| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản

Thứ Ba 09/11/2021 , 10:22 (GMT+7)

Thanh long Việt Nam chiếm thị phần áp đảo trên thị trường Nhật Bản và đang có những cơ hội tốt để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Thanh long Việt Nam đang chiếm hơn 80% thị phần ở thị trường Nhật Bản. Ảnh: Minh Sáng.

Thanh long Việt Nam đang chiếm hơn 80% thị phần ở thị trường Nhật Bản. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, quả thanh long là loại quả đang ngày càng trở nên quen thuộc với người dân Nhật Bản.

Thanh long được được Nhật coi là loại quả có nhiều chất dinh dưỡng, giàu chất xơ. Đặc biệt, phụ nữ Nhật thích ăn thanh long vì cho rằng thanh long sẽ giúp làn da đẹp, mịn màng. Người Nhật ăn thanh long theo kiểu làm sa lát, trộn với các loại hạt ngũ cốc…, ngoài ra cũng ăn trực tiếp như các loại hoa quả khác.

Năm 2009 Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu thanh long tươi ruột trắng sang Nhật Bản. Tháng 1/2017, thanh long ruột đỏ của Việt Nam bắt đầu thâm nhập vào thị trường này.

Khi quả thanh long Việt Nam lần đầu được đưa vào Nhật Bản năm 2009, Công ty Yasaka (công ty đầu tiên đưa công nghệ xử lý nhiệt bằng hơi nước nóng vào Việt Nam) chọn đưa loại quả này vào phân khúc quả cao cấp, chỉ bán tại các cửa hàng bách hóa. Khi ấy, quả thanh long từ lúc hái xử lý và đưa lên kệ hàng chỉ trong vòng 3 ngày để giữ độ tươi ngon, nên được vận chuyển bằng đường hàng không.

Những năm gần đây, quả thanh long được nhập khẩu với khối lượng nhiều hơn và đi bằng đường biển, giá cả cũng rẻ hơn và được bán khắp các siêu thị trên toàn Nhật Bản.

Mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu khoảng 2.000 tấn thanh long của Việt Nam. Thanh long Việt Nam hiện chiếm khoảng hơn 80% thị phần thanh long bán tại thị trường Nhật Bản. Điều này cho thấy quả thanh long của Việt Nam đang được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng.

Ông Tạ Đức Minh cho biết, Nhật Bản cũng trồng một số ít thanh long tại các tỉnh như Okinawa, Kagoshima, nhưng sản lượng không nhiều. Thanh long Nhật Bản quả nhỏ, chua và giá đắt. Giá thành thanh long ruột đỏ tại Nhật Bản khoảng 400 - 500 Yên/quả (tương đương 80.000 - 100.000 VND).

Như vậy, có thể thấy, với việc chiếm thị phần áp đảo trong tổng lượng thanh long nhập khẩu, lại vượt trội thanh long Nhật Bản cả về sản lượng, chất lượng và giá cả, thanh long Việt Nam đang có cơ hội lớn để thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường đầy tiềm năng này.

Tại các tỉnh trồng thanh long chủ lực của Việt Nam, cũng đã có những điều kiện quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Những quả thanh long đi qua hệ thống rửa tự động. Ảnh: Minh Sáng.

Những quả thanh long đi qua hệ thống rửa tự động. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Long An, thanh long Châu Thành của Long An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhãn hiệu thanh long Tầm Vu cũng đã được bảo hộ tại 5 quốc gia: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc.

Đặc biệt, đầu tháng 10/2021, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Người tiêu dùng Nhật Bản vốn rất tin tưởng vào các loại nông sản mang chỉ dẫn địa lý được Chính phủ bảo hộ. Chính vì vậy, đây là cơ hội lớn cho thanh long Bình Thuận nói riêng, thanh long Việt Nam nói chung tăng cường xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong những tháng cuối năm nay và những năm tới

Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản là một thị trường rất khó tính, việc đưa thanh long vào nước này còn khó khăn hơn cả vào Mỹ hay Úc.

Do đó, để thanh long Việt Nam mở rộng và tiếp tục đứng vững ở thị trường Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản lưu ý doanh nghiệp và nông dân cần phải thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo quả tươi ngon, giữ được chất lượng, giữ được thương hiệu và giữ được thị trường.

Người tiêu dùng Nhật Bản luôn có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi liên tục về giá bán của sản phẩm nào đó. Vì vậy, các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn mong muốn sự ổn định của giá cả và lượng cung từ phía đối tác Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên chú trọng đầu tư công nghệ, kỹ thuật sau thu hoạch để nghiên cứu nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, hình thức sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu riêng biệt của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Xem thêm
Vùng nuôi ngao 500ha ven biển huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn quốc tế ASC

Nam Định Vùng nuôi ngao 500ha tại các xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được chứng nhận áp dụng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.