Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, hồ tiêu là cây chủ lực của Đồng Nai, quan điểm của tỉnh là duy trì diện tích từ 10.000 ha – 12.000 ha. Đồng thời, từng bước chuyển dịch từ sản xuất theo phương thức truyền thống sang canh tác theo hướng hữu cơ bền vững.
Theo đó, Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình. Đây cũng là hướng đi phù hợp được nông dân tích cực tham gia vì là giải pháp giảm chi phí sản xuất khi các loại phân, thuốc hóa học tăng giá gấp nhiều lần so với trước. Nông dân cũng ngày càng nhận thức rõ sản xuất theo hướng hữu cơ là giải pháp sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, chi phí rẻ, có thể ứng dụng đại trà.
Hiện nay hồ tiêu có dấu hiệu tăng giá, đây là tín hiệu tích cực, giúp người trồng có thêm thu nhập sau nhiều năm liên tiếp thua lỗ. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích hồ tiêu, bởi đây là loại cây trồng khoảng 5 năm mới thu hoạch, chi phí đầu tư lớn, giá cả có những thời điểm không ổn định.
“Để phát triển bền vững cây hồ tiêu, Đồng Nai khuyến khích nông dân đầu tư chăm sóc vườn tiêu hiện có, trồng xen hồ tiêu với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ. Đây là những loại cây tán rộng, có chức năng che nắng, giúp cây tiêu phát triển tốt, năng suất cao. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất”, ông Trần Lâm Sinh nhấn mạnh.
Ông Sinh cũng cho biết, tỉnh Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ như: Chính sách về hỗ trợ sản xuất an toàn; Ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về phát triển nông nghiệp hữu cơ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm; Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp giai đoạn 2021-2025; Chương trình khuyến nông 5 năm…
Đối với cây hồ tiêu, hiện ngành nông nghiệp Đồng Nai đã quy hoạch vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ diện tích trồng đạt khoảng 200 ha vào năm 2025 và khoảng 500 ha đến năm 2030. Ngành nông nghiệp tỉnh đang hỗ trợ người dân huyện Cẩm Mỹ trồng tiêu theo chuẩn GlobalGAP, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa bàn khác trong toàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Lâm Sinh thông tin thêm, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh khi đáp ứng các điều kiện theo từng chính sách được hỗ trợ một số nội dung cụ thể như: Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người dân sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học…
Ngoài các cơ chế chính sách, chương trình, đề án đã được tỉnh ban hành, Sở NN-PTNT tỉnh đang phối hợp với các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ”, dự án “Đánh giá chất lượng đất nông nghiệp”, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Đồng Nai hoàn thành mục tiêu có khoảng 33.000 ha nhóm đất nông nghiệp nói chung, cây tiêu nói riêng đạt hữu cơ.
Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đồng Nai khi đáp ứng các điều kiện theo từng chính sách được hỗ trợ một số nội dung sau: Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người dân sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN, gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y;...