Cho tới đầu thập niên 90s của thế kỷ trước, ở Tiệp Khắc cũng như nhiều nước Đông Âu trong khối Liên Xô cũ, “nghiên cứu sinh” có thể học thẳng Tiến sĩ mà không buộc phải qua chương trình Thạc sĩ. Để được cấp bằng Ph.D. sinh viên thường chỉ mất 3 năm viết luận án, và không yêu cầu phải đến lớp học môn gì. Khi xong chương trình này họ có học vị “Phó Tiến sĩ”. Về sau ở Việt Nam người ta bỏ học vị “Phó Tiến sĩ” và đổi thành Tiến sĩ. Tuy người giỏi thật sự không thiếu, chuyện thuê người viết giúp luận án cũng không phải là lạ, và khi học xong chương trình nghiên cứu sinh ba năm nhiều người vẫn không nói trôi ngôn ngữ nơi mình học.
Từ một chữ bẻ đôi không biết, tôi bỏ ra nguyên một năm học tiếng và bắt đầu đọc các tài liệu ngôn ngữ bằng tiếng Tiệp sau khi được Giáo sư Novak của Đại học Charles nhận lời hướng dẫn luận án. Nhưng rồi sóng đời đưa đẩy, tôi sang Bắc Mỹ học ở Đại học Toronto, đại học công lớn nhất Canada, thuộc top 50 trường đại học hàng đầu thế giới.
Ở Bắc Mỹ (Canada và Hoa kỳ) thường người ta yêu cầu phải có bằng Thạc sĩ trước khi học Tiến sĩ. Ở các ngành khoa học xã hội (Social Sciences) hay nhân văn (Humanities) sinh viên thường chỉ được học bổng trong 4 năm, đủ để xong chương trình. Nhưng trong thực tế thì mất khoảng 6 năm. Nếu bốn năm vẫn chưa xong thì các năm sau sinh viên không có học bổng, chỉ nhận được một số giờ phụ giảng nhưng không nằm trong diện “ưu tiên” như các sinh viên khác còn trong hạn 4 năm. Nghe nói cho tới cuối những năm 1990s, ở Khoa Ngôn ngữ chúng tôi chỉ có 4 sinh viên học xong trong vòng 4 năm, gồm một chị người Trung quốc học trước chúng tôi vài năm, ba người còn lại vào và ra cùng năm. Anh người Nga và cô Trung quốc kia độc thân, chỉ tôi có con nhỏ. Không biết có phải vì dân địa phương không phải như di dân thân cô thế cô, không có cái lo thúc bách, nên cứ túc tắc khi nào xong thì xong chăng. Không có học bổng họ còn có thể nhờ vào gia đình hoặc tìm công việc làm thêm.
Trừ phi là sinh viên du học, người Việt di dân sang Bắc Mỹ dù là thuyền nhân hay bảo lãnh thường đi làm ngay, có khi hai ba việc một lúc, cốt cho con cái được học đến nơi đến chốn. Vài người Việt ở Toronto khi có dịp trò chuyện cứ nghĩ tôi thuộc diện được chính phủ cử đi học. Học xong cũng như bao sinh viên khác, tôi cõng một số nợ sinh viên (student loan). Tiền này chính phủ trả lãi ngân hàng giúp cho tới khi sinh viên học xong thì bắt đầu tự trả dần vốn và lãi.
Tuy có thể khác nhau chút ít, ở năm đầu chương trình, sinh viên phải học một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn. Mỗi môn thường có một bài tiểu luận cuối học kỳ. Ở Đại học Toronto, năm thứ hai sinh viên phải viết hai tiểu luận thuộc hai ngành hẹp tự chọn, một ngành sẽ là lĩnh vực viết luận án. Tiểu luận dài vài ba chục trang, ở mức có thể nộp cho báo chuyên ngành (tiểu luận Ngôn ngữ học xã hội của tôi sau thành một chương trong cuốn sách in năm 2002 về Ngôn ngữ và Giới tính). Viết là kỹ năng khó nhất trong việc học một thứ tiếng nào đó. Vì phải viết nhiều như vậy nên sinh viên có nhiều dịp để thực hành việc nghiên cứu, từ chọn đề tài, nêu câu hỏi, thu thập và phân tích tư liệu nếu làm thực nghiệm, cho đến việc tìm và chọn lựa các tài liệu tham khảo. Chỉ sau khi xong năm thứ hai sinh viên mới ký tên là Ph.D. Candidate (Ứng cử viên Tiến sĩ) hay ABD (All but Dessertation – Đã xong hết chỉ còn luận án).
Năm thứ ba sinh viên chọn đề tài luận án, làm đề cương mục lục, và ít nhất viết một chương hoàn chỉnh trước khi bảo vệ. Buổi bảo vệ này mở rộng cho các giáo sư và sinh viên, ai cũng có thể đặt câu hỏi. Năm cuối cùng dành để viết luận án. Tuy gọi là một năm thực ra chỉ hơn một học kỳ, vì phải nộp bản nháp hoàn chỉnh sớm trong học kỳ hai cho Hội đồng Hướng dẫn đọc cho ý kiến, đem về sửa chữa đến khi Hội đồng cho rằng có thể bảo vệ. Sau buổi bảo vệ, lấy ý kiến phản biện lại sửa tiếp trước khi nộp cho Phòng quản lý Sinh viên Sau đại học. Chỉ riêng các việc sửa đi sửa lại vài lượt này đã mất rất nhiều thời gian. Trường hợp làm thực nghiệm như tôi còn mất vài ba tháng sửa các lỗi dùng phần mềm khi phân tích tư liệu, các lỗi không ai có thể dạy để tránh vì mỗi trường hợp mỗi khác. Cứ phải làm sai rồi sửa cho đến khi tìm đúng cách.
Chương trình học căng thẳng vất vả như vậy nên không phải ai cũng hoàn thành. Nhiều người cuối cùng nhận thấy đó không phải là cái họ muốn nên bỏ cuộc giữa chừng, đi làm việc.
Khoa Ngôn ngữ thì chỉ có mười mấy sinh viên Sau Đại học (Tiến sĩ và Cao học). Mỗi người được phân cho một không gian riêng gồm một bàn làm việc, một cái ghế, và một cái máy điện toán Macintosh vuông vức, màn hình 9 in, sức chứa 40 MB, chỉ sản xuất trong các năm 1990-92. Trong cái ổ cứng được phân, tôi thừa hưởng luôn một file là luận án Tiến sĩ đã viết xong của một sinh viên Canada gốc da trắng. Chị ấy có chung giáo sư hướng dẫn như tôi. Đến khi tôi học xong chương trình Tiến sĩ, luận án ấy vẫn bỏ dở trong máy, dường như không bao giờ được bảo vệ. Nghe đồn là chị ấy vốn người sắc sảo và có ý kiến riêng mạnh, không thích sửa theo gợi ý của GS hướng dẫn nên không muốn bảo vệ. Chị sau đó còn loăng quăng ở Khoa một thời gian, được phân một số giờ phụ giảng, rồi lấy chồng, có con.
Đó không phải là người duy nhất giữ danh xưng ABD suốt đời. Cùng thời gian tôi học, có hai người trong chương trình Tiến sĩ hơn chục năm rồi. Một người không bao giờ bảo vệ luận án. Người kia thì dạy ngôn ngữ học ở Đại học York cùng thành phố, viết và in rất nhiều bài báo khoa học, đóng góp quan trọng về lý thuyết Đánh dấu (Markedness) trong ngành Âm vị học. Sau khi bảo vệ luận án, lập tức ông được phong hàm Phó Giáo sư vì các công trình đã xuất bản và có tiếng vang ấy.
Đấy là những người học “thật” nhưng không có bằng mà tôi biết.
Các công việc trong ngành giáo dục hoặc trong chính phủ thường yêu cầu bằng cấp cao, mà để lấy được cái bằng Tiến sĩ vất vả và làm việc căng thẳng dài ngày như vậy, thì liệu có con đường tắt nào để có bằng cấp không, hoặc có bằng “hợp lệ” mà không phải học hành vất vả? Thưa vẫn có.
Ở Bắc Mỹ những cơ sở giáo dục đại học và cao hơn được công nhận (accredited) nếu hội đủ - và luôn giữ được - chất lượng đào tạo. Việc công nhận này phải qua một quá trình phản biện của 19 tổ chức phi chính phủ. Tư cách được công nhận này (accredited) của một trường quyết định nhiều thứ, như việc cấp học bổng của chính phủ tiểu bang hoặc vay nợ của liên bang, các công ty hoặc trường ốc khi nhận người, các tư nhân cho tiền khi gây quỹ (donation), v.v. Ở Mỹ có khoảng 8.200 cơ sở giáo dục và hơn 44.000 chương trình giáo dục được công nhận.
Nhiều công ty môi giới ở Việt Nam tổ chức học “liên trường” để lấy bằng đại học “quốc tế”. Người quan tâm nên tìm hiểu xem các trường liên kết ở Bắc Mỹ này có thuộc số những trường được công nhận về chất lượng không (accredited), bởi khá nhiều trường không nằm trong danh sách này.
Cách an toàn nhất để có một tấm bằng mà không phải học khổ cực là qua một công ty hoặc tổ chức lợi nhuận nào đó môi giới, trả tiền học phí một lần – giá dao động từ vài trăm đến vài ngàn Mỹ kim - cho chương trình Tiến sĩ ở một đại học vớ vẩn (degree-mill university) nào đó. Người ta chỉ cần học sơ sài vài môn, tất nhiên không có khoản viết luận án, hoặc chẳng cần học mà vẫn được cấp bằng. Chương trình “học” thường là online. Bằng cấp này không được xem là chính thống (legitimate). Luật pháp liên bang không có quy định rõ rệt cấm các loại tổ chức phát bằng này. Những trường ấy tuy không được công nhận chất lượng nhưng không phải là bất hợp pháp, nên việc cấp các loại bằng ất ơ này cũng không phải là phạm pháp.
Dấu hiệu để nhận biết các cơ sở cấp bằng vớ vẩn này ngoài việc các quảng cáo nhiệt tình, là họ không có một cơ sở vật chất nào, bằng cấp được hứa hẹn trong một thời gian rất ngắn, chương trình học rút căn cứ vào “kinh nghiệm sống” (life experience), và tiền học phí thường là một giá chung cho tất cả các ngành học. Một điều nữa là các trường “đại học” này thường có tên gọi gần giống các trường đại học nổi tiếng, và không có website tên miền mang cái đuôi .edu.
Cấp bằng giả, DIPSCAM (diploma scam) là một ngành kinh doanh béo bở. Năm 2017 ở Mỹ có khoảng 400 tổ chức cấp bằng Tiến sĩ dổm kiểu này. Tuy nhiên, đa số những bằng vô giá trị dùng ở Mỹ được mua từ các cơ sở đại học ở nước ngoài.
Như vậy một người vẫn có thể xin được việc với cái học vị Tiến sĩ dổm, và yên ổn cho đến khi bị phát hiện. Hoa Kỳ chỉ có danh sách những Đại học được công nhận (accredited), không có danh sách những trường không được công nhận. Vì thế, xin việc với một cái bằng giả như thế này thì rất dễ kiểm tra. Khi đã bị bóc mẽ là mua bằng thì chẳng những cầm chắc mất việc, mà có khi còn phải bồi thường thiệt hại cho nơi làm việc, hoặc sa vào tù tội nếu gây ra tác hại nặng.
Năm 2003 đại học Notre Dame bổ nhiệm một huấn luyện viên bóng đá và sa thải sau 5 ngày khi người ta phát hiện bằng Cao học của anh ta là giả. Năm 2011 Jim Mann, chuyên viên kỹ thuật do chính Thống đốc bang Kansas bổ nhiệm, một tháng sau phải từ chức khi bị phát hiện dùng bằng giả. Bản tin ngày 9/9/2017 của CBS cho hay ở Pittsburgh, Kansas, sau khi bị học sinh của trường đăng tải câu chuyện bằng giả, Amy Robertson phải từ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng lương 93 ngàn Mỹ kim một năm. Bà thú nhận rằng trường đại học Corllins nơi cấp cả hai bằng Cao học và Tiến sĩ của bà là một đại học “ma”. Năm 2002 Laurence Perry ở North Carolina bị kết án tội vô ý giết người và tù 12 đến 15 tháng vì cho một cô bé uống giảm liều thuốc insulin dẫn đến tử vong (*). Perry dùng bằng giả.
Những người dùng bằng giả khi bị phát hiện chẳng những bị mất việc, chịu vết nhơ trong hồ sơ, bị lãnh án lừa đảo, mà sau đó còn khó có cơ hội xin được việc làm tử tế.
Nhìn chung xã hội Hoa Kỳ vẫn tin rằng học hành để có được kiến thức và kỹ năng đặng đóng góp vào sự phát triển của nhân quần và gìn giữ thiên nhiên. Danh tiếng hay lương bổng chỉ là kết quả, không phải mục đích của việc sử dụng các kiến thức và kỹ năng ấy. Việc truy lùng bằng giả ngày càng gắt gao hơn. Người ta đang đề nghị giao hẳn việc này cho FBI, không phải chỉ là trách nhiệm của phòng “quản lý” người (HR Human Resources) của mỗi trường hay cơ quan như hiện tại.
(*) Sam Westreich. “Why are so many people buying fake PhDs?”. The Faculty, Medium May 20, 2020.
Andrea Hoa Pham
Tác giả Andrea Hoa Pham, giáo sư tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa – Viện đại học Florida; tốt nghiệp Tiến sĩ Ngôn ngữ học, Đại học Toronto (Canada); Giải thưởng Giáo sư tiêu biểu, Đại học Florida (2021 - 2024).