| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội cho xuất khẩu thủy sản các tháng cuối năm

Thứ Bảy 04/09/2021 , 16:21 (GMT+7)

Các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực như Mỹ, EU, Nhật... đang khôi phục, nhu cầu cao khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, mở ra cơ hội cho thủy sản Việt Nam.

Ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với các đơn vị chức năng của Bộ NN-PTNT và một số công ty, hiệp hội sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, lũy kế đến hết tháng 8 năm 2021, tổng sản lượng thủy sản ước đạt gần 5,7 triệu tấn (tăng 1,4% so với cùng kỳ 2020; bằng 66,2% kế hoạch 2021). Tuy nhiên, sản lượng tháng 8 ước đạt 801,4 nghìn tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ và là tháng giảm đầu tiên trong năm 2021.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021. Ảnh: Tùng Đinh.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng thủy sản cùng vào cuộc với Bộ NN-PTNT để sớm đưa lĩnh vực này hoạt động bình thường trở lại.

Ông Bùi Bá Sự, Phó Tổng giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Việt – Úc nhận định, các thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật đang hồi phục kinh tế rất nhanh sau khi khống chế được dịch bệnh Covid-19, cùng với đó là nhu cầu nhập khẩu thủy sản, cụ thể là tôm cũng tăng cao.

“Nhu cầu tiêu thụ tôm, thủy sản vào giai đoạn cuối năm của các thị trường này là cơ hội để người nuôi và các doanh nghiệp cùng tăng tốc”, ông Bùi Bá Sự khẳng định.

Để hiện thực hóa cơ hội này, đại diện Tập đoàn Việt – Úc đề xuất tiêm vacxin cho người lao động ngành thủy sản. Những người được tiêm từ 1 mũi trở lên sau 14 ngày được phép đi lại, sản xuất bình thường. Theo ông Sự, điều này sẽ giúp các nhà máy sớm khôi phục sản lượng, thông suốt trong cả tiêu thụ lẫn thu mua đầu vào, giúp giá thủy sản tăng, đem lại lợi ích cho nông dân.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vào cuộc, phối hợp để xác định được giá cho từng kích cỡ tôm, từ đó đưa ra khuyến cáo phù hợp cho người nuôi. “Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ tránh được nguy cơ mất cân đối trong cơ cấu nuôi, chế biến các loại sản phẩm, cỡ thì thừa, cỡ lại thiếu”, ông Sự phân tích.

Đại diện Tập đoàn Việt – Úc cũng chia sẻ thêm, mặc dù có nhiều khó khăn trong dịch Covid-19 nhưng đơn vị này vẫn đồng hành với bà con nông dân ngành thủy sản. Bên cạnh việc cung cấp nguồn giống chất lượng cao, các chương trình trợ giá cũng được Việt – Úc triển khai.

Ngành thủy sản cần tận dụng tốt cơ hội cuối năm để đạt mục tiêu xuất khẩu 8,8 tỷ USD. Ảnh: TL.

Ngành thủy sản cần tận dụng tốt cơ hội cuối năm để đạt mục tiêu xuất khẩu 8,8 tỷ USD. Ảnh: TL.

Về tận dụng cơ hội cuối năm để hoàn thành kế hoạch năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết để nuôi tôm tới khi thu hoạch phải mất khoảng 3 tháng, đo đó nếu không khẩn trương thì không còn có cơ hội xuống giống vụ tôm thu hoạch vào cuối năm.

Ông cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ vào cuộc để giải quyết vấn đề thu mua, sản xuất và vận chuyển, không để xảy ra tình trạng nhà máy ngừng hoạt động. “Đứt gãy khâu vận chuyển thì không bán được hàng, không bán được hàng thì kho sẽ đầy, kho đầy thì ao đầy. Chúng ta không được để xảy ra tình trạng này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.

Về sản lượng, mục tiêu cả năm là 8,6 triệu tấn nhưng đến nay mới đạt xấp xỉ 5,7 triệu tấn, còn 2,9 triệu tấn cho 4 tháng cuối năm. Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị của Bộ NN-PTNT phải theo dõi các quy luật tiêu thụ hàng năm để đưa ra được kịch bản sản xuất phù hợp.

“Để đạt được mục tiêu xuất khẩu thủy sản 8,8 tỷ USD, chúng ta cần khắc phục nhanh những khó khăn trước mắt và tận dụng triệt để cơ hội thị trường trong dịp Noel và năm mới sắp tới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.