Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, chuyển đổi cây trồng tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ngày 27/4, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đã đưa ra thực trạng khó khăn về việc phân cấp để cấp, quản lý mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu nông sản trên địa bàn thành phố.
Theo Nghiêm, ngày 23/3/2023, Bộ NN-PTNT có công văn số 1776/BNN-BVTV gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố, trong đó yêu cầu giao nhiệm vụ thiết lập, kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương. Quy định mới này đã tạo thuận lợi rất lớn cho các địa phương vùng ĐBSCL chủ động thực hiện công tác giám sát, quản lý mã số vùng trồng.
Tuy nhiên, cái khó mà ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang gặp phải là trước đó, ngày 15/2/2023 UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 325/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn TP Cần Thơ cho Sở NN-PTNT thành phố. Theo ông Nghiêm, từ thuận lợi lại trở thành cái khó cho ngành, bởi theo quy định đã phân cấp thì không thể phân cấp nữa.
Ông Nghiêm lý giải, UBND TP Cần Thơ đã phân cấp cho Sở NN-PTNT thực hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng thì Sở không thể tiếp tục phân cấp cho đơn vị cấp dưới. Do đó, lãnh đạo ngành nông nghiệp Cần Thơ kiến nghị với đoàn công tác đề xuất Bộ NN-PTNT có một văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể vấn đề này.
Cũng liên quan đến mã số vùng trồng, ông Nghiêm cho biết thêm, hiện nay việc xác định diện tích để cấp mã số theo tài liệu hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật là mã vùng trồng xuất khẩu phải đảm bảo diện tích 10ha nhưng cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này. Từ đó ông đề xuất nên có Thông tư hướng dẫn về vấn đề này, tùy theo điều kiện thực tế để đảm bảo tính đồng nhất về quy trình kỹ thuật và đảm bảo an toàn.
Hiện nay, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật theo dõi sát sao việc thực hiện hợp đồng liên kết giữa các doanh nghiệp và bà con trong vùng đã được cấp mã số vùng trồng để làm cơ sở xem xét cấp mã cho những năm sau.
“Hộ nào làm không đảm bảo theo hợp đồng liên kết chắc chắn sẽ không cấp cho giai đoạn tiếp theo. Nếu có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, việc bố trí nguồn lực để thực hiện quản lý sẽ thuận lợi hơn”, ông Nghiêm bày tỏ.
Bên cạnh đó, để việc quản lý và cấp mã số vùng trồng trở nên thuận lợi hơn, ông Nghiêm đề xuất tích hợp chuyển đổi số vào để định vị xác định vị trí, diện tích vùng trồng của từng chủ hộ. Bởi thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng “cò” đề xuất cấp mã số vùng trồng.
“Tôi đề nghị cần thiết đưa quy trình cấp mã số vùng trồng vào thủ tục hành chính, nên ứng dụng công nghệ số để minh bạch. Nếu chúng ta không có nguồn lực thì sẽ phân cấp về cho tổ khuyến nông cộng đồng hoặc người dân địa phương. Hiện nay, tại huyện Phong Điền đang thực hiện định vị lại tất cả vùng trồng của từng loại cây chủ lực trên địa bàn bằng công nghệ số. Nếu chúng ta xác định được tầm quan trọng của nó, có quy định hẳn thì việc đó hoàn toàn làm được”, ông Nghiêm cho biết thêm.
Hiện nay, TP Cần Thơ đã xây dựng được trên 10.300ha vùng sản xuất cây ăn trái tập trung với sản lượng hàng năm đạt trên 100.000 tấn.
Tính từ tháng 1/2022 đến tháng 3/2023, toàn Thành phố đã được cấp 52 mã số vùng trồng trên 25 vùng trồng, với tổng diện tích trên 403ha.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện liên kết tiêu thụ với các tổ hợp tác, HTX để sản xuất trái cây xuất sang Mỹ, Úc, Trung Quốc với tổng diện tích gần 847ha và 1.080 nông dân tham gia liên kết tại các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, quận Ô Môn và Thốt Nốt.