| Hotline: 0983.970.780

Cõng cơm, cõng chữ lên ngàn

Thứ Năm 21/11/2019 , 08:46 (GMT+7)

Các cháu mầm non, mẫu giáo người đồng bào dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa huyện miền núi An Lão (Bình Định) ngày càng nói tiếng Việt sõi hơn, là nhờ không ít vào giáo viên mầm non ở đây.

Để đổi lấy điều này, các thầy cô giáo mầm non ở An Lão đã phải chịu cơ cực trăm bề, có người đã hy sinh một phần cuộc sống của mình cho sự nghiệp mầm non, nếu không tiếp cận, chỉ nghe kể thôi thì khó có ai tin đó là sự thật.
 

Niềm đam mê và những giọt nước mắt

Về huyện miền núi An Lão (Bình Định) sau những ngày mưa bão, chúng tôi mới cảm nhận hết nỗi cơ cực của giáo viên mầm non ở đây.

Cầu An Liên nối 2 xã An Dũng và An Vinh với trung tâm huyện An Lão, vừa bị cơn bão số 5 cuốn trôi vào đầu tháng 11 vừa qua đã nhân đôi cực nhọc của các cô giáo đang công tác tại trường mầm non xã An Vinh.

1134444939
Các cô giáo trường Mẫu giáo An Trung “cõng” cơm về các điểm trường trong xã cho các cháu lớp bán trú.

Trước khi có cầu tạm, cầu An Liên chỉ được gác qua những thân cây cau để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân địa phương, thức ăn đưa về trường mầm non An Vinh để nấu bữa trưa cho các cháu phải được tăng bo.

Bởi, các cô giáo chẳng thể chạy hoặc dắt chiếc xe máy trĩu nặng thức ăn đi trên những thân cây cau để qua cầu. Trong những ngày này, mỗi sáng sớm, cô giáo cấp dưỡng Lê Thị Kim Trang mua thức ăn ở chợ Xuân Phong (xã An Hòa), chở đến cầu An Liên phải gửi xe máy bên này cầu, “cõng” thức ăn sang bên kia để được 1 cô giáo khác đón, đưa về trường.

Bây giờ, cầu An Liên đã được làm cầu tạm, nhưng mỗi sáng, cô giáo Trang vẫn phải nhờ lực lượng dân quân túc trực tại cầu dắt hộ chiếc xe máy với đùm túm thức ăn qua cầu.

Câu chuyện cầu An Liên chỉ là mới phát sinh, chứ quanh năm suốt tháng, thầy cô giáo mầm non ở huyện An Lão phải thường xuyên đối mặt với gian nan trên đường đến trường.

“Từ đầu năm đến nay, do thi công hồ Đồng Mít ở xã An Dũng, nên con đường đi đến điểm trường An Vinh bị lở lói, mùa nắng thì còn đỡ, đến mùa mưa thì đường trơn trượt, lầy lội, chiếc xe cứ đánh võng có thể ngã vật ra bất cứ lúc nào.

Sáng nào tôi cũng xuất phát từ nhà ở xã An Hòa lúc 6 giờ sáng, chiếc xe máy đánh vật với 25km đường đèo dốc, vừa mưa vừa lạnh lại sương mù mờ mịt, nên phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ đi mới tới An Vinh. Nhiều hôm vừa đến trường, tủi thân quá tôi ngồi ôm mặt khóc đã đời rồi mới bắt tay vào việc”, cô Lê Thị Kim Trang bộc bạch.

Hơn ai hết, cô Lỡ Thị Thúy Lan, Chuyên viên phụ trách mầm non của Phòng GD-ĐT An Lão, với hơn 20 năm trong ngành nên rất thấu đáo những nỗi cơ cực của thầy cô giáo mầm non của huyện nhà. Hầu hết giáo viên mầm non ở đây có nhà ở xã An Hòa, An Tân, thị trấn An lão, thậm chí có người ở tận Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn).

Để đến những điểm trường xa nhất như xã An Vinh, An Toàn, các thầy cô mỗi ngày phải đi về hàng trăm cây số đèo dốc quanh co cực kỳ nguy hiểm. Có cô không chịu nổi cảnh thân gái dặm trường ngày này sang ngày khác, nên phải ở lại trường cả tháng mới về nhà 1 lần, việc nhà giao hết cho chồng.

“Các thầy cô trong ngành mầm non ở An Lão không ai là không biết sự hy sinh của cô giáo hiệu trưởng trường mẫu giáo An Toàn Đinh Thị Hương. Cô Hương người dân tộc Hrê, nhà ở xã An Trung, gắn bó với An Toàn từ khi mới xây dựng trường mẫu giáo, tính ra đã hơn 10 năm.

Từ An Trung đi An Toàn phải vượt qua 2 chặng đường, từ An Trung xuống thị trấn An Lão rồi ngược lên An Toàn. Đi lại khó khăn nên cô Hương ở lại trường cả tháng mới về. Công việc vất vả quá nên cô Hương không dám sinh đứa con thứ 2, sợ con nhỏ níu chân không thể hoàn thành nhiệm vụ”, cô Lỡ Thị Thúy Lan kể.

213444596
Gian nan con đường đến điểm trường xã An Vinh.

Nỗi vất vả của các thầy cô giáo mầm non ở An Lão không chỉ có ở chặng đường đến trường, bởi, từ khi mở lớp bán trú, sau khi nấu xong bữa trưa tại trường chính, các cô còn phải “cõng” cơm đến những điểm trường ở các thôn trong xã cho các cháu. Chiếc xe máy lại phải vật lộn với những chặng đường đèo dốc, luôn rình rập hiểm nguy. “Thú thật, nếu không vì lòng đam mê thì các cô khó bám trụ được với cái nghề nhiều vất vả đến vậy. Gắn bó với các cháu miết rồi thấy thương như con mình ở nhà”, cô Lan chia sẻ.
 

Môi trường hòa nhập của con em dân tộc thiểu số

Đến thăm một số điểm trường mầm non, mẫu giáo bán trú trên địa bàn huyện miền núi An Lão, chúng tôi thấy ra đây chính là “cầu nối” giữa các cháu người các dân tộc thiểu số với cộng đồng.

Trước kia, hàng ngày các thầy cô giáo phải đến từng nhà vận động phụ huynh, đến hơn 8 giờ sáng mới đưa được các cháu đến lớp, mới 10 giờ đã về. Khi về lại nhà, trong sinh hoạt, các cháu lại nói tiếng mẹ đẻ, do vậy tiếng Việt đối với các cháu là 1 thứ ngoại ngữ xa lạ.

Từ khi có lớp bán trú, mỗi sáng các cháu đến lớp, ăn trưa tại lớp chiều muộn mới về nhà. Thời gian các cháu tiếp xúc với bạn bè người Kinh và cô giáo nhiều hơn, sử dụng tiếng Việt nhiều hơn để giao tiếp, nên càng ngày càng cháu càng nói sõi tiếng Việt.

Qua tiếp xúc với các phụ huynh, chúng tôi nhận thấy đồng bào miền núi hiện đã biết chăm chút cho con cái chuyện học hành và nâng cao thể chất.

Vì thế, ai nấy đều muốn cho con mình học lớp bán trú để các cháu được ăn uống đầy đủ hơn, thể chất phát triển tốt hơn, trong sinh hoạt lanh lợi hơn, chẳng thua kém các cháu người Kinh.

Chính vì nhu cầu ấy mà ở huyện An Lão hiện đã có 7/10 xã, thị trấn đã mở lớp bán trú, 82,4% trẻ được học bán trú. Đây là điều mà ngay ở đồng bằng cũng khó có địa phương nào làm được.

“Các cháu ở nhà chạy chơi lung tung, vào mùa mưa lũ thường bị đuối nước, giờ đi học bán trú ở trường cả ngày có các cô chăm sóc nên phụ huynh yên tâm hơn. Có phụ huynh nhà ở xa điểm trường đến 5km nhưng vẫn đều đặn sáng chở con đi chiều chở về.

Thậm chí họ còn ủng hộ tối đa nhà trường trong công tác điều tiết, phân phối học sinh theo độ tuổi để việc dạy và học tốt hơn, họ chấp nhận chở con đi học xa hơn để cháu được học tốt hơn. Mô hình dạy bán trú đã mang lại hiệu quả thiết thực, đúng với tinh thần của Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, cô Lỡ Thị Thúy Lan, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện An Lão, nhận xét.

3134445203
Các cháu mầm non sinh hoạt tại lớp.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Tùng Lâm, trong những năm qua, huyện An Lão đã dồn mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kiên cố tất cả các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn huyện, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí để các trường mở lớp bán trú xây dựng nhà bếp, mua sắm vật dụng nấu ăn cho các cháu. Đồng thời, huyện cũng dành nhiều chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy ở hầu hết các điểm trường mầm non ở huyện An Lão hiện nay là sự thiếu thốn đồ dùng, thiết bị sinh hoạt cho các cháu. “Nếu ở đồng bằng, 1 bộ đồ vui chơi ngoài trời có thể phục vụ cho cả hàng trăm cháu chơi chung, còn ở miền núi thì có nhiều điểm trường rời rạc, nếu bố trí cho đủ thì không kinh phí nào chịu nổi. Để bù đắp cho các cháu, cô thầy phải bỏ công để làm đồ dùng, đồ chơi thủ công”, cô Lan chia sẻ.

“Ngành giáo dục mầm non cơ cực là vậy nhưng hầu hết các thầy cô khi đã vào nghề rồi là đều gắn bó với nghề. Thậm chí còn nổi lên những điểm sáng, ví như cô giáo Văn Thị Xuân Nhi, nay mới 40 tuổi những đãi có 22 năm trong nghề, lập được nhiều thành tích trong quá trình hoạt động, được Sở GD-ĐT và UBND tỉnh Bình Định tặng thưởng nhiều bằng khen, đang được đề nghị khen thưởng ở cấp cao hơn”, cô Lỡ Thị Thúy Lan, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện An Lão, cho biết.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.