Đó là điểm trường thôn Thiện Cư, thuộc trường Tiểu học Thiện Hưng B, xã biên giới Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, Bình Phước.
Đến từng nhà “gom” học sinh
Từ trung tâm huyện Bù Đốp đến điểm trường Thiện Hưng khoảng hơn 10 cây số, phần lớn con đường uốn lượn trên những dải đồi. Dù không còn đường đất như xưa, nhưng càng vào gần điểm trường, con đường càng nhỏ lại. Điểm trường nằm ở ấp Thiện Cư, xung quanh là những căn nhà rất nhỏ của đồng bào thiểu số S’tiêng. Chiếc xe dừng lại trước cánh cổng sắt, bên trong đang vang lên tiếng ê a đọc bài. Ông Huỳnh Ngọc Tuấn Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thiện Hưng B ra đón chúng tôi.
Ông Tuấn Anh cho biết, điểm trường Thiện Cư hiện có 2 lớp, trong đó lớp 1 do cô giáo Lê Thị Mai, sinh năm 1978, phụ trách. Lớp 2 do cô giáo Nguyễn Thị Linh, sinh năm 1984 phụ trách. “Đây là 1 trong 2 điểm trường lẻ thuộc trường tiểu học Thiện Hưng B. Do trường chính cách khá xa nơi này, đường lại nhiều dốc, trong khi hầu hết gia đình các con em đồng bào thiểu số kinh tế khó khăn, nhận thức cũng kém, quanh năm tất bật lo miếng cơm man áo, nên khó có điều kiện để đưa đón con đi học mỗi ngày. Ngay cả mở điểm trường ngay tại thôn, chuyện các em đến trường đầy đủ cũng nhiều gian nan. Cho nên, các cô giáo phụ trách lớp vất vả gấp nhiều lần so với bình thường”, Hiệu trưởng Huỳnh Ngọc Tuấn Anh tâm sự.
Từng có thâm niên 22 năm đứng lớp, trong đó có 17 năm dạy tại các điểm trường lẻ, cô Lê Thị Mai là một trong những giáo viên rất được lòng học sinh, bằng chứng là trong lớp học, dù các em mới học lớp một, nhưng tương tác với cô giáo rất tốt. Khung cảnh lớp học sôi nổi, mỗi lần cô giáo hỏi: “Trò nào làm xong bài rồi?”, là hàng chục em đồng thanh: “Em xong rồi ạ”.
Giờ giải lao, tôi có 15 phút trò chuyện với 2 cô giáo Mai và Linh ngoài sân trường, trong tiếng nô đùa náo nhiệt của gần 60 em học sinh.
Trả lời câu hỏi về sự khác nhau giữa dạy học ở vùng sâu vùng xa và các nơi khác, cô Mai nói: “Dạy học ở đây khác hoàn toàn vùng xuôi, vất vả hơn nhiều, giáo viên cần có kinh nghiệm, sự kiên nhẫn. Con em đồng bào ở đây đi học thiếu thốn đủ thứ. Mình phải quan tâm như con mình ở nhà. Ví dụ quần áo đồng phục không có, mình phải đi xin tài trợ, sách bút, tập vở thiếu, chưa bao kính, chưa dán nhãn, mình phải đi mua về làm cho các em. Sáng sớm đến lớp, mình quan sát các em, thấy em nào khuôn mặt mệt mỏi, mình lại hỏi thăm, có khi sáng em chưa ăn gì. Rồi quá trình học, thấy thiếu em nào là mình phải chạy ngay vào nhà tìm hiểu nguyên nhân, tìm cách đưa các em trở lại lớp. Riêng dạy lớp một, giáo viên còn gặp khó khăn không nhỏ nữa là các em chưa lưu loát tiếng Việt, ngọng nhiều, mình nói các em cũng khó nghe, khó hiểu. Trước khi dạy các em tập viết, tập đánh vần, mình phải tập nói cho các em bằng cách hát cho các em nghe, rồi dạy các em hát lại”.
Nói về việc phải xuống từng nhà để thuyết phục cha mẹ, học sinh đến lớp, cô Mai cho biết, phần lớn các gia đình đều ít đất canh tác hoặc chỉ có căn nhà duy nhất, vì thế họ phải đi làm thuê. Con lớn lập gia đình, con nhỏ cha mẹ đi làm phải dắt con theo. Hoặc lớn một chút là ở nhà phụ giúp cha mẹ cơm nước, trông em…Bây giờ các anh vào đây còn có đường bê tông, không còn lầy lội mùa mưa đấy, chứ cách nay gần chục năm, đi cả tiếng đồng hồ mới vào đến đây, đến nơi thì cả người lẫn xe nhuộm đỏ bùn đất, cực lắm. Chưa kể, lúc đó, cuộc sống của đồng bào khó khăn hơn bây giờ nhiều, ít ai có cái xe máy nên tâm trí đâu mà ghĩ đến chuyện học hành cho con cái”.
Không chỉ có dạy học
Cô Mai kể, trong lớp có những em hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt, nếu không có sự chung tay của trường, của lãnh đạo phòng, chính quyền các cấp và cả mạnh thường quân, thì rất khó để các em được cắp sách đến trường.
“Như trường hợp gia đình em Điểu Vũ, nhà có tới 9 anh chị em, “sàn sàn hột vịt” như nhau, trong khi ba bị tai nạn, nằm một chỗ, mẹ bệnh tim, hoàn cảnh rất đáng thương. Tụi em phải báo cáo lãnh đạo, sau đó huyện vận động, rồi được mạnh thường quân hỗ trợ một phần kinh tế cho gia đình em Vũ. Do Vũ và mấy em còn nhỏ, chưa đi làm được nên nhà trường đến vận động cha mẹ cho em đến trường, chứ còn mấy anh chị lớn của Vũ đã phải ra ngoài bươn chải, kiếm tiền về phụ cha mẹ. Ngoài ra, còn có những hoàn cảnh khác cũng rất đáng thương”, cô Mai kể.
Trò chuyện với hai cô giáo Mai, Linh, tôi mới biết, cả hai cô đều có 3 cô con gái. Cô Mai có chồng cũng là giáo viên, hai con gái đầu đang học đại học, còn cô út đang học cấp 3. Cô Linh có chồng là công an xã, và 3 con gái đều còn nhỏ. “Lương 2 vợ chồng giáo viên, lại lo cho 3 con, vậy cuộc sống có chật vật không?”, tôi hỏi cô Mai. “Mình khéo vun vén thì mọi chuyện đâu vào đấy thôi anh. Được cái ở đây vật giá tiêu dùng không cao lắm, vợ chồng, con cái may mắn là khỏe mạnh, nên cũng không đến nỗi”, cô Mai đáp.
“Dạy ở đây có những khó khăn, vất vả gì?”, tôi hỏi cô Linh. “Cực nhất là thời điểm đầu năm, chúng tôi phải đi từng nhà vận động cho con em đến trường. Ngoài làm công tác tư tưởng với cha mẹ, còn phải thủ thỉ trò chuyện với các cháu, nhiều khi “dụ” đủ kiểu, hứa hẹn lo cho các cháu từ tập vở, đến quần áo đồng phục, làm sao để chúng thích thú, còn cha mẹ thì thấy quyền lợi cho con khi được đi học, và quan trọng là…không tốn kém”.
Gặp những người làm công tác giáo dục ở vùng biên giới Bù Đốp, tôi cảm nhận được họ rất yêu nghề, với mong mỏi lớn nhất là các em học sinh vùng sâu vùng xa, con em đồng bào thiểu số được học tốt, học đủ, biết em nào có hoàn cảnh khó khăn, không thể đến lớp, hay cha mẹ không muốn cho con đi học, họ đều đến tận nơi vận động, thuyết phục. Ông Huỳnh Ngọc Tuấn Anh, Hiệu trưởng trường tiểu học Thiện Hưng B là một người như thế.
Sinh năm 1976, ông Tuấn Anh đã có 29 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có gần 10 năm đứng trên bục giảng. Điều đặc biệt là toàn bộ thời gian công tác của ông là gắn bó với vùng sâu, vùng xa, với con em đồng bào thiểu số. “Tôi đã gắn bó mấy chục năm ở vùng đặc biệt khó khăn, không chỉ quen mà gần như người đồng bào luôn rồi. Hiểu hết tập tục, văn hoá, thói quen sinh hoạt của đồng bào, nên cũng là một lợi thế cho công việc. Bây giờ mà chuyển công tác ra ngoài trung tâm, đến thành phố, có khi không quen”, ông Tuấn Anh nói.
Ông Nguyễn Hữu Nhuận, Phó phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Bù Đốp cho biết, khó khăn lớn nhất ở đây là đồng bào nhận thức hạn chế, dân trí thấp, điều kiện kinh tế không có, nên ít quan tâm chuyện học hành của con cái. Vừa rồi chúng tôi mới hoàn thành lớp phổ cập xoá mù chữ cho một lớp đồng bào lớn tuổi, trong đó có vị già làng, vì ông ấy là người uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng, nên góp phần rất lớn trong việc vận động các cháu tới lớp. Ngoài ra, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều. Do đây là huyện nghèo, xã cũng là xã nghèo của huyện, nên kinh phí không có.
“Để khích lệ tinh thần học tập cho các cháu, và để các bậc phụ huynh yên tâm cho con đến lớp, địa phương dành ưu tiên tối đa cho vùng sâu, vùng xa như thế này. Có thể nói, điểm chính có gì thì điểm lẻ có cái đó, từ bàn ghế, màn hình ti vi, máy tính đến đồng phục, sách vở, bút viết, học bổng. Các cháu chỉ phải đóng tiền bảo hiểm y tế là khoản bắt buộc theo quy định của nhà nước. Nhưng ngay cả khoản tiền bảo hiểm này, nhiều khi các cháu cũng không phải đóng toàn bộ, mỗi khi địa phương xin được tài trợ là lại đóng cho các em”, ông Huỳnh Ngọc Tuấn Anh cho hay.