| Hotline: 0983.970.780

Cơ cực miền tây Thanh Nghệ Tĩnh: [Bài 5] Sống mòn nơi cửa khẩu Cầu Treo

Thứ Sáu 13/09/2019 , 08:48 (GMT+7)

Để gói gọn thực trạng đời sống của người dân xã biên giới Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) 5 năm gần đây trong một chữ thì đó chỉ có thể là chữ “khổ”!

1.400 hộ cõng 160 tỷ đồng tiền nợ

Sáng tháng 7 nắng bỏng rát mặt người, chúng tôi vừa đặt chân qua cổng B Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (đã giải thể), ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, cảnh vật héo hắt như chính đời sống người dân nơi đây đang phải đối mặt. KKT Cầu Treo 5 năm trở về trước sầm uất, nhộn nhịp bao nhiêu thì bây giờ hoang tàn, đìu hiu bấy nhiêu.

19-34-32_7
Đất sản xuất nhường cho KCN bỏ hoang đã đẩy dân Sơn Kim 1 lâm cảnh thất nghiệp.

Sơn Kim 1 - xã biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2014 từng là niềm tự hào không chỉ của Đảng bộ, nhân dân địa phương mà còn của cả huyện Hương Sơn. Thời điểm xã này đạt chuẩn thu nhập bình quân đầu người là 40 triệu đồng/năm, lúc này Nghị quyết HĐND xã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng lên 70 triệu đồng/người/năm.

Hai năm sau về đích, Sơn Kim 1 phải điều chỉnh kế hoạch giảm xuống 60 triệu đồng, đến năm 2019 thu nhập thực tế địa phương phải “ép” mới đạt con số 39 triệu đồng/người/năm. Và mục tiêu đến năm 2020 cũng thụt lùi xuống mức 43 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Tùng “chỉ tiêu đặt ra cũng khó mà đạt được, bởi 3 mũi nhọn chính về phát triển kinh tế đang bế tắc”.

Ông Tùng phân tích, trước năm 2010 nhờ sự hỗ trợ của các Chương trình, dự án như 134, 135, 30A… cộng với KKT Cầu Treo hoạt động hiệu quả nên đời sống người dân Sơn Kim 1 tương đối ổn định. 80% dân số trong độ tuổi lao động ở lại quê hương sản xuất nông nghiệp (SXNN); tận thu gỗ rừng và kinh doanh buôn bán.

Đến giai đoạn 2010 – 2013, tốc độ phát triển kinh tế của Sơn Kim 1 tăng lên chóng mặt. Những triệu phú, tỷ phú mọc lên như “nấm sau mưa”; nhiều gia đình xây nhà lầu, mua xe hơi, mua đất chuyển nhà đến sinh sống ở thị tứ sầm uất Tây Sơn… Nguyên nhân là do gỗ trắc, hàng điện tử, hoa quả… đắt như tôm tươi. Chính sách của Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào thông thoáng, hàng hóa giao thương thuận lợi nên người dân đổ xô vay vốn ngân hàng, thành lập doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Trong bối cảnh có nhiều sự lựa chọn, người dân thôn Kim Cương 1, Kim Cương 2, Khe Dầu sẵn sàng nhường 60ha đất cho Ban quản lý KKT Hà Tĩnh “trải thảm đỏ” mời doanh nghiệp vào đầu tư tại khu công nghiệp Đại Kim. Kể từ đó, hầu hết nam thanh, nữ tú đang làm việc ở miền Nam, thậm chí học sinh học đại học xong kéo nhau về quê học nghề cắt kính, may vá… để xin vào làm cho các công ty đóng trên địa bàn.

19-34-32_5
Anh Phan Văn Bá (thôn Kim Cương 2) ngồi buồn bã bên căn nhà xập xệ.

Ấy thế mà sau 10 năm, khu công nghiệp Đại Kim vẫn chỉ là bãi đất hoang, làm nơi chăn trâu, thả bò. 4 doanh nghiệp “trống dong cờ mở” khởi công nay đã “chết yểu” 3, chỉ còn nhà máy sản xuất hàng điện tử hoạt động cầm chừng, èo uột.

Ông Võ Văn Biển, Đại biểu HĐND xã Sơn Kim 1 phân tích, xưa một tiểu thương trong KKT kinh doanh hiệu quả có thể nuôi thêm 100 – 150 lao động, từ công nhân chính thức đến bốc vác thời vụ, hộ dân bán rau, bán gà… nhưng nay, khoảng 80% “đại gia” phá sản khiến nền kinh tế đình trệ.

Cuộc sống khốn khó còn khiến không ít cặp vợ chồng lục đục, hôn nhân đỗ vỡ; trẻ em bỏ học giữa chừng; an ninh trận tự mất ổn định. Thậm chí nhiều người vướng vòng lao lý. Thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong hai năm (2018 - 2019) lực lượng chức năng đã bắt giữ 150 vụ buôn bán ma túy tại địa bàn Sơn Kim 1; trong đó có đến 10/30 đối tượng là người địa phương.

Hiện dư nợ của người dân Sơn Kim 1 tại các ngân hàng và quỹ tín dụng rơi vào khoảng 160 tỷ đồng. Tính ra, bình quân một hộ phải cõng trên lưng hơn 114 triệu đồng tiền nợ. Nếu tính mức lãi suất 0,8%/tháng, chưa biết trong tháng hộ dân làm được bao nhiêu tiền nhưng mở mắt ra đã phải lo trả lãi hơn 912.000đ. Thậm chí một số hộ ở thôn Công Thương nhà cũng không còn mà ở vì bị ngân hàng xiết nợ.
 

“Thịt mỡ cũng không có mà ăn”

Thôn Hà Trai có 159 nóc nhà với 563 khẩu thì có đến 43 hộ dân tộc Mán, Mường. Đây là thôn năm nào cũng “đội sổ” về tỷ lệ hộ nghèo, hộ khó khăn của xã Sơn Kim 1. Toàn thôn có 7,3ha đất màu nhưng lũ lụt bồi lấp nên diện tích thực có thể sản xuất chỉ còn khoảng 6ha và 175ha rừng giao cho 61 hộ sản xuất, khoanh nuôi bảo vệ.

Tư liệu sản xuất gần như không có nên 80% lao động trong thôn đã phải vào Nam, ra Bắc làm công nhân, số còn lại ở nhà đi cào hến dưới sông, vào rừng lấy lá nón, mật ong, nấm lim… kiếm cái ăn qua ngày. Ngặt nỗi, nhà nhà đổ vào rừng, người người ngụp lặn dưới sông nên các phụ phẩm từ rừng và sông suối đang dần cạn kiệt.

Trưởng thôn Phan Thanh Giang cho hay, hiện nay bình quân một gia đình 5 khẩu tiêu xài gói gọn trong 200 ngàn đồng/ngày, đó là chưa kể ma chay, cưới hỏi và tiền lãi ngân hàng. Riêng dư nợ tại các ngân hàng của thôn Hà Trai đã lên đến 5,2 tỷ đồng. Phần lớn các hộ nợ nhiều do đầu tư kinh doanh, chăn nuôi đổ bể và vay đi xuất khẩu lao động.

Ông Giang tiếng là trưởng thôn nhưng cuộc sống cũng chật vật không kém các hộ khác trong thôn. Vợ chồng ông lấy nhau, sinh hạ được 3 người con trai là Phan Thanh Vương, Phan Thái Cung và Phan Thanh Đam. Cả 3 đều đã lập gia đình, ra riêng gần nhà ông bà.

Trước năm 2015, cơ hội việc làm ở Sơn Kim 1 đa dạng nên các con ông quyết bám quê hương. Nhưng 5 năm gần đây ruộng không, nghề nghiệp không nên vợ chồng anh con cả lục đục dẫn đến tan vỡ; con dâu thứ 2 phải đi trông trẻ thuê tận khu vực cửa khẩu; con trai thứ 3 đem vợ con gửi về bên ngoại tận Nghệ An để vào Bình Dương làm công nhân. Nay ông bà ở nhà phải nuôi thêm 2 đứa cháu từ đồng trợ cấp ít ỏi của ông. Khó khăn lắm nhưng cũng chẳng còn cách nào khác.

Bi đát hơn là tình cảnh người mẹ đơn thân Phan Thị Lành (sinh năm 1966), thôn Kim Cương 2. Mấy chục năm nay một mình chị canh tác 5 thước ruộng và đi làm thuê cho tiểu thương trong xã để cưu mang người em trai thiểu năng và nuôi 2 đứa con, một trai, một gái ăn học. Dăm năm lại nay sức khỏe giảm sút, đi làm một ngày về ốm nằm ba bốn ngày nên chị chỉ còn cách nuôi 20 con gà làm vốn. Con trai chị vì hoàn cảnh khó khăn nên phải nghỉ học đi làm, phụ mẹ nuôi em gái đang học cấp ba.

Hôm trưởng thôn Nguyễn Hữu Thọ dẫn chúng tôi đến đã quá giờ Ngọ. Chị Lành ngồi bên nồi cơm nguội và đĩa nhút mít mặn chát đang cố ăn lấy để cho kịp đi làm buổi chiều. Tôi hỏi, đã bao lâu mâm cơm không có thức ăn, chị nức nở nói không thành lời: “Hai tuần rồi, không có tiền mua thức ăn. Bữa gần nhất tôi mua 5 con cá biển, ăn được hai bận. Còn lại là ăn nhút mít, rau muống, rau ngót trong vườn và thi thoảng có vài quả trứng”.

19-34-32_2
Chị Phan Thị Lành rơm rớm nước mắt, đã hai tuần, mâm cơm của chị chỉ có nhút mít và rau ngót.

Ngôi nhà lợp prô xi măng và tranh đã xiêu vẹo, dột nát từ chục năm nay nhưng chị không có khả năng tu sửa, xung quanh phên nứa cũng đã bị mối mọt ăn gần hết.

Chị Lành bảo, những hôm mưa gió, 4 chị em, mẹ con chẳng dám ngủ vì sợ nhà sập. Nhìn quanh một lượt, ông Trưởng thôn Kim Cương 2 quay sang bảo tôi: “Tài sản trong nhà này chẳng có cái gì bán nổi vài chục nghìn bạc”. Đồng thời chia sẻ, gia đình chị Lành rất chăm chỉ làm ăn nhưng do không có tư liệu sản xuất, sức khỏe cả mẹ lẫn con đều yếu nên cái nghèo đói cứ đeo bám mãi.

Trước khi chúng tôi ra về, ông Võ Văn Biển nhấn mạnh một lần nữa về đời sống người dân Sơn Kim 1, rằng: “Bây giờ chỉ có làng An Sú chê thịt mỡ, còn những làng khác thịt mỡ cũng không có mà ăn”.

19-34-32_3
Ngôi nhà dột nát, hư hỏng tứ phía của gia đình chị Lành.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 Phan Thanh Tùng: “Nếu muốn cứu dân thoát khỏi chật vật, chúng tôi cần chính quyền cấp trên đánh giá lại giá trị thực của rừng, cần thiết có thể cho chuyển đổi 2.000 – 3.000ha rừng ở rừng Đước, rừng Cồn, rừng Đền sang rừng trồng để tạo sinh kế cho 200 – 300 hộ dân ổn định cuộc sống. Địa phương sẽ vận động người dân tận dụng diện tích chuyển sang trồng chè, từ nay đến cuối năm phấn đầu trồng 10ha”.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm