| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình khó quên của tác giả lời ca ‘Xuân và tuổi trẻ’

Thứ Bảy 20/01/2024 , 06:05 (GMT+7)

‘Chuyện tình khó quên’ trên Nông nghiệp Radio lúc 20h ngày 20/1 giới thiệu duyên nợ phu thê nhiều ân nghĩa lắm buồn thương của nhà thơ Thế Lữ với hai người vợ.

Nhà thơ Thế Lữ qua nét vẽ của Huỳnh Dũng Nhân.

Nhà thơ Thế Lữ qua nét vẽ của Huỳnh Dũng Nhân.

Chuyện tình khó quên của nhà thơ Thế Lữ (1907-1989) gắn liền cuộc đời bôn ba và đam mê mà ông dấn thân sáng tạo. Chuyện tình khó quên với người vợ thứ nhất Nguyễn Thị Khương ở Hải Phòng lớn hơn ông 2 tuổi, còn chuyện tình khó quên với người vợ thứ hai Song Kim ở Hà Nội nhỏ hơn ông 6 tuổi.

Hai người vợ khác nhau về xuất thân và lối sống, đều góp phần giúp Thế Lữ định vị một nhân vật lừng lẫy trong đời sống nghệ thuật nước ta. Không chỉ góp phần hình thành Thơ Mới, ông còn đặt nền móng cho sân khấu Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, Thế Lữ cũng chính là tác giả ca từ của bài hát nổi tiếng “Xuân và tuổi trẻ”.    

Tính đến mùa xuân Giáp Thìn 2024, ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” đã ra đời đúng 80 năm. Từ giai điệu của nhạc sĩ La Hối, những lời ca “Xuân và tuổi trẻ” do nhà thơ Thế Lữ viết, tạo nên những nguồn năng lượng tích cực cho nhiều thế hệ người Việt Nam.

Nhà thơ Thế Lữ, tên thật Nguyễn Thứ Lễ, sinh năm 1907 tại Hải Phòng. Trong bài thơ “Cây đàn muôn điệu’, Thế Lữ bộc bạch: “Tôi chỉ là một khách tình si/ Ham vẻ đẹp có muôn hình, muôn thể/ Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ/ Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca”. Và ông thực hiện được ước mơ đời mình: “Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu. Lấy thanh sắc trần gian làm tài liệu”.

Mùa xuân 1944, khi cùng đoàn kịch lưu diễn tại Hội An, Thế Lữ tình cờ nghe được một ca khúc của nhạc sĩ La Hối (1920- 1945) với ca từ tiếng Trung của Diệp Truyền Hoa. Giai điệu rộn ràng ấy đã thôi thúc Thế Lữ viết thêm lời Việt có tựa đề “Xuân và tuổi trẻ” dạt dào: “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới/ Lòng đắm say bao nguồn vui sống/ Xuân về với ngàn hoa tươi thắm/ Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng”.

Đến hôm nay, ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” với ca từ của Thế Lữ đã trở thành bài hát kinh điển không thể thiếu mỗi dịp sum vầy đón Tết của người Việt, với bao nhiêu ước vọng: “Vui sướng đi cho đời tươi sáng/ Vui sướng đi cho lòng thêm tươi/ Ta hát ca đón mừng xuân mới/ Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái”.

Khác với những rạo rực trong ca từ “Xuân và tuổi trẻ”, nhà thơ Thế Lữ ở tuổi thanh niên thường xuyên đau ốm, nên nhiều người khuyên nên sớm cưới vợ. Dân gian vẫn quen gọi tập quán ấy là “xung hỷ”. Hôn lễ được tổ chức, khi Thế Lữ 17 tuổi và Nguyễn Thị Khương 19 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Khương sinh hạ cho nhà thơ Thế Lữ cả thảy 4 người con, 3 trai 1 gái. Bà chấp nhận ở nhà thay chồng chăm sóc mẹ già và nuôi dạy con thơ, để Thế Lữ được thỏa sức phô diễn tài nghệ ở chốn kinh kỳ Thăng Long. Vài tháng, Thế Lữ mới về nhà dăm bữa, rồi lại đi theo tiếng gọi văn chương và sân khấu. Bà Nguyễn Thị Khương không biết viết, nhưng biết đọc. Mỗi lá thư của chồng gửi về, đều được bà cất giữ rất kỹ, để lâu lâu đem ra đọc lại cho bớt nỗi ngóng trông và thương nhớ.

Tuy lãng đãng gió trăng, nhưng nhà thơ Thế Lữ cũng cảm nhận được những vất vả mà vợ mình phải chịu đựng khi sống với mẹ chồng khó tính. Ông giải thích cho vợ hiểu rằng, do tình duyên của mẹ gặp nhiều trắc trở nên việc hành hạ con dâu cũng vì những uất ức không thể giãi bày với ai.

Để cải thiện quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, Thế Lữ viết một truyện ngắn mổ xẻ vướng mắc ấy và giả vờ là tác phẩm của người khác, rồi đọc cho mẹ nghe. Thế Lữ có ngờ đâu bà lang rất tinh ý, nghe qua mấy đoạn đã cầm lấy cái tráp đựng trầu dằn mạnh xuống phản gỗ một cái rầm: “À, thế ra anh lại muốn dạy tôi đấy!”. Thế Lữ sợ mẹ giận, vội vàng chạy ngược lên Hà Nội. Còn lại bao nhiêu tai tương tiếp tục do bà Nguyễn Thị Khương gánh hết.

Những ngày ngược xuôi viết kịch và dựng kịch, Thế Lữ đã gặp một người con gái Hà Nội đam mê sân khấu là Phạm Thị Nghĩa. Gia đình không chấp nhận “xướng ca vô loài”, nên Phạm Thị Nghĩa chỉ mon men đến gần sàn diễn bằng tư cách một người bán vé từ thiện.

Với con mắt nhà nghề, Thế Lữ nhận ra Phạm Thị Nghĩa có tài diễn viên. Vì vậy, khi đưa kịch bản “Gái không chồng” của Đoàn Phú Tứ lên sân khấu tại Hải Phòng, Thế Lữ đã cho người lên Hà Nội mời Phạm Thị Nghĩa vào vai cô Mão. Dù diễn ở Hải Phòng, nhưng Phạm Thị Nghĩa vẫn sợ người thân phát hiện, bèn đánh liều lấy nghệ danh Song Kim. Phút giây bất ngờ ấy, đã giúp nền kịch nghệ Việt Nam sau này có được một Nghệ sĩ Nhân dân Song Kim (1913-2008).

Năm 1938, Thế Lữ đám cưới với Song Kim. Không ai phủ nhận họ là cặp rất đẹp đôi trong giới nghệ sĩ, nhưng nỗi buồn lại trút sang cho người vợ đầu vẫn lặng lẽ ở đất cảng. Dù xã hội thời đó vẫn xem đa thê là chuyện bình thường, nhưng bà Nguyễn Thị Khương vẫn không khỏi bẽ bàng.

Bà Nguyễn Thị Khương và ba người con Nguyễn Quỳnh Trâm, Nguyễn Thế Học, Nguyễn Thế Tùng.

Bà Nguyễn Thị Khương và ba người con Nguyễn Quỳnh Trâm, Nguyễn Thế Học, Nguyễn Thế Tùng.

Bà Nguyễn Thị Khương luôn tìm cách che đậy niềm riêng ê chề kia. Bà dùng những câu chuyện nhẹ nhàng để giúp các con gìn giữ hình ảnh tốt đẹp của người cha nổi tiếng. Bà kể: “Hồi trẻ, bố hay nóng giận. Những khi giận, bố chỉ nện gót giày nặng thêm thôi. Mẹ nghe tiếng giày là biết ngay, tránh không nói gì hết cho đến khi cơn giận của bố tan đi”.

Thậm chí, bà Nguyễn Thị Khương còn kể: “Các con đã biết chuyện mẹ là người sung sướng nhất đời chưa? Có một lần, mẹ đi tàu hoả, có nói chuyện với một người chung toa. Khi biết mẹ là vợ của ông Thế Lữ, người đó nói: Giời ơi! thật thế à? Chị thật sung sướng quá, chị là người sung sướng nhất đời”.

Năm 1954, nhà thơ Thế Lữ đưa con trai đầu lòng là đạo diễn Nguyễn Đình Nghi (1928-2001) đi kháng chiến. Còn bà Nguyễn Thị Khương đưa ba đứa con Nguyễn Quỳnh Trâm, Nguyễn Thế Học và Nguyễn Thế Tùng vào Nam. Vậy là cách chia nghìn trùng.

Không có con chung với nhà thơ Thế Lữ, nên Nghệ sĩ Nhân dân Song Kim nuôi nấng đạo diễn Nguyễn Đình Nghi như con ruột.

Dù từng bồng bềnh “Tôi là người bộ hành phiêu lãng/ Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi”, nhưng nhà thơ Thế Lữ vẫn dành sự quan tâm cho vợ con. Sau khi đất nước thống nhất, nhà thơ Thế Lữ đã thương lượng với Nghệ sĩ Nhân dân Song Kim để dọn vào đô thị phương Nam sống chung với bà Nguyễn Thị Khương.

Ở căn nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) nhà thơ Thế Lữ có 12 năm đoàn tụ với bà Nguyễn Thị Khương, từ 1977 đến khi qua đời vào ngày 3/6/1989.

Cũng chính ở căn nhà ấy, bà Nguyễn Thị Khương từng bỏ ra hơn 20 năm lầm lũi thay chồng nuôi hai con trai Nguyễn Thế Học và Nguyễn Thế Tùng đều có được học vị Tiến sĩ, riêng con gái Nguyễn Quỳnh Trâm trở thành một doanh nhân.

Hình ảnh bà Nguyễn Thị Khương được chính con dâu út Phạm Thảo Nguyên cảm nhận: “Mẹ có dáng người tầm thước, vấn khăn vải, ăn trầu và còn răng đen. Mẹ là người cổ kính, ăn nói nhỏ nhẹ, không to tiếng bao giờ. Mẹ rất hiền và nghe theo ý của các con. Mẹ chăm lo cho các con, dù đã lớn, từng miếng ăn, giấc ngủ. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ khóc, ngay cả khi tiễn con cháu đi xa không biết bao giờ trở lại. Mẹ nói mẹ không còn nước mắt”.

Nhân 80 năm ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” ra đời, chuyên mục “Chuyện tình khó quên” giới thiệu “Nhà thơ Thế Lữ duyên nợ ngày thắm tươi bên đời xuân mới” lúc 20h ngày 20/1 trên Nông nghiệp Radio.

Xem thêm
Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Barcelona được dự báo sẽ vô địch La Liga

Dù La Liga 2024/2025 mới đi được 1/3 chặng đường nhưng sau chiến thắng tại trận siêu kinh điển thì Barcelona được dự báo nhiều khả năng vô địch.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.