| Hotline: 0983.970.780

4 áp lực lớn cho ngành thủy sản trong dịch Covid-19 hiện nay

Thứ Bảy 04/09/2021 , 14:33 (GMT+7)

Theo Hiệp hội thủy sản - VASEP, đang có 4 áp lực lớn đối với ngành sản xuất trọng điểm này, xoay quanh các vấn đề lao động, vận tải và chi phí sản xuất.

Ngành thủy sản đang gặp 4 áp lực lớn do Covid-19. Ảnh mang tính minh họa.

Ngành thủy sản đang gặp 4 áp lực lớn do Covid-19. Ảnh mang tính minh họa.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, tại các tỉnh ĐBSCL, có 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến dừng hoạt động. Các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ khoảng 30-40% do thiếu nhân lực lao động rất lớn. Việc thực hiện sản xuất "3 tại chỗ - 3T" đang đẩy chi phí sản xuất của nhà máy tăng, nguy cơ bị chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn.

Cụ thể, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản (VASEP) cho biết, hiện nay ngày thủy sản đang phải đối mặt với 4 áp lực, mà nặng nề nhất là vấn đề lao động. Cụ thể, hiện nay ở các tỉnh phía Nam 70% các nhà máy phải dừng sản xuất do các vấn đề liên quan đến dịch và trong số 30% nhà máy còn lại, lượng công nhân đi làm cũng vào khoảng 20-40%.

"Điều này khiến công suất chế biến bị giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp vừa không có hàng trả đơn, vừa không thu mua được nguyên liệu cho ngư dân và nông dân. Hậu quả tất yếu là giá thủy sản giảm do mất cân đối cung cầu, cụ thể là thừa nguyên liệu", ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Theo đại diện VASEP, để giải quyết vấn đề này, chỉ có cách ưu tiên vacxin cho lực lượng sản xuất trong ngành thủy sản để sớm khôi phục hoạt động, tăng công suất nhà máy và sau đó là tăng giá thu mua.

Ông Nam cho biết, một số địa phương đang làm tốt công tác tiêm vacxin hiện nay là Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Liên quan vấn đề này, cũng có đại biểu nói có địa phương không tiện nêu tên, đến lúc này vẫn chưa tiêm mũi vacxin nào cho công nhân ngành thủy sản.

Áp lực thứ 2 mà ông Nam đề cập đến là từ phía khách hàng, khi bắt đầu giãn cách, thời hạn 2 tuần được các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra với đối tác nước ngoài rất dễ được chấp thuận. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian cách ly liên tục khiến nhiều bạn hàng mất kiên nhẫn.

Vấn đề tiếp theo là các nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đầu vào của ngành thủy sản bị khan hiếm, khó tiếp cận do mỗi địa phương lại có chính sách chống dịch khác nhau, gây khó khăn cho công tác vận chuyển.

Áp lực cuối cùng trong danh sách mà VASEP đưa ra là kinh phí. Theo đó, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả cho lượng nhân công nghỉ dịch, còn với những lao động làm việc theo "3 tại chỗ" thì chi phí tăng 1,5 lần so với bình thường. Điều này khiến giá thành của sản phẩm cũng tăng theo.

Trên cơ sở đó, đại diện VASEP đưa ra 4 kiến nghị với Bộ NN-PTNT, trước hết là Bộ cần tác động đến các địa phương, nhất là khu vực phía Nam để ưu tiên tiêm vacxin mũi 1 cho người làm việc trong ngành thủy sản.

Tiếp theo, VASEP kiến nghị lãnh đạo Bộ NN-PTNT làm việc với các địa phương khi doanh nghiệp trình kế hoạch sản xuất khi việc giãn cách được nới lỏng. Theo ông Nam, việc làm việc chung này sẽ giúp kế hoạch sản xuất được phê duyệt nhanh hơn.

Ngoài tập trung vào sản xuất, chế biến, phía Hiệp hội thủy sản cũng muốn Bộ kiến nghị địa phương mở lại các chợ đầu mối ở các thành phố lớn để thúc đẩy tiêu thụ, tạo điều kiện cho ngư dân, nông dân có động lực trở lại sản xuất.

Bên cạnh đó, các vấn đề về lưu thông, vận tải hàng hóa cũng cần được cải thiện thêm, mặc dù đã có những chuyển biến nhất định.

Sau khi lắng nghe ý kiến của VASEP, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, Bộ NN-PTNT đã làm rất kiên quyết và có văn bản gửi các địa phương về việc tiêm vacxin cho lao động trong ngành nông nghiệp.

"Bộ sẽ tiếp tục làm việc, không để xảy ra tình trạng nhân công thủy sản không được tiêm mũi nào như các đại biểu nêu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Về vận tải, Thứ trưởng cho biết chỉ cần có sự thống nhất giữa các địa phương, đưa ra được phương án quản lý tài xế thì vấn đề sẽ được tháo gỡ. Vấn đề này, ông yêu cầu doanh nghiệp nào còn gặp khó thì báo cáo để Bộ NN-PTNT vào cuộc tháo gỡ.

Ngoài ra, các vấn đề hỗ trợ về vốn, tiền tiện, lãi suất cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn hiện nay Bộ NN-PTNT cũng đã làm việc rất khẩn trương với các đơn vị liên quan. Do đó, ông Phùng Đức Tiến yêu cầu các doanh nghiệp, hiệp hội cần có sự rà soát, trình danh sách cụ thể để Bộ xử lý.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.