Kiếm tìm tri thức và hướng tới khoa học luôn là một ước vọng đáng trân trọng và đáng ủng hộ. Ngân
sách Nhà nước vẫn luôn rộng mở để khuyến khích các công trình nghiên cứu.
Tham nhũng trong lĩnh vực hành chính hoặc tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế đã đáng sợ, mà tham nhũng trong lĩnh vực khoa học còn đáng sợ hơn.
Câu chuyện đàn bò tót lai bị bỏ đói đến gầy trơ xương tại thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Nam Thuận đã khiến dư luận xôn xao.
Bởi lẽ, đây không phải là động vật hoang dã, mà thuộc một dự án khoa học được sử dụng ngân sách. Đàn bò tót lai nhằm phục vụ công trình nghiên cứu cấp nhà nước có tên gọi “Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa”.
Nhiều vị có học hàm, học vị đã được huy động cùng nguồn kinh phí không nhỏ để thực hiện đề tài nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai giữa bò tót và bò nhà, tạo nền móng để có thể hình thành một giống bò mới có giá trị cao trong ngành chăn nuôi.
Oái oăm thay, kết quả nghiên cứu chưa thấy đâu, mà chỉ thấy đàn bò tót lai suy kiệt đến mức thảm hại.
Đàn bò tót lai rất đáng tội nghiệp, nhưng đáng tội nghiệp hơn là thực trạng lãng phí có dấu hiệu khuất tất của các công trình khoa học. Một dự án nghiên cứu có thể thất bại, nhưng điều khiến người dân nhức nhối hơn là các diễn biến tiêu cực trong các hoạt động mang tính học thuật.
Dường như không có cơ chế kiểm tra và giám sát cho các dự án dùng ngân sách để làm các công trình khoa học. Và dường như cũng không có ai cảm thấy xấu hổ hay phải chịu trách nhiệm trước những sự lãng phí kinh hoàng. Ở đây, chưa cần đòi hỏi mức độ thành công của từng dự án, mà đòi hỏi phải có sự liêm chính về học thuật.
Theo một con số thống kế chưa đầy đủ thì Việt Nam có hơn 25 nghìn Tiến sĩ, trong đó khoảng 10 nghìn Tiến sĩ không tham gia giảng dạy và nghiên cứu. Vậy, chúng ta cần một số lượng lớn Tiến sĩ như vậy để làm gì?
Trên hành tinh không có quốc gia tiến bộ nào lại có chiến lược bình dân hóa Tiến sĩ. Việt Nam có tỷ lệ Tiến sĩ trong dân số xếp vào hàng cao nhất thế giới, nhưng lại có ít công trình khoa học quốc tế nhất.
Vì sao ra nông nỗi ấy? Không lẽ, Tiến sĩ ở Việt Nam chỉ giỏi chen lấn và tranh giành danh lợi thôi ư?
Từ năm 2017, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nhận ra sự bất cập của thực trạng bùng nổ Tiến sĩ, và bàn hành “Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ” nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
Bộ Giáo dục Đào tạo nhấn mạnh cần phải khẳng định đào tạo tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất trong giáo dục đại học, là đào tạo tinh hoa, đào tạo những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu, do đó phải chuẩn từ chất lượng đầu vào, đảm bảo cơ chế thải loại trong quá trình đào tạo và đạt chuẩn chất lượng chất lượng đầu ra cũng như phải có tính hội nhập trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Việc chuyển từ đào tạo theo số lượng sang chú trọng chất lượng sẽ tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt khi trình độ và chất lượng đào tạo giữa các cơ sở, các lĩnh vực đào tạo chưa đồng đều.
Chính vì vậy, các cơ sở đào tạo tiến sĩ cần chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sinh, người hướng dẫn trong việc công bố quốc tế, gắn các đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn với đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo tiến sĩ - viện nghiên cứu và doanh nghiệp để hỗ trợ những nghiên cứu đặt hàng và chuyển giao công nghệ.
Thực tế, các “lò” đào tạo Tiến sĩ vẫn hoạt động tưng bừng và chất lượng khoa học càng ngày càng trở thành ẩn số. Luận án Tiến sĩ không thể chạm đến những ngôi nhà hiu hắt ở nông thôn và những khu ổ chuột ở đô thị, còn các công trình nghiên cứu thì vẫn mù khơi bóng chim tăm cá trước đòi hỏi phát triển của cuộc sống.
Trước những luận án Tiến sĩ na ná nhau và những công trình nghiên cứu hao tổn ngân sách, phải chăng đã đến lúc cần đặt ra câu hỏi: Liệu có dấu hiệu tham nhũng trong các công trình khoa học không?
Không ai bắt buộc quan chức phải có bằng Tiến sĩ, nhưng rất nhiều quan chức vẫn tìm cách có được bằng Tiến sĩ. Đó là hậu quả của một xã hội chuộng bằng cấp, hay học vị Tiến sĩ giống như nấc thang cho mục tiêu thăng tiến?
Phó Giáo sư Hoàng Văn Cường cho rằng: Quan niệm về đào tạo Tiến sĩ chưa được hiểu một cách thấu đáo. Nhiều người coi bản luận án là sản phẩm chính của đào tạo tiến sĩ, nên miễn làm thế nào nghiên cứu sinh có được bản luận án trình ra hội đồng và bảo vệ thành công thì người đó được công nhận Tiến sĩ.
Quan niệm này dẫn đến sai lầm trong chương trình đào tạo tiến sĩ không hướng nghiên cứu sinh vào các hoạt động đào tạo để rèn luyện hình thành các tố chất, năng lực của một nhà nghiên cứu mà chỉ quan tâm mỗi việc làm thế nào để nghiên cứu sinh viết xong bản luận án.
Sản phẩm của quá trình đào tạo này cho thấy người được nhận bằng tiến sĩ chỉ khác người chưa có bằng ở chỗ đã viết ra được “một tập báo cáo dày” có kết cấu, nội dung như một luận án Tiến sĩ. Bản luận án dạng này thường có phần sao chép có chọn lọc các nội dung thuộc về lý luận từ giáo trình hoặc các tài liệu nghiên cứu khác; phần đánh giá thực trạng là kết quả tổng hợp từ các báo cáo tổng kết có thêm lời bình luận, so sánh; phần giải pháp là tổng hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị có liên quan đến nội dung nghiên cứu mà thực chất có thể dễ dàng tìm được ở đâu đó, không loại trừ cả từ Google.
Những người nhận được bằng Tiến sĩ dựa vào có bản luận án như thế xứng đáng được gọi là Tiến sĩ giấy. Đó là chưa kể đến nghiên cứu sinh thể có nhờ người khác viết hộ mình “một tập báo cáo dày” thì cũng không khác nhau mấy so với nghiên cứu sinh tự viết ra nó. Giá trị của quá trình đào tạo không nằm ở bản luận án Tiến sĩ mà phải ở tri thức và năng lực của người nhận học vị tiến sĩ.
Có một luận án Tiến sĩ từng khiến nhiều người ngao ngán có tên gọi “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”. Ơ hay, một đề tài như thế thì làm luận án để phục vụ mục đích gì, ngoài giá trị trao cho người thực hiện cái bằng Tiến sĩ?
Giáo sư Trần Văn Thọ phân tích: "Bằng Tiến sĩ không phải nhằm đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo để cho phép nhà nước cấp kinh phí đi học tại chức lấy bằng Tiến sĩ. Bằng Tiến sĩ là bước cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.
Luận án Tiến sĩ không nhằm nghiên cứu một vấn đề thực tiễn áp dụng ngay cho việc phát triển xã hội, kinh tế như làm sao thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc làm sao một địa phương có thể trồng lúa ba vụ.
Luận án Tiến sĩ phải có tính học thuật (academic), triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả lý luận, kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình.
Quan trọng nhất luận án phải có tính độc sáng (originality), đặt ra được những vấn đề mới, đưa ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới".
Khi Tiến sĩ không có đóng góp về mặt học thuật thì hệ quả tất yếu là những dự án nghiên cứu khoa học cũng có màu sắc những “thương vụ” mỹ miều và sang trọng. Nếu những dự án học thuật cũng tương tự dự án kinh tế, thì làm sao tránh khỏi dấu hiệu tham nhũng xuất hiện? Làm sao ngăn chặn việc chạy học vị như một khởi đầu cho chạy chức, chạy quyền?
Khi các luận án ỡm ờ và các công trình khoa học không ai biết đến mà chỉ mưu cầu tiếng tăm và địa vị, thì cái danh xưng Tiến sĩ giống như một ảo tưởng bị tan vỡ hoặc một quy ước bị hạ thấp.