| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình trên đá và nghị lực nơi rẻo cao

Thứ Năm 01/02/2024 , 19:26 (GMT+7)

Bắc Kạn Trên đỉnh núi, khi những ngọn cỏ long lanh trong băng giá, con đường đến trường có bóng người nhỏ nhắn lướt đi trong sương sớm. Xa xa điểm trường lúc ẩn, lúc hiện.

Chuyện tình nở hoa trên đá

Thôn Nà Lồm cheo leo trên đỉnh núi, dù chỉ cách trung tâm xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) khoảng 10km nhưng nơi đây như một ốc đảo tách biệt với phần còn lại. Con đường bê tông vòng vèo qua những dãy núi là sợi dây kết nối dân bản với thế giới bên ngoài. Trong không gian vắng lặng của rừng núi, điểm trường Nà Lồm hiện lên như điểm nhấn trong làn sương sớm.

Điểm trường Nà Lồm cheo leo trên đỉnh núi. Ảnh: Ngọc Tú. 

Điểm trường Nà Lồm cheo leo trên đỉnh núi. Ảnh: Ngọc Tú. 

Những ngày giá rét cuối năm, khi Tết đã cận kề cô giáo Hoàng Thị Huệ vẫn đang miệt mài bên những học trò ở trên rẻo cao này. “Nữ tướng điểm trường” là cách gọi vui khi nói đến cô Huệ, bởi nghiệp nhà giáo của cô luôn gắn bó với những điểm trường xa xôi, khó khăn, vất vả nhất.

Năm 2010, mới chập chững vào nghề, cô xung phong lên địa đầu tổ quốc, miền biên viễn Hà Giang để dạy học. Ngày đầu mới đến nhận công tác, dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng cô Huệ cũng không nghĩ điểm trường lại gian nan đến vậy.

Điểm trường cách trung tâm xã 15km nhưng phải đi vòng vèo trên con đường nhỏ chỉ vừa chiếc xe máy vắt qua lưng chừng những dãy núi đá vôi trùng điệp. Đến được trường cô Huệ mới cảm nhận đầy đủ nỗi vất vả nơi cao nguyên đá Hà Giang.

 “Điểm trường ở trên những dãy núi đá vôi bất tận, nước sinh hoạt chỉ chờ trời mưa, mùa khô tiết kiệm từng giọt, nước dùng để rửa rau phải giữ lại dùng để rửa chân tay hàng ngày. Ở trên núi đá, nước quý nhu vàng”, cô Huệ nhớ lại.

Nhưng trên những dãy núi đá vôi quanh năm sương mù bao phủ ấy cũng chính là nơi tình yêu nảy nở, kết thành đôi lứa. 

“Anh cũng người ở Bắc Kạn lên Hà Giang dạy học, tình yêu của chúng mình nảy nở trên đá, nên duyên vợ chồng cũng trong những ngày rong ruổi trên những con đường xứ đá vôi Mèo Vạc”, cô giáo Hoàng Thị Huệ nói với nụ cười thường trực.

Bữa trưa của cô giáo Hoàng Thị Huệ (áo trắng) và đồng nghiệp tại điểm trường Nà Lồm. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bữa trưa của cô giáo Hoàng Thị Huệ (áo trắng) và đồng nghiệp tại điểm trường Nà Lồm. Ảnh: Ngọc Tú. 

Sau 5 năm công tác trên xứ đá Mèo Vạc, năm 2016, cô Huệ chuyển về dạy học ở quê nhà. Trường Mần non Đôn Phong, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) ở xã đặc biệt khó khăn, điểm trường Nà Lồm nơi cô Huệ dạy lại là thôn xa xôi trên những ngọn núi trùng điệp.

Sự nghiệp trồng người của mình gắn với các điểm trường, nơi đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Khi cả vợ chồng chuyển công tác về Bắc Kạn, anh dạy học cách nhà hơn 20km, mình dạy ở điểm trường Nà Lồm cũng xa nhà 30km, cô Huệ chia sẻ.

Một ngày làm việc của cô giáo Hoàng Thị Huệ bắt đầu từ tờ mờ sáng, chuẩn bị cho con đi học xong cũng là lúc hành trình vượt hơn 30km, vòng vèo trên con đường núi để đến điểm trường.

Những năm gần đây, khi tuyến đường đến điểm trường Nà Lồm đã đổ bê tông, việc đi lại đã dễ dàng hơn trước. Nhưng trong những ngày giá rét, vượt hàng chục km đường núi cũng là cả một hành trình gian nan.

Lớp mầm non ở điểm trường Nà Lồm có 27 học sinh là con em đồng bào dân tộc Dao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

“Học sinh là người Dao nhưng hai cô giáo phụ trách ở đây là người Tày và Nùng nên lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn khi dạy học. Nhiều em chưa nói được tiếng phổ thông nên cô giáo phải rất kiên nhẫn”, cô Huệ chia sẻ.

Cô giáo Lý Thị Huế giữ ấm cho học sinh trong những ngày giá rét. Ảnh: Ngọc Tú. 

Cô giáo Lý Thị Huế giữ ấm cho học sinh trong những ngày giá rét. Ảnh: Ngọc Tú. 

Dù vất vả là vậy, nhưng hai cô giáo phụ trách lớp mầm non đã gắn bó, coi các em như con, dân bản như anh em trong nhà. Năm nào, cô giáo cũng đến tưng nhà vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường.

“Hôm nay trời lạnh, các em ăn cơm sớm rồi đi ngủ, trật tự không để ảnh hưởng đến các bạn khác”, tiếng cô Huệ dõng dạc mà trìu mến. Ở phòng học bên cạnh, cô giáo Lý Thị Huế đang chuẩn bị chăn ấm cho các em ngủ trưa.

Tất cả vì con em đồng bào

Đúng 11h30, trong tiết trời giá rét thấu xương, sân trường Nà Lồm bỗng chốc náo nhiệt, học sinh khối tiểu học hết giờ. Tiếng trẻ em nô đùa, í ới gọi nhau phá tan bầu không khí tĩnh mịch của núi rừng, giữa trưa xung quanh sương mù vẫn dày đặc.

Tay vừa rời viên phấn ở bục giảng, thoắt cái cô giáo Đường Minh Huế  đã có mặt ở khu bếp. Nào rửa rau, rán đậu, chuyện làm bếp cũng thành thục như cách cô truyền kiến thức đến học trò.

“Nhiều em nhà ở xa trường hơn 5km, điểm trường lại không có ăn bán trú nên cô phải nấu cơm cho các em. Có em gia đình khó khăn, bố mẹ đều bị bệnh nên trường học như nhà của em, cô ăn gì trò ăn đó, nhiều hôm tan học muộn thì nấu mì tôm”, cô Huế chia sẻ khó khăn.

Ở một góc nhỏ trong lớp, cô giáo Nông Thanh Tiềm đang nhắc 3 em khác ăn nhanh để có thời gian nghỉ trưa. Hôm nay chỉ 4 độ C, các em ăn nhanh rồi đi ngủ, tiếng cô giáo văng vẳng. Riêng chuyện nhắc các em đi ngủ không ra ngoài trời chơi cũng khiến cô Tiềm mệt “bở hơi tai”.

Cô giáo Đường Minh Huế trong giờ dạy học. Ảnh: Ngọc Tú. 

Cô giáo Đường Minh Huế trong giờ dạy học. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hơn 12h, khi bữa trưa của các em đã tươm tất, một số em đã chìm vào giấc ngủ, mới là lúc các cô giáo tiểu học ăn cơm. Bưa trưa hôm nay khá đạm bạc với lạc rang, đậu rán, rau xanh. Cô giáo Đường Minh Huế cười bảo, các cô đang ăn chay.

Giờ học của khối tiểu học bắt đầu lúc 14h, một vài em vẫn chưa đến lớp, cô giáo phải đến tận nhà ở gần đó tìm.

Đi lại vất vả các cô đã quen, nhưng khó khăn hơn cả là một số em nhận thức chậm, phụ huynh mải đi làm không có thời gian bảo ban các em. Có những hôm, dân bản có việc, nhiều em nghỉ học mấy ngày để đi theo bố mẹ, tìm các em ra lớp còn gian nan hơn lúc vượt rừng khi trời giá rét.

Tập quán dân bản ở đây mỗi khi có việc vui hay buồn cả bản đều đến hộ, có khi kéo dài mấy ngày mới xong. Phụ huynh đưa cả trẻ con đi cùng, không đến lớp, cô giáo phải đến tận nhà vận động. Nhiều lúc gọi điện, phụ huynh họ còn cố tình không nghe. Cô Tiềm chia sẻ.

“Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đôn Phong có 3 điểm trường ở các thôn vùng cao, từ lúc về công tác ở đây cô đã đi dạy hết ở những điểm trường này. Khó khăn vất vả là vậy, nhưng các cô giáo ở đây luôn nỗ lực mong các em có kiến thức để sau này đỡ vất vả hơn”, cô Tiềm nói với vẻ trầm ngâm.

Bữa trưa các em học sinh tiểu học ở điểm trường Nà Lồm. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bữa trưa các em học sinh tiểu học ở điểm trường Nà Lồm. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trời bắt đầu về chiều, lớp học hôm nay tan sớm hơn thường lệ, trời rét đậm nhiều em còn phải vượt hơn 5km về nhà. Chỉ một lúc sau, sân trường vắng lặng, các em dần khuất bóng sau những dãy núi, cô giáo cũng chuẩn bị hành trang trở về với gia đình. Chỉ còn vài này nữa là đến Tết, các cô vẫn chưa có thời gian sắm sửa cho gia đình.

Chia tay điểm trường, ngồi trên chiếc xe bồng bềnh lúc lắc bên này, nghiêng bên kia, tôi vẫn nghe những tiếng í ới gọi bạn của đám trẻ ở phía chân đồi. Bỗng chiếc xe máy của cô Tiềm chạy vọt qua, trên yên xe, cô giáo đã tranh thủ lượm được bó củi, tối nay có thể đốt, sưởi ấm trong những ngày đông giá rét.

Điểm trường Nà Lồm (Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đôn Phong) có khối mẫu giáo và khối tiểu học, đa phần học sinh là con em người dân tộc Dao. Điểm trường ở trên đỉnh núi quanh năm sương mù bao phủ. Bốn cô giáo ở đây đã gắn bó, vượt khó khăn suốt nhiều năm qua để đưa con chữ về bản, đưa ánh sáng tri thức đến với đồng bào.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.