| Hotline: 0983.970.780

'Cò' cấp mã số vùng trồng: Siết chặt ngay, tránh để hệ lụy xấu

Thứ Sáu 05/05/2023 , 06:14 (GMT+7)

ĐBSCL Một số địa phương ĐBSCL rộ lên dịch vụ chuyên làm hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng, nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu minh bạch trong quản lý mã số vùng trồng.

Chính sách cấp mã số vùng trồng là chủ trương lớn của Bộ NN-PTNT tạo tấm vé thông hành cho nông sản thuận đường xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Chính sách cấp mã số vùng trồng là chủ trương lớn của Bộ NN-PTNT tạo tấm vé thông hành cho nông sản thuận đường xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Trước thời điểm Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thực hiện phân cấp việc cấp và quản lý mã số vùng trồng về cho các địa phương, tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xuất hiện một nhóm dịch vụ chuyên làm hồ sơ, thủ tục xin cấp mã số vùng trồng.

Xét về quy định pháp luật, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, không bàn đến vấn đề đúng hay sai, bởi theo quy định không cấm, nhưng qua đó có thể thấy thời gian qua việc cấp mã số vùng trồng phát sinh vấn đề, nên một số doanh nghiệp và HTX ngại khó, sẵn sàng bỏ ra chi phí để thuê các dịch vụ đó.

Điều này dẫn đến nguy cơ xuất hiện trường hợp một số doanh nghiệp thông qua dịch vụ đó để nhượng quyền mã số vùng trồng cho doanh nghiệp khác, khâu quản lý mã số vùng trồng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Một thực tế đã xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hiện tượng “mua bán” mã số vùng trồng trên cây nhãn.

Cụ thể, ông Phước cho biết, một doanh nghiệp ngoài tỉnh đã trực tiếp đến các nhà vườn đã được cấp mã số vùng trồng trên cây nhãn để thảo luận với lãnh đạo HTX thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm rồi vịn vào cớ đó để thực hiện trao đổi mua bán mã số vùng trồng. Đồng thời liên kết với một số thành phần ở địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, sử dụng mã số vùng trồng của tỉnh để thực hiện xuất khẩu nhãn.

Khi nhận được thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra thực tế và phát hiện chưa tới mùa nhãn, trên các vườn trồng vẫn chưa có trái, nhưng doanh nghiệp lại có sản phẩm từ mã số vùng trồng của tỉnh để xuất khẩu, với sản lượng lên tới 18 tấn.

Từ đó, ngành đã phát hiện sản phẩm được lấy hàng từ nơi khác, kịp thời thông báo ngay cho Cục Bảo vệ thực vật để cấm xuất khẩu những lô hàng đó. Đặc biệt qua công tác kiểm dịch thực vật, lô hàng bị phát hiện có sinh vật gây hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý, cấp mã số vùng trồng của địa phương, ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản Việt Nam.

Trao đổi với đại diện một doanh nghiệp chuyên liên kết thu mua sầu riêng ở khu vực ĐBSCL, vị này cho hay, hiện nay nhóm chuyên làm dịch vụ cấp mã số vùng trồng xuất hiện nhiều ở một số tỉnh trong vùng.

"Vùng trồng nào có nhu cầu sẽ có đơn vị chuyên nhận hồ sơ hỗ trợ nông dân xin cấp mã số vùng trồng. Hiện nay, theo quy định không bắt buộc chủ thể của vùng trồng đó phải đi đến cơ quan tại địa phương để nộp hồ sơ, nhiều khi cơ quan cấp tỉnh cách xa vùng trồng thì rất cực cho nông dân. Mã số vùng trồng mà “buông” ra để cho nông dân hoặc HTX tự làm không phải là không làm được mà khó, mất thời gian”, đại diện một doanh nghiệp cho hay.

Thời gian qua, tại một số địa phương vùng ĐBSCL đã xuất hiện một nhóm dịch vụ chuyên làm hồ sơ, thủ tục xin cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Kim Anh.

Thời gian qua, tại một số địa phương vùng ĐBSCL đã xuất hiện một nhóm dịch vụ chuyên làm hồ sơ, thủ tục xin cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Kim Anh.

Theo quan điểm của doanh nghiệp này, việc có một công ty uy tín và năng lực để cung cấp các giải pháp nông nghiệp cho nông dân, HTX, doanh nghiệp, trong đó bao gồm hướng dẫn về quy trình thủ tục cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ quá trình kiểm tra trực tuyến trực tiếp là cần thiết. Thế nhưng, với bà con nông dân sẽ rất khó để nhận biết được đơn vị đó đảm bảo uy tín hoặc có lợi dụng việc làm dịch vụ này cho mục đích khác.

Vì thế, đại diện doanh nghiệp này đưa ra lời khuyên, bà con nông dân cần có sự chọn lọc sáng suốt, khuyến khích chủ thể của vùng trồng trực tiếp thực hiện. Riêng đối các công ty làm dịch vụ tư vấn cần phải đảm bảo hoạt động đúng bản chất là mang lại những giải pháp thuận lợi cho bà con nông dân, HTX và doanh nghiệp, không để một thành phần nào đó làm lệch lạc hướng đi này, lợi dụng việc xin cấp mã số vùng trồng để phục vụ cho một mục đích khác.

Ở góc độ quản lý, để việc cấp, quản lý mã số vùng trồng đi đúng hướng với mục tiêu ngành nông nghiệp đề ra là tấm vé thông hành cho nông sản Việt Nam thuận đường xuất khẩu, ông Trần Thái Nghiêm kiến nghị, cần có thông tin 2 chiều giữa các địa phương và Cục Bảo vệ thực vật, để từ đó bà con nông dân, HTX có trách nhiệm hơn trong việc quản lý và phát huy giá trị của mã số vùng trồng.

Quan trọng hơn là vấn đề điều tiết chính sách, đơn giản thủ tục một cách hợp lý, dễ dàng, thậm chí ông Nghiêm đề xuất nên chăng có quy trình cải cách hành chính hoặc ứng dụng một cửa liên thông cho tất cả đối tác, chủ thể được tiếp cận thủ tục đơn giản, sẽ không còn trường hợp “cò”, nếu có thì chỉ dừng lại ở mức độ hỗ trợ về thao tác kỹ thuật.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã thực hiện việc phân cấp thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các địa phương tập trung công tác hỗ trợ cấp mã số vùng trồng.

TP Cần Thơ đã xây dựng được trên 10.300ha vùng sản xuất cây ăn trái tập trung với sản lượng hàng năm đạt trên 100.000 tấn. Tính từ tháng 1/2022 đến tháng 3/2023, thành phố đã được cấp 52 mã số vùng trồng trên 25 vùng trồng, với tổng diện tích trên 403ha.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang thực hiện liên kết tiêu thụ với các tổ hợp tác, HTX để sản xuất trái cây xuất sang Mỹ, Úc, Trung Quốc với tổng diện tích gần 847ha và 1.080 nông dân tham gia liên kết tại các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, quận Ô Môn và Thốt Nốt.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.