| Hotline: 0983.970.780

Chuyện trồng tiêu ở Đồng Nai-[Bài 2]: 1.000 hộ tạo chuỗi liên kết bền vững

Thứ Năm 27/10/2022 , 11:46 (GMT+7)

Sau 8 năm phát triển, HTX Lâm San đã xây dựng thành công chuỗi liên kết 1.000 hộ nông dân tham gia cung cấp hàng nghìn tấn hồ tiêu sạch cho châu Âu...

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Được thành lập từ năm 2014, HTX nông nghiệp Lâm San là một trong những đơn vị tiên phong trong việc tập hợp, liên kết người dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai sản xuất hồ tiêu hướng hữu cơ. Ban đầu, do chưa nhìn thấy hiệu quả việc trồng tiêu hướng hữu cơ mang lại, nên số thành viên tham gia HTX chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau hơn 8 năm hình thành và phát triển, hiện HTX có gần 1.000 thành viên tham gia với diện tích liên kết hơn 1.000 ha tiêu.

Ông Nguyễn Ngọc Luân bên vườn tiêu hữu cơ của HTX. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Ngọc Luân bên vườn tiêu hữu cơ của HTX. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, người sáng lập HTX nay là Giám đốc HTX cho biết, ông vốn sinh ra và lớn lên tại huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, từng theo học và công tác tại Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, sau đó được cử qua Cộng hòa Liên bang Đức học và nhận bằng tiến sĩ lọc hóa dầu. Suốt quãng thời gian làm tư vấn về năng lượng mới cho những dự án lớn ở nước ngoài, tận mắt nhìn thấy những nền nông nghiệp tiên tiến của các quốc gia khác, ông quyết định về nước và vận động bà con liên kết thành lập HTX sản xuất hồ tiêu sạch bền vững.

Theo ông Luân, khi ấy cũng là thời điểm cây tiêu trên địa bàn chết nhiều do lạm dụng hóa chất, khiến việc tái canh gặp nhiều khó khăn. HTX thành lập với mục đích khuyến khích người nông dân giảm dư lượng thuốc BVTV trong tiêu, giúp hạt tiêu đạt được tiêu chuẩn tốt nhất. Đồng thời tạo nên một vùng nguyên liệu sạch đủ lớn để đưa ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường khó tính như các nước Châu Âu.

Nhờ canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, các vi sinh vật có lợi trong đất phát triển mạnh, đơn cử là giun giúp cải tạo đất tốt. Ảnh: Minh Sáng.

Nhờ canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, các vi sinh vật có lợi trong đất phát triển mạnh, đơn cử là giun giúp cải tạo đất tốt. Ảnh: Minh Sáng.

Theo đó, thay vì lạm dụng thuốc BVTV, thành viên HTX được hướng dẫn phương thức phòng ngừa sâu bệnh bằng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Thiết lập hệ thống canh tác, giữ cho đất và mức độ cây trồng ở trạng thái cân bằng sinh thái giữa ánh sáng, dinh dưỡng và hệ sinh vật đất. Giảm sử dụng phân bón hóa học bằng cách tận dụng sản phẩm phụ, phân chuồng. Tăng hiệu quả sử dụng đất, nước và dinh dưỡng bằng cách đa dạng hóa cây trồng và nông lâm kết hợp…

Ông Luân hướng dẫn các thành viên HTX quy trình sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Ảnh: Trần Trung.

Ông Luân hướng dẫn các thành viên HTX quy trình sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ sản xuất bài bản, trong những năm đầu HTX hoạt động  (2014-2015) HTX đã cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu được 100 tấn hồ tiêu an toàn sang châu Âu. Những năm tiếp theo, sản lượng xuất khẩu không ngừng tăng. Có thời điểm, HTX Nông nghiệp Lâm San xuất khẩu được trên 1.000 tấn tiêu các loại. Trong đó, 85% sản lượng được xuất sang thị trường châu Âu, còn lại xuất sang Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đáng chú ý là giá tiêu sạch của HTX Nông nghiệp Lâm San vẫn thường cao hơn so với tiêu bình thường 7-10%.

“Muốn đi xa phải đi cùng nhau, HTX phải là cầu nối giữa nông dân và chính quyền địa phương để cùng nhau kiểm soát, quản lý chất lượng đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm. Đồng thời, các HTX cũng cần tạo cơ chế công bằng và đảm bảo lợi ích lớn nhất cho thành viên, đó là được bao tiêu sản phẩm với giá tốt hơn so với thị trường”, ông Luân nhấn mạnh.

Chế biến nâng cao chuỗi giá trị

Chưa dừng lại ở đó, nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, từ đầu năm 2020, HTX Nông nghiệp Lâm San đã đầu tư hệ thống máy móc, nâng cấp nhà xưởng với tổng vốn khoảng 2 tỷ đồng để tạo thêm sản phẩm mới là hạt tiêu sọ. Sản phẩm mới này giúp nâng giá trị cao hơn 50% so với xuất khẩu hạt tiêu đen.

Ông Luân chia sẻ với phóng viên về quy trình chế biến tiêu sọ. Ảnh: Trần Trung.

Ông Luân chia sẻ với phóng viên về quy trình chế biến tiêu sọ. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi tham quan nhà máy chế biến, nói về quy trình chế biến tiêu sọ, ông Luân cho biết, phương pháp chế biến dựa trên nguyên tắc sử dụng hơi nước nóng làm mềm vỏ tiêu. Đồng thời trục quay trong máy tiêu sọ tạo lực ma sát giữa hạt tiêu với lưới thép để tách vỏ ra khỏi nhân. Sau đó vỏ tiêu được nước rửa sạch khỏi nhân tiêu. Hỗn hợp nước và vỏ tiêu được đưa vào máy ép (filter press) để thu hồi bã tiêu, nước thải còn lại chảy vào ruộng chứa. 

Tùy thuộc vào độ chín của hạt tiêu đen nguyên liệu, màu sắc của hạt tiêu sọ thô thay đổi từ màu xám trắng cho đến xám vàng. Sau khi xử lý, tiêu sọ được phơi khô hoặc sấy cho đến khi độ ẩm đạt 12% và có thể đóng bao xuất khẩu.

Theo ông Luân, từ khi HTX chế biến và chính thức xuất tiêu sang châu Âu, giá thu mua tiêu sạch của HTX luôn cao hơn giá thị trường 200 USD/tấn. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Luân, từ khi HTX chế biến và chính thức xuất tiêu sang châu Âu, giá thu mua tiêu sạch của HTX luôn cao hơn giá thị trường 200 USD/tấn. Ảnh: Minh Sáng.

“Từ khi HTX chế biến và chính thức xuất tiêu sang Châu Âu đến nay, nhờ cắt giảm khâu trung gian, nâng cao chất lượng sản phẩm nên giá thu mua cho các hộ trồng tiêu sạch là thành viên của HTX luôn cao hơn giá thị trường 200 USD/tấn. Thị trường xuất khẩu hồ tiêu hiện vẫn rất lớn, nhất là những thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ… Để phát triển hồ tiêu bền vững thì nông dân phải thay đổi thói quen canh tác, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”, ông Luân nói.

“Với diện tích hơn 6.000 ha, Cẩm Mỹ là địa phương có diện tích đất trồng tiêu lớn nhất và chiếm gần 1/3 diện tích tiêu toàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, diện tích tiêu ở xã Lâm San là hơn 1.600 ha với hơn 1.200 ha sản xuất an toàn, và khoảng 300 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Chính quyền xã Lâm San đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ chuyển khoảng 50% diện tích trồng hồ tiêu sang sản xuất theo hướng hữu cơ. "Bên cạnh nỗ lực từ chính quyền, người nông dân cũng cần có quyết tâm làm ra sản phẩm hữu cơ, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường", ông Trương Đình Bá – Chủ tịch hội nông dân xã Lâm San nói.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.