Tăng cường tuyên truyền
Để tránh tình trạng tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, thời gian qua, ngành khai thác hải sản tỉnh BR-VT đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ như: Tổ chức tuyên truyền về các chính sách phát triển thủy sản, trong đó có việc ghi nhật ký khai thác thủy sản cho hàng ngàn ngư dân; bắt buộc chủ tàu cá và thuyền trưởng ký cam kết không khai thác thuỷ sản trái phép, hỗ trợ lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát trên nhiều tàu cá...
Hệ thống kè cảng biển của BR-VT giúp tàu thuyền ngư dân neo đậu an toàn khi tránh trú bão |
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh BR-VT Nguyễn Đức Hoàng cho biết: Đến thời điểm này, đã hỗ trợ được khoảng 1.000 tàu cá dài từ 15m trở lên gắn thiết bị GSHT. Trong đó, có 270 tàu được hỗ trợ lắp đặt miễn phí máy Movimar, trị giá 135 triệu đồng/máy. Đây là hệ thống thiết bị GSHT tàu cá bằng công nghệ kết nối vệ tinh, với nhiều ứng dụng, trong đó quan trọng nhất là xác định vị trí, hành trình tàu cá hoạt động trên biển.
Tàu cá được trang bị máy Movimar sẽ nhận được tín hiệu GPS và được định vị 24/24 giờ, mỗi tàu có ăng-ten thu phát và mã số. Hệ thống giám sát trên bờ sẽ thu được hình ảnh hiển thị của tàu trên biển. Nhờ đó, cơ quan quản lý có thể chủ động thông tin liên lạc, kiểm tra và giám sát đối với từng tàu cá có lắp thiết bị để xử lý cứu nạn cứu hộ trên biển kịp thời nếu gặp sự cố.
Các địa phương có lượng tàu đánh bắt xa bờ đông như Long Hải, Phước Tỉnh (huyện Long Điền); Phước Hải, Lộc An (huyện Đất Đỏ); Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); phường Thắng Nhì, phường 11 và 12 (TP.Vũng Tàu) hiện cũng đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp tuyên truyền cho ngư dân và tăng cường công tác hỗ trợ lắp đặt thiết bị quản lý đội tàu đánh bắt. Ông Phạm Tính, Chủ tịch HND xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền chia sẻ: “Chính quyền xã đã tổ chức các cuộc họp tổ dân cư, cung cấp bảng mẫu sổ nhật ký khai thác thủy sản để các chủ tàu cá chủ động cung cấp cho thuyền trưởng thực hiện việc ghi nhật ký khai thác trong từng chuyến biển. Cán bộ phụ trách thuỷ sản cũng nhắc nhở chủ tàu ghi đầy đủ và nộp sổ nhật ký khai thác cho Ban quản lý cảng cá khi tàu cập bến”.
Thực tế, những năm trước đây, việc đánh bắt hải sản của ngư dân BR-VT còn gặp nhiều khó khăn do cửa biển liên tục bị bồi lấp. Từ năm 2010, khu neo đậu tránh trú bão Bình Châu - Bến Lội hoàn thành, việc ra khơi đánh bắt hải sản của bà con ngư dân được thuận lợi hơn, ghe thuyền các địa phương khác vào đây tiếp nhiên liệu, bán hải sản cũng nhiều hơn. Có thời điểm lên đến cả ngàn chiếc tàu đánh cá vãng lai vào neo đậu, tránh trú bão.
|
Công tác kiểm tra tuyên truyền vận động ngư dân thực hiện đánh bắt đúng luật pháp được BR-VT làm tốt |
Ngoài khu neo đậu tránh trú bão Bình Châu - Bến Lội, theo kế hoạch từ nay đến năm 2020 tỉnh BR-VT sẽ cho xây dựng, nâng cấp 5 khu neo đậu tại Cửa sông Dinh - TP Vũng Tàu, Vịnh Bến Đầm - Côn Đảo, sông Cửa Lấp - Long Điền và xã Lộc An - Đất Đỏ với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng. Theo quy hoạch, 5 khu neo đậu có công suất tiếp nhận gần 5 ngàn tàu thuyền với tổng công suất gần 2.000CV. Việc xây dựng khu neo đậu không chỉ đáp ứng nhu cầu neo đậu cho đội tàu khai thác trên địa bàn tỉnh BR-VT, mà còn góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trong mọi hoạt động khai thác hải sản…
Mở ra cơ hội 'xuất ngoại'
Theo Đề án “Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1047/QĐ-TTg vào ngày 17/8/2018 vừa qua. BR-VT là 1 trong 3 tỉnh (gồm Quảng Ngãi, Tiền Giang và BR-VT) được tổ chức mô hình làm điểm đưa doanh nghiệp - ngư dân sang hợp tác khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nuôi trồng thủy sản ở một số quốc gia đã có thỏa thuận hợp tác về nghề cá với Việt Nam.
Đây được xem là cơ hội cho ngư dân tỉnh BR-VT mở rộng mô hình liên kết hợp tác khai thác viễn dương ra các nước có thỏa thuận, hợp tác về nghề cá với Việt Nam. Các đối tượng tham gia hợp tác khai thác viễn dương nằm trong chuỗi liên kết (doanh nghiệp - chủ tàu - ngư dân) do doanh nghiệp chủ trì và được UBND tỉnh chấp thuận, phê duyệt, sẽ được Nhà nước hỗ trợ một lần 100% chi phí nhiên liệu 1 chuyến đi (1 lượt đi) cho các tàu cá xuất bến từ cảng Việt Nam đến vùng biển các nước có hợp tác khai thác; hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% chi phí mua bảo hiểm thuyền viên làm việc trên tàu cá; hỗ trợ một lần 100% thiết bị đầu cuối giám sát hành trình có tích hợp kết nối định vị vệ tinh VMS; miễn thuế nhập khẩu đến hết năm 2020 đối với sản phẩm khai thác từ nước ngoài mang về Việt Nam, từ năm 2021 trở đi sẽ tiếp tục xem xét việc miễn thuế nhập khẩu theo tình hình thực tế; hỗ trợ các vấn đề khác thuộc lĩnh vực quan hệ quốc tế.
Ngư dân phấn khởi sau một chuyến đi biển đầy khoang |
Tỉnh BR-VT cũng nằm trong số 3 địa phương tiên phong đưa DN - ngư dân và phương tiện “xuất ngoại” hợp tác quốc tế phát triển nghề khai thác viễn dương. Đây cũng là cơ hội được mở rộng ngư trường, thay đổi phương thức khai thác, tăng hiệu quả sản xuất của ngư dân… Do vậy, tỉnh BR-VT cũng đang sẵn sàng chủ động hội nhập cho sự nghiệp phát triển nghề cá của địa phương trong thời gian tới.
Việc triển khai Đề án “Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước” sẽ là cơ hội để các DN và nhiều ngư dân của tỉnh BR-VT có đủ điều kiện sẽ góp phần tham gia nghề khai thác viễn dương ở các vùng biển quốc tế. Chủ trương của Chính phủ cũng hướng tới phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân; giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thực hiện đầy đủ cam kết chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); thúc đẩy hội nhập và phát triển hợp tác quốc tế.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đánh bắt hải sản trên biển và quản lý tàu cá được chú trọng; các địa phương trong tỉnh đang tính cực công tác vận động thành lập các tổ, đội đoàn kết trên biển và được bà con ngư dân hưởng ứng.