| Hotline: 0983.970.780

Chuyển vụ hè thu sang làm thu đông ở Nam bộ: Chuyển theo vùng

Thứ Ba 25/05/2010 , 10:30 (GMT+7)

Để giảm bớt rủi ro cho nông dân, nhiều địa phương ở ĐBSCL đang tính đến chuyện chuyển đổi dần cơ cấu mùa vụ, trong đó có việc thay thế vụ lúa hè thu (HT) bằng vụ thu đông (TĐ).

Tình hình thời tiết, khí hậu biến đổi đã gây ra những bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với sản xuất lúa. Để giảm bớt rủi ro cho nông dân, nhiều địa phương ở ĐBSCL đang tính đến chuyện chuyển đổi dần cơ cấu mùa vụ, trong đó có việc thay thế vụ lúa hè thu (HT) bằng vụ thu đông (TĐ).

Theo tập quán sản xuất, phần lớn nông dân Nam bộ chỉ quen với 2 vụ sản xuất lúa chính trong năm là đông xuân (ĐX) và HT. Tuy nhiên, trong quá trình thâm canh tăng vụ, nông dân đã dần mở rộng diện tích sản xuất ở các vụ như lúa xuân hè (XH), TĐ và thường được gọi với tên là lúa vụ 3. Những năm gần đây, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương cơ cấu lại mùa vụ, đưa vụ lúa TĐ vào lịch sản xuất chính trong năm. Từ đó, diện tích lúa TĐ tăng mạnh và góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập cho người trồng lúa, tạo ra nguồn lúa nguyên liệu có chất lượng cao phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Lúa HT bị ngập chìm trong lũ

Năm 2009, diện tích lúa TĐ ở ĐBSCL là 420.867ha, với tổng sản lượng thu hoạch đạt gần 1,9 triệu tấn. Trong đó, các địa phương có diện tích sản xuất lớn như An Giang (91.269 ha), Trà Vinh (83.118ha), Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang (đều trên 40.000ha), Cần Thơ, Bạc Liêu (trên 30.000ha)… Dự kiến, vụ TĐ năm 2010, toàn khu vực sẽ xuống giống khoảng 455.000ha, với tổng sản lượng lúa thu được ước đạt trên 2 triệu tấn. Thực tế cho thấy, sản xuất lúa TĐ có nhiều thuận lợi hơn so với lúa HT, nhất là về tình hình thời tiết và thị trường tiêu thụ.

Ông Huỳnh Thế Năng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, sau khi xây dựng được hệ thống đê bao nội đồng, tỉnh An Giang đã chủ trương thực hiện 3 năm 8 vụ để đất có thời gian phục hồi lại nguồn dinh dưỡng. Trong đó, vụ lúa bị cắt bỏ chính là TĐ. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất cho thấy, vụ HT thường có chi phí cao nhưng năng suất và chất lượng lúa lại thấp hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do lịch mùa vụ gieo sạ lúa HT thường có thời tiết bất lợi, trời mưa bão nhiều dẫn đến lúa bị lép (khi trổ gặp mưa, bão kéo dài gây ảnh hưởng đến quá trình vào mẩy), đổ ngã khi chuẩn bị chín và lên mộng do không phơi sấy được. Điều này, không chỉ gây thiệt hại nặng nề về năng suất mà còn làm chất lượng hạt gạo giảm đi rất nhiều, lúa khó tiêu thụ và giá cũng giảm theo. Từ đó, nhiều nông dân đề nghị nên bỏ vụ HT thay vì TĐ như hiện nay.

Việc thay vụ HT bằng TĐ còn có cái lợi là tránh được thiệt hại do tình hình hạn, mặn vào thời gian đầu vụ, nhất là đối với các tỉnh, thành khu vực ven biển, chưa có đê ngăn mặn hoàn chỉnh. Trong khi đó, thời điểm này (nắng nóng) lại là điều kiện tốt để nông dân vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất, nhằm cắt đứt nguồn sâu bệnh cho vụ sau.

Theo ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang thì để chuyển đổi từ vụ HT sang TĐ cần phải có hệ thống đê bao, tưới tiêu hoàn chỉnh vì thời điểm này ở ĐBSCL rơi vào mùa nước nổi. Ngược với vụ HT, vụ TĐ cần phải chủ động để bơm rút nước ra, chống ngập úng cho lúa. Việc bơm rút nước ra mà chậm trễ 1-2 ngày sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa. Tốt nhất, nên đầu tư hệ thống bơm điện để chủ động bơm tưới và hạ giá thành sản xuất cho nông dân. Về cơ cấu mùa vụ, lý tưởng nhất hiện nay vẫn là 2 lúa 1 màu và nên theo hướng thay cây màu cho vụ lúa HT. Tuy nhiên, chỉ có thể chuyển đổi theo từng vùng, vì không phải chỗ nào cũng làm màu được (cây màu chỉ thích hợp với những vùng đất cao) và quan trọng hơn là thị trường đầu ra của cây màu hiện chưa thật sự ổn định.

Theo tính toán của nông dân, chi phí đầu tư cho sản xuất vụ TĐ giảm không đáng kể so với lúa HT (tính theo ha). Tuy nhiên, do lúa TĐ trổ chín vào cuối mùa mưa, điều kiện thu hoạch giống như vụ ĐX nên năng suất lúa cao hơn, do đó, giá thành sản xuất thấp hơn. Ngoài ra, lúa TĐ có chất lượng gạo tốt hơn, thị trường đầu ra thuận lợi hơn nhiều so với lúa HT nên nông dân sẽ có lãi cao hơn.

TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng, do điều kiện đặc thù nên khu vực ĐBSCL hiện được chia thành 7 vùng sinh thái khác nhau. Điều kiện thời tiết từng mùa vụ có thể thích hợp cho vùng này nhưng lại bất lợi cho vùng kia. Chẳng hạn, đối với tỉnh Kiên Giang thì chỉ thích hợp làm lúa ĐX và HT chính vụ, còn làm lúa TĐ sẽ gặp khó do đầu vụ bị ảnh hưởng lũ nhưng cuối vụ lại bị nắng hạn và xâm nhập mặn. Ngược lại, các tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng làm lúa TĐ lại có những thuận lợi vì lũ thường về chậm và thấp. Vậy chỉ nên chuyển đổi từ vụ HT sang TĐ theo từng vùng. Tốt nhất là nên tiến hành điều tra, từ đó để có cơ sở khoa học cơ cấu lại mùa vụ sao cho phù hợp với từng vùng sinh thái và điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Chủ quan khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại

Nhiều người nuôi chó, mèo tại Long An vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.

Cây mía Cù Lao Dung tìm lại thời vàng son

Sóc Trăng Giá mía khởi sắc, niềm tin của chính quyền và người dân, sự quyết tâm của doanh nghiệp tạo điều kiện đưa cây mía Cù Lao Dung về lại thời vàng son.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.