Ông tên là Điểu Văn Đố, còn người dân thì gọi ông là ông già cổ lỗ sĩ.
Sinh con ở tuổi 80
Cuối năm là thời điểm thu hoạch lúa của đồng bào S’tiêng nên hầu hết đàn ông đều đi nương, lão Đố cũng không ngoại lệ. Để tìm được lão, chúng tôi phải đi bộ hơn 2 km đường mòn chỉ vừa một người đi.
Bằng chứng cho thấy lão Đố năm nay đã 97 tuổi
Mặc dù vậy, nếu không nhờ một phụ nữ chỉ đường, chắc khó mà biết lão đang ở đám ruộng lúa nào. Khi ánh nắng gay gắt chiếu thẳng xuống đỉnh đầu, chúng tôi mới thấy lão Đố cởi trần, mái tóc muối tiêu để dài cột búi gọn gàng, đang lúi húi cắt lúa giữa trưa nắng gắt.
Gần đó, mấy người đàn ông đang trốn nắng dưới bóng cây, thấy chúng tôi đến liền buông lời: “Tìm lão Đố à? Lão khỏe lắm, trưa không ăn uống gì mà làm như con voi kéo gỗ kia kìa. Ông mặt rời đi ngủ lão mới về nhà ăn cơm”.
Quả thật, gặp được lão còn khó lên lên núi bắt cá. Và ngay khi gặp, chúng tôi một phen há hốc mồm ngạc nhiên khi nghe lão bảo năm nay đã… 97 tuổi. Bởi thân hình lão còn rắn chắc lắm.
Nước da màu đồng hun, chỉ cần có chút mồ hôi là lên nước bóng loáng, y như những cây cột, cây xà trong nhà lão vậy. Trò chuyện với lão, chúng tôi lại tiếp tục tròn mắt ngạc nhiên lẫn bái phục. Ấy là chuyện lão có đến 4 người vợ và 16 người con. Lần lão “sản xuất” ra đứa con gái út là năm lão đã ở cái tuổi bát thập.
Đã 97 tuổi, nhưng sức khỏe lão Đố chẳng kém cạnh so với đám thanh niên
Cô út này năm nay mới 17 tuổi nhưng đã xuất giá cách đây 2 năm, được lão làm cho cái nhà ở riêng cách nhà ông chừng 1 km.
“Phụ nữ S’tiêng tốt, ngoan lắm, bốn người vợ của ta đều ở gần nhau, bà nhất mất cách đây vài năm rồi. Giàu vợ, giàu con cũng như giàu của cải thôi. Gì thì ta không biết chứ gia đình hòa thuận, anh em, con cái yêu thương nhau mới là hạnh phúc. Ta năm nay gần 100 tuổi, cũng còn mong gì hơn nữa đâu. 16 người con của ta có gia đình riêng, nhà riêng hết rồi”, lão Đố tâm sự.
Khi tôi hỏi lão nhớ mình có bao nhiêu cháu nội, ngoại không? Thì lão cười khà khà, bảo: “Ôi dào, nhiều lắm, không biết hết, không nhớ hết tên được đâu”.
Nhắc đến chuyện nhiều vợ, lão vừa kể vừa cười khành khạch
Là người dân tộc thiểu số, lại là người S’tiêng, nhưng lão Đố không biết uống bất kì loại rượu nào, kể cả rượu truyền thống của người dân tộc là rượu cần. Hằng ngày, lão chỉ uống nước lá lấy trong rừng. Bữa ăn trong ngày đạm bạc, toàn rau là rau, hoặc ăn cơm lam. Lão chẳng ốm đau bao giờ, con ma rừng cũng không bắt nạt được lão. Nắng hay mưa ta cũng muốn ra ruộng, ngày nào không làm việc, ta bực bội trong người lắm”, lão bảo thế.
Cơm lam trong ống nứa là món ăn hàng ngày của lão
“Nghe nói ông có ngôi nhà cổ, quí lắm phải không?”, tôi hỏi. Lão đáp: “Phải rồi, nhà ta đẹp nhất vùng này, và cũng nhiều đồ quý nhất, muốn xem thì theo ta”. Lão nói xong lập tức đứng lên, bước đi thoăn thoắt.
Ngôi nhà độc nhất vô nhị
Mặc dù ngoài trời đang nắng gắt, nhưng khi bước chân vào nhà lão Đố, chợt cảm thấy dễ chịu vô cùng bởi không khí mát mẻ. Ngôi nhà cao khoảng 5m, dài 8m, rộng hơn 6m, nền đất, mái làm bằng lá rừng, được phủ một lớp tôn bên ngoài để tránh bị mọt ăn, ngôi nhà của lão Đố được làm hoàn toàn từ cây, lá rừng, và rất khác so với đa số những ngôi nhà xung quanh.
Ở giữa nhà là hai chiếc giường được kết, ghép bằng cây lồ ô, cao nửa mét, rộng chừng 2m. Phía trên là hai kho đựng lúa. Đây là ngôi nhà còn giữ nguyên nét truyền thống của người S’tiêng. Ngoài mái và một trụ cột của ngôi nhà được già sửa cách đây gần 10 năm, còn lại mọi thứ trong ngôi nhà dường như còn nguyên vẹn.
Một góc trong ngôi nhà cổ của lão Đố
Lão Đố cho biết, nhiều người đến xem nhà lão lắm rồi. Ai cũng thích hết. Đây cũng là ngôi nhà này được lấy làm mẫu để dựng nhà truyền thống tại di tích lịch sử Sóc Bom Bo. Hiện tại ở Bình Phước, đây là ngôi nhà duy nhất còn được giữ lại nguyên vẹn về truyền thống nhà ở của người S’tiêng”.
“Đây là nhà của tổ tiên để lại. Ta không biết nó có từ khi nào, nhưng đến con ta là đời thứ 7 rồi đấy”, lão Đố cho biết. Chỉ mấy căn nhà nửa truyền thống, nửa lai hiện đại nằm xung quanh nhà cái của lão Đố, tôi hỏi: “Có phải nhà của các con lão?”, thì lão cười khà khà, giải thích: “Đó là nhà các vợ ta đó”.
Trong nhà cái, có 4 cái bếp đặt ở 4 vị trí khác nhau. Theo giải thích của lão thì 4 cái bếp tượng trưng cho 4 người vợ, lúc nào cũng sưởi ấm gia đình, mang lại không khí yên vui. Khi đốt lửa, khói bếp giúp chống mọt, giúp ngôi nhà bền chắc hơn, và lên nước bóng đẹp hơn. Cách thiết kế này khiến cho ngồi nhà ấm vào mùa đông và mát mẻ khi trời nóng nực.
Bên trong ngôi nhà có rất nhiều món đồ đặc trưng của đồng bào S’tiêng như sừng trâu, gùi, cây chống để uống rượu cần, cây phóng lao… cho chúng tôi xem một mũi tên còn dấu tẩm thuốc độc từ thời cụ nội để lại, lão cho biết, loại thuốc độc tẩm mũi tên này được chế từ một bài thuốc gia truyền, gồm nhiều loại rễ, lá cây rừng. Loại thuốc tẩm độc này có thể hạ bất cứ loài mãnh thú nào.
Lão khoe cây lao đi săn của tổ tiên để lại
Ngồi bên cạnh lão Đố là bà Thị Nứt, người vợ thứ 3 của ông, bà Nứt cho biết, chồng bà yêu ngôi nhà như vợ con vậy, nên cũng muốn bảo vệ, chăm sóc nó như chăm sóc vợ con. Chỉ những nơi hư hỏng không còn dùng được nữa, thì lão mới buộc phải sửa, thay bằng vật dụng khác. Còn tất cả đều được giữ nguyên vẹn. Thậm chí, những vị trí đặt các vật dụng trong nhà, từ chiếc gùi, con dao, đến những chiếc chum, ché…vẫn y nguyên như thế từ khi ông sinh ra.
“Không phải tự nhiên mà chúng được đặt ở những vị trí ấy đâu. Nó mang ý nghĩa tâm linh, chỉ chúng tôi mới hiểu và cảm nhận được”, bà Nứt nói.
Bà Thị Nứt, vợ thứ 3 của lão Đố và cháu
Một trong những tài sản quý nhất trong nhà lão Đố chính là bộ Tố ché 100 cái, mà theo lão thì bộ Tố ché này cùng tuổi với ngôi nhà. Đối với người S’tiêng, Tố ché là những vật dụng thiết thân, gắn bó với gia chủ từ khi sinh ra đến khi về với tổ tiên. Khi dựng vợ, gả chồng cho con cái, ngoài trâu, bò, lễ vật bắt buộc theo tục lệ, còn phải có ít nhất từ 1 đến 2 Tố ché. Đối với người S’tiêng, để được coi là giàu có, trước tiên phải có nhiều Tố ché, sau đó mới tính đến đàn gia súc là trâu, bò, heo, gà. Phải có nhiều tiền mới mua được nhiều Tố ché.
“Tố ché của ta nhiều người đến xem, hỏi mua lắm. Họ bảo đắt thế nào cũng mua. Nhưng ta không chịu. Bán nó là bán tổ tiên”, lão Đố nói.
Bộ tố ché cực quý hiếm của người S’tiêng lão Đố còn giữ được
Ngôi nhà của lão Đố không chỉ đậm nét truyền thống, có tuổi đời hàng trăm năm, mà còn vô số những vật dụng vô giá. Nhìn bên ngoài, cứ ngỡ ngôi nhà của lão bình thường như bao ngôi nhà khác, thậm chí còn có cảm giác là nghèo nàn, nhưng bên trong thì ngược lại, rất giàu.
Lão Đố tâm sự: “Nhiều người khuyên ta xây nhà hiện đại, nhà tầng, nhưng ta không chịu. Tuy già không được học hành, thậm chí không biết chữ, nhưng ta quý những gì tổ tiên để lại. Đây là ngôi nhà đẹp nhất, là tài sản truyền thống của người S’tiêng ta. Hiện tại người S’tiêng ở Bình Phước không còn ai sống trong ngôi nhà như thế này nữa, ta buồn lắm”. |