| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013

Thứ Tư 20/11/2013 , 06:00 (GMT+7)

Thành công khi còn rất trẻ, sẽ không ít người nghĩ rằng sự nghiệp Trần Đình Hòa được trải hoa hồng. Thực tế không phải vậy.

Ngày 18/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã tổ chức lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho 571 Giáo sư và Phó giáo sư.

Ông Trần Đình Hòa, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam vinh dự được xét đặc cách và trở thành Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013.


Giáo sư Trần Đình Hòa (ngoài cùng bên trái.)

Mắc nợ nông dân

Rất khó để hẹn được một cuộc gặp gỡ với Trần Đình Hòa. Hầu như lần nào gọi anh cũng đều thấy bận. Sau này tôi mới biết, nguyên nhân là do anh không muốn nói về mình quá nhiều. Trần Đình Hòa tâm niệm: Hãy để những người khác nói về mình sẽ khách quan hơn. Một sự khiêm nhường đáng nể trong thời buổi con người ta thích “chém gió” và háo danh này.

Lý lịch trích ngang của vị Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013 vô cùng đơn giản. Sinh ngày 14/2/1970 ở thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Trình độ chuyên môn: Tiến sỹ Thủy lợi. Chức vụ: Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Thuyết phục mãi anh mới mở lòng để nói về chuyện được đặc cách phong tặng danh hiệu Giáo sư lần này, vậy mà tôi cũng chỉ nhận được những lời ngắn gọn: “Được công nhận Giáo sư là vinh dự to lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của các nhà giáo. Tôi nhận thấy mình còn cần phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu học hỏi nhiều hơn nữa”.

Trái với sự khiêm nhường và đơn giản ấy, những gì Trần Đình Hòa đóng góp cho lĩnh vực thủy lợi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung không nhỏ một chút nào. Dân trong ngành đánh giá, anh là người táo bạo, quyết liệt và gần như không mệt mỏi.

43 tuổi đã là đồng tác giả công trình nghiên cứu Công nghệ đập xà lan di động đạt giải nhất Giải thưởng Công nghệ ACEC của Hội đồng điều phối xây dựng châu Á - Thái Bình Dương năm 2007. Đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh đặc biệt xuất sắc về KHCN cho cụm công trình "Ngăn sông đập trụ đỡ và đập xà lan năm 2012". Đồng tác giả Giải thưởng Bông lúa vàng Bộ NN- PTNT năm 2013. Đồng tác giả 2 bằng độc quyền sáng chế và hàng chục công trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Hai Bằng khen và Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động, 5 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động Hạng 3… là những ghi nhận đóng góp của anh.

Thành công khi còn rất trẻ, sẽ không ít người nghĩ rằng sự nghiệp Trần Đình Hòa được trải hoa hồng. Thực tế không phải vậy.

“Tôi mơ ước có một môi trường làm việc thẳng thắn, cởi mở và minh bạch giúp các nhà giáo, nhà khoa học lấy công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đó là mục đích duy nhất, là nguồn gốc của mọi trăn trở, là động lực lớn lao nhất đối với công việc hàng ngày”, GS Trần Đình Hòa.

Trò chuyện với anh tôi mường tượng được rằng, so với vị Giáo sư Việt Nam trẻ nhất năm 2013 hôm nay và chàng trai Trần Đình Hòa ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh mấy chục năm trước thì những trăn trở, những ước mơ cháy bỏng phải làm điều gì đó cho nông thôn vẫn vậy. Đau đáu, day dứt vô cùng. Tự lực thành công vốn là điều không dễ, trong lĩnh vực khoa học thủy lợi lại càng khó vô vàn. Và có lẽ, thành công thực sự cũng chỉ đến với những người mang trái tim đau đáu ấy.

Năm 1987, Trần Đình Hòa thi đậu vào trường Đại học Thủy lợi. Lúc ấy đơn giản chỉ là một cuộc thoát ly khỏi vùng quê quá nhiều thiên tai, vất vả ở khúc ruột miền Trung. Vùng quê mà thế hệ như anh chỉ có hai con đường: Học thật giỏi hoặc đi làm thuê kiếm sống. Nhưng cũng chính cái nghèo, cái khổ, cái vất vả của vùng quê ấy đã níu kéo Trần Đình Hòa một đời gắn bó với nông thôn, nông dân, như có lần anh đã nói: Tôi luôn cảm thấy mắc nợ nông dân.

Tốt nghiệp xong, khi vừa chân ướt chân ráo về công tác tại Viện Khoa học Thủy lợi, Trần Đình Hòa đã đặt ra mục tiêu cho riêng mình. Phải nghiên cứu các giải pháp ứng phó, giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra ở miền Trung? Làm sao để ngăn các cửa sông lớn để giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn mà không cần thi công “cứng” gây mất đất và khó chuyển đổi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đấy là những vấn đề mà anh và người Thầy của mình là GS Trương Đình Dụ cùng nhóm nghiên cứu luôn day dứt.

Năm 2004, khi 34 tuổi, Trần Đình Hòa đã được chọn làm Trưởng Ban nghiên cứu chiến lược và phát triển công nghệ thủy lợi.

Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới đối với Trần Đình Hòa và nhóm nghiên cứu công nghệ là việc Bộ NN-PTNT đã mạnh dạn ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất, qua việc chọn phương án xây dựng công trình đập ngăn mặn Thảo Long ở Thừa Thiên - Huế theo công nghệ mới - đập Trụ Đỡ.

Thảo Long là công trình cống đập lớn nhất Đông Nam Á. Khi Thứ trưởng Bộ NN-PTNT thời điểm đó là ông Phạm Hồng Giang giao cho Viện khao học Thủy lợi tư vấn thiết kế cũng không thể ngờ được rằng, với đội ngũ cán bộ nghiên cứu của viện KHTL Việt Nam dưới sự chủ trì của GS Trương Đình Dụ và đội quân trẻ tuổi như Trần Đình Hòa trực tiếp nghiên cứu giải pháp kết cấu, lắp đặt vận hành hệ thống cửa van đóng mở của công trình chính xác gần như tuyệt đối.


Giáo sư Trần Đình Hòa cùng các cộng sự bên đập ngăn mặn Thảo Long.

Ngăn sông bằng đập trụ đỡ và đập sà lan di động ứng dụng thành công. Thời gian thi công được rút ngắn khoảng 30%, vốn đầu tư giảm 25 - 40%. Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cũng giảm đến mức 80 - 85% so với phương án cống đặt trên bờ.

Giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, đã nói: "Cụm công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh được ứng dụng vào thực tế sản xuất cho nhiều công trình trong cả nước, tiết kiệm cho Nhà nước nhiều tỉ đồng, hạn chế thấp nhất việc người dân phải di dời khỏi nơi sản xuất truyền thống... đủ để minh chứng cho một nghiên cứu ứng dụng xuất sắc. Đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu tiên một ứng viên ngành khoa học kỹ thuật ứng dụng giành được vị trí Giáo sư trẻ nhất vì lâu nay để đạt thành tựu ở lĩnh vực này phải chờ nghiên cứu đi vào thực tiễn rất mất thời gian”.

Khai sinh trường phái làm thủy lợi mới

Sự kiện xây dựng thành công công trình ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long được xem là cột mốc khai sinh ra trường phái làm thủy lợi mới.

Đây là cụm công trình có những nghiên cứu sáng tạo về công nghệ đặc biệt quan trọng để ứng dụng vào xây dựng các công trình ngăn sông vùng cửa sông, vùng đồng bằng ven biển.

Hiệu quả rõ rệt nhất là có thể xây dựng ngay tại vị trí lòng sông, giảm thiểu tối đa diện tích giải phóng mặt bằng, hạn chế ô nhiễm môi trường, thi công nhanh, giá thành rẻ so với công nghệ xây dựng truyền thống.

Nhóm nghiên cứu công nghệ ngăn sông mới đã đi từ đề tài, triển khai dự án sản xuất thử nghiệm, làm chủ được công nghệ, xây dựng quy trình hướng dẫn thiết kế, thi công và quản lý vận hành tiến tới xây dựng thành Tiêu chuẩn Quốc gia cho lĩnh vực này.

Đây là cả một quá trình trải dài hàng chục năm với sự miệt mài nghiên cứu lý thuyết cho đến những ngày tháng lăn lộn ứng dụng triển khai thử nghiệm và nhân rộng vào thực tế.

Ngoài công trình ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long, công nghệ đập trụ đỡ và hệ thống công trình Phân ranh mặn ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu gồm 65 cống được áp dụng công nghệ đập xà lan. Hiện, công nghệ này là sự lựa chọn hiệu quả trong xây dựng các công trình chống ngập TP Hồ Chí Minh và công cuộc chống ngập đối phó với nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu để bảo vệ những vùng đất thấp của Việt Nam.

“Tương lai đây sẽ là một trường phái làm công trình thủy lợi mới, có tác dụng điều tiết nước, giúp hạ du luôn có nước ngay cả trong mùa khô khắc nghiệt, khi các hồ trữ nước không có điều kiện xả nước cho hạ du chống hạn”, Giáo sư Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Viện trưởng viện KHTL Việt Nam chia sẻ.

“Hầu hết các công trình thủy lợi ở Việt Nam đều đã xuống cấp. Tôi vẫn tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các giải pháp ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tránh và giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại đến con người, đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất”.

Những trăn trở dường như vẹn nguyên từ lúc chàng trai Trần Đình Hòa rời quê hương miền Trung ra Hà Nội học cho đến vị Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013 ngày hôm nay.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm