa UBND các huyện, ngành nông nghiệp trong khu vực hạ lưu cống Cái Lớn - Cái Bé, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Kiên Giang… để thống nhất vùng sản xuất, lịch thời vụ và dự báo tương đối chính xác tình hình thời tiết, khí hậu, để chủ động phát triển sản xuất.

Nuôi tôm gặp khó do thiếu nước mặn

Hiện nay, đang là vụ thả giống nuôi tôm nước lợ trong mô hình luân canh lúa - tôm, tuy nhiên năm nay nước mặn vào rất chậm, người dân chưa thể lấy đủ nước nên việc thả giống gặp khó khăn. Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang kiến nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam có thể phối hợp, điều tiết nước mặn từ hướng cống Ninh Quới (Bạc Liêu) qua, để hỗ trợ nguồn nước mặn cho vùng lúa - tôm của huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận (những địa phương giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu), thay vì chờ nước mặn từ biển Tây theo sông Cái Lớn vào.

Ông Nguyễn Việt Anh (bên trái), Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam và ông Võ Văn Trà, Chủ tịch UBND huyện Gò Quao kiểm tra quan trắc môi trường nước, độ mặn trên hệ thống kênh, rạch được cập nhật tự động trên thiết bị thông minh. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Việt Anh (bên trái), Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam và ông Võ Văn Trà, Chủ tịch UBND huyện Gò Quao kiểm tra quan trắc môi trường nước, độ mặn trên hệ thống kênh, rạch được cập nhật tự động trên thiết bị thông minh. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam cho rằng, việc lấy nước mặn vào nuôi tôm là rất cần thiết nhưng việc vận hành hệ thống cống còn phải tính toán hài hòa việc đối phó với hạn mặn cho cả mùa khô năm 2023. Vì theo dự báo, khoảng đầu tháng 3/2023 sẽ là thời kỳ đỉnh điểm của mùa khô hạn, xâm nhập mặn ở vùng ven biển ĐBSCL.

Nhiều địa phương thuộc các huyện vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đang thiếu nước mặn để phục vụ nuôi tôm, cua biển luân canh trên ruộng lúa, nông dân gặp khó khi thả con giống cho vụ nuôi mới. Ảnh: Trung Chánh.

Nhiều địa phương thuộc các huyện vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đang thiếu nước mặn để phục vụ nuôi tôm, cua biển luân canh trên ruộng lúa, nông dân gặp khó khi thả con giống cho vụ nuôi mới. Ảnh: Trung Chánh.

Sau khi đi kiểm tra thực tế và làm việc với các huyện thuộc vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam cùng với các phòng chuyên môn sẽ đi Bạc Liêu để nắm tình hình cụ thể. Từ đó, sẽ có kế hoạch vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi trong vùng, điều tiết nguồn nước để phục cầu sản xuất của bà con nông dân, nhất là nhu cầu về nước mặn phục vụ nuôi tôm luân canh trên nền đất lúa.

Sau buổi làm việc, đoàn đã đi kiểm tra thực địa, kiểm ta tình hình lấy nước mặn phục vụ nuôi tôm tại các công trình thủy lợi mới được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Gò Quao, gồm cống Cả Bàn, cống Thới Thủy (xã Thủy Liễu) và cống Kênh Vàm Cả Mới Lớn (xã Thới Quản). Tại các cửa cống này, hiện nước ngọt trong nội đồng còn khá cao và đang chảy từ trong ra ngoài nên nước mặn từ hướng biển chỉ có thể vào kênh, rạch khi có con nước triều cường.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.