Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, ngành Nông nghiệp Bình Thuận và Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tham mưu đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cấp 78 mã số vùng trồng và 268 mã số cơ sở đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, đã đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để người sản xuất và cơ sở đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh được thuận lợi và bền vững.
Tuy nhiên, theo Cục BVTV, thời gian qua đã phát hiện nhiều lô quả tươi của Việt Nam xuất khẩu vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc do bị nhiễm các loài sinh vật gây hại.
Cùng với đó, Chi Cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cho biết, hiện việc sử dụng mã số cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chưa tuân thủ đúng quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói theo quy định. Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và xuất khẩu trái thanh long trên thị trường quốc tế cũng như thị trường Trung Quốc.
Do đó, để việc sản xuất và xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh được bền vững, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận đã yêu cầu Chi cục Trồng trọt và BVTV khẩn trương làm việc với một số cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh để làm rõ việc các cơ sở xuất khẩu thanh long sử dụng mã số của cơ sở đóng gói để xuất khẩu không đúng với tên cơ sở đóng gói mà doanh nghiệp đã đăng ký.
Bên cạnh đó, chấn chỉnh tình trạng các cơ sở đóng gói chưa được cấp mã số nhưng sử dụng mã số của cơ sở đóng gói khác đã được cấp mã số để đóng gói thanh long xuất khẩu, hay việc sử dụng mã số của cơ sở đóng gói không đúng với tên cơ sở đăng ký cấp mã số và việc ghi nhãn hàng hóa để xử lý theo quy định.
Trên cơ sở kết quả làm việc, Chi cục Trồng trọt và BVTV tham mưu, đề xuất cụ thể để Sở NN-PTNT Bình Thuận sớm báo cáo Cục BVTV về việc một số cơ sở đóng gói thanh long tại Bình Thuận sử dụng mã số cơ sở đóng gói đã được cấp không tuân thủ đúng theo quy định.
Ngoài ra, theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình dịch hại tại các vùng trồng thanh long đã được cấp mã số xuất sang Trung Quốc, chú ý các loài rệp gây hại. Trường hợp phát hiện các loài rệp là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tại vườn trồng hoặc tại cơ sở đóng gói được cấp mã số thì bắt buộc xử lý, loại bỏ triệt để khỏi lô hàng trước khi xuất khẩu.
Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp khắc phục các loài sinh vật gây hại đến các tổ chức, cá nhân sản xuất và cơ sở nhà đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện đúng quy định.
Bình Thuận hiện có khoảng 33.750 ha thanh long, với tổng sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn/năm. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của thanh long Bình Thuận.
Sở NN-PTNT Bình Thuận còn yêu cầu Chi cục Trồng trọt và BVTV chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan lập đoàn kiểm tra việc sử dụng mã số cơ sở đóng gói, sử dụng mã vùng trồng đã được cấp; việc ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Sở NN-PTNT Bình Thuận cũng cho biết sẽ tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc ghi nhãn hàng hoá của các cơ sở đóng gói thanh long theo đúng quy định của pháp luật.