| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội thoát nghèo bền vững cho Kỳ Sơn đã đến

Thứ Năm 21/09/2023 , 15:17 (GMT+7)

Mường Lống ẩn hiện dưới lớp màn nhung e ấp, điểm xuyết những vườn đào, mận, những bông lau trắng muốt trong sương mù để hình thành du lịch cộng đồng đầy bản sắc.

Tầm nhìn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên phải) gợi mở cho Kỳ Sơn khát khao lớn lao để đánh thức tiềm năng còn ngủ vùi, câu chuyện 'thoát nghèo' có lẽ không còn xa nữa. Ảnh: Việt Khánh.

Tầm nhìn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên phải) gợi mở cho Kỳ Sơn khát khao lớn lao để đánh thức tiềm năng còn ngủ vùi, câu chuyện “thoát nghèo” có lẽ không còn xa nữa. Ảnh: Việt Khánh.

Thời cơ chín muồi

Kỳ Sơn (Nghệ An) nằm trong số 74 huyện nghèo nhất cả nước giai đoạn 2021-2025. Kỳ Sơn có diện tích tự nhiên 209.484 ha, rộng thứ 2 toàn tỉnh, nơi đây đồi núi bạt ngàn, sông suối dày đặc, địa hình hiểm trở, chia cắt, độ dốc lớn (trên 98% đồi núi dốc, chỉ trên 1% đất bằng). Phía Bắc, Tây, Nam giáp 5 huyện, thuộc 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với 203.409 km đường biên giới, phía Đông giáp huyện Tương Dương.

Toàn huyện có 21 đơn vị hành chính (bao gồm 11 xã biên giới), 191 khối, bản (có 171 bản đặc biệt khó khăn). 94% dân số Kỳ Sơn là người dân tộc thiểu số với số hộ nghèo trên 9.000 hộ, chiếm 54%.

Đồng bào Kỳ Sơn chủ động phát triển nông nghiệp để cải thiện cuộc sống. Ảnh: Lữ Phú.

Đồng bào Kỳ Sơn chủ động phát triển nông nghiệp để cải thiện cuộc sống. Ảnh: Lữ Phú.

Đành rằng kinh tế - xã hội của địa phương đã có bước chuyển mình trong những năm qua, nhưng do xuất phát điểm quá thấp nên tựu chung còn trắc trở muôn phần. Nhìn chung sản xuất nông nghiệp vẫn nặng tính truyền thống, thiếu bền vững. Công tác trồng rừng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn; thu ngân sách trên địa bàn hàng năm quá ít (chỉ khoảng 15 tỷ đồng). Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; thường xuyên phải hứng chịu tác động của thiên tai, lũ ống, lũ quét, lốc xoáy, mưa đá, sạt lở thi nhau “đọa đày” hết lần này lượt khác khiến huyện nghèo mãi không bứt lên được.

Tập trung phát triển du lịch sinh thái và chăn nuôi là 2 hướng đi khả dĩ nhất của Kỳ Sơn. Ảnh: Đào Thọ.

Tập trung phát triển du lịch sinh thái và chăn nuôi là 2 hướng đi khả dĩ nhất của Kỳ Sơn. Ảnh: Đào Thọ.

Bối cảnh ngặt nghèo đã kìm hãm Kỳ Sơn trên nhiều phương diện, đáng lo hơn cả là tâm lý, ý tưởng phát triển dường như bị “bó hẹp” từ chính nội tại. Xuất phát từ thực tiễn trên, chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan được xem là câu trả lời cho bài toán hóc búa, góp phần tiếp thêm động lực, niềm tin để huyện nghèo sẵn sàng vượt vũ môn.

Bài liên quan

“Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở phương án phát huy tính đa dụng của rừng, hướng người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng, mạnh dạn làm du lịch sinh thái. Bộ trưởng rất quan tâm, muốn Kỳ Sơn từ một nơi khó khăn bậc nhất thành mô hình điểm của cả nước, từ đó tạo động lực lan tỏa cho các huyện nghèo trên cả nước bứt phá vươn lên”, ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND Kỳ Sơn tâm đắc.

Lợi thế về du lịch sinh thái và chăn nuôi

Kỳ Sơn nghèo, đời sống của đồng bào còn nhiều khốn khó; thiên tai, bão lũ vẫn chực chờ đe dọa; người dân chưa sống được nhờ rừng… Ở chiều ngược lại, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu riêng biệt để phát triển du lịch sinh thái; ban cho thổ nhưỡng, đất đai màu mỡ để ứng dụng chăn nuôi hàng hóa và sản xuất các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao (lợn đen, gà đen, trâu, bò, dê núi; mận tam hoa, đào, gừng, khoai sọ, bí xanh, ngô rẫy…) đó là những ưu thế lớn nhưng chưa được khai phá đúng cách.

Một khi đảm bảo được đầu ra ổn định, nghề chăn nuôi trâu bò hàng hóa trên đất Kỳ Sơn sẽ 'thăng hoa'. Ảnh: Việt Khánh. 

Một khi đảm bảo được đầu ra ổn định, nghề chăn nuôi trâu bò hàng hóa trên đất Kỳ Sơn sẽ "thăng hoa". Ảnh: Việt Khánh. 

Riêng Mường Lống xứng đáng là miền tiên cảnh, đẹp huyền bí ẩn hiện dưới lớp màn nhung e ấp. Mường Lống hút ánh nhìn với khí hậu đặc trưng hiếm có, bốn mùa se lạnh, điểm xuyết những vườn đào, vườn mận, những bông lau trắng muốt trong sương mù mỏng tanh là điều kiện lý tưởng để hình thành nên những mô hình du lịch cộng đồng đầy bản sắc, hay các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Đặc biệt, khí hậu, thổ nhưỡng vùng này cực kỳ phù hợp để trồng các loại dược liệu quý như sâm bảy lá một hoa, lan thạch hộc, xạ đen, tam thất bắc, đảng sâm, giảo cổ lam…

Hay như Na Ngoi với đỉnh Puxailaileng lừng lững ở độ cao 2.720m so với mực mước biển, được biết đến là đỉnh núi cao nhất phía Bắc Trường Sơn, đồng thời là điểm đến lý tưởng của những thực khách ưa khám phá, trải nghiệm. Càng lên cao nhiệt độ càng giảm sâu, ánh mặt trời hiếm khi ló dạng, nhờ đó đã hình thành nên những cánh rừng sa mu, pơ mu nguyên sinh, màu mỡ cùng hệ thống thảm, thực vật phong phú, đa dạng, mang đậm vẻ đẹp nguyên sơ của đại ngàn.

Kế đó là Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, là điểm giao thương quan trọng, kết nối hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Lào, sức sống vùng biên nhộn nhịp, luôn căng tràn trong từng nhịp đập phần nhiều cũng từ đây mà ra…

Thiên nhiên ưu đãi cho Kỳ Sơn cảnh đẹp nên thơ, rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ảnh: Đào Thọ.

Thiên nhiên ưu đãi cho Kỳ Sơn cảnh đẹp nên thơ, rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ảnh: Đào Thọ.

Tâm tư cùng NNVN, Chủ tịch Nguyễn Hữu Minh thẳng thắn nhìn nhận Kỳ Sơn thuận lợi cũng có mà khó khăn cũng nhiều. Dân số toàn huyện trên 82.000 người, bình quân 17.000 con em thường xuyên xa quê để kiếm kế sinh nhai. Đây là phương án khả dĩ nhất bấy lâu nay, bởi nếu ở lại trong tình trạng không nghề ngỗng tất sẽ kéo theo thực trạng xâm canh và chặt phá rừng trái phép:

“Nhân lực lao động của địa phương rất dồi dào, đồng bào nơi đây vốn dĩ siêng năng, cần cù, chịu khó, chịu khổ, người dân tự tin có thể sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có thể làm ra nhưng mặt hàng, sản phẩm ưng ý nhưng vấn đề cốt lõi là thị trường phải ổn định, muốn làm được doanh nghiệp phải cam kết bao tiêu sản phẩm, phải giữ chữ tín với dân. Giải được bài toán đó Kỳ Sơn sẽ thoát nghèo ngay. Về mặt chủ trương huyện sẵn sàng mở cửa, luôn chào đón doanh nghiệp uy tín vào đầu tư, ngược lại doanh nghiệp phải đồng hành xuyên suốt”.

Chăn nuôi trâu bò hàng hóa sẽ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của Kỳ Sơn. Ảnh: Lữ Phú.

Chăn nuôi trâu bò hàng hóa sẽ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của Kỳ Sơn. Ảnh: Lữ Phú.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Kỳ Sơn bày tỏ quan điểm: Huyện nhà có lợi thế lớn để phát triển dược liệu và chăn nuôi, cần tập trung vào 2 lĩnh vực này để tạo nền móng ổn định dài lâu.

Quả thực, tiềm năng phát triển dược liệu của Kỳ Sơn đã được bảo chứng từ lâu, thể hiện bằng sự nhập cuộc của hàng loạt doanh nghiệp tiềm năng. Tiên phong là Tập đoàn TH với nhiều năm khảo nghiệm tại đỉnh trời Mường Lống, chính quyền các cấp huyện Kỳ Sơn đang kỳ vọng doanh nghiệp này sẽ chứng tỏ tham vọng bằng cách sớm mở rộng quy mô, thay đổi hình thức kinh doanh nhằm khai phá tối đa “mỏ vàng” sẵn có. Tương tự là Tập đoàn Sâm Ngọc Linh với quy mô thí điểm khoảng 40ha, rồi Tập đoàn Thiên Minh Đức cũng đang manh nha khảo sát, tiếp cận…

Hai là chăn nuôi bò gia súc hàng hóa, đặc biệt là nuôi trâu, bò tại Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Lống, Nậm Cắn… nhờ diện tích đồng cỏ mênh mông, trải dài hút tắp, rất phù hợp với phong tục, tập quán chăn thả của đồng bào, đặc biệt là người Mông.

Để tháo gỡ nút thắt “toàn bộ diện tích của Kỳ Sơn bao phủ bởi rừng phòng hộ”, chính quyền địa phương đã chủ động khâu nối với các cấp, ngành liên quan cùng đẩy nhanh chủ trương giao đất giao rừng để người dân trực tiếp quản lý, sở hữu. Khi đó các doanh nghiệp có thực lực, thừa tâm huyết, sẵn ý tưởng đầu tư có thể tiến tới thực hiện phương án thuê lại theo khung thời gian nhất định, áp dụng cách này đảm bảo không chảy máu tài nguyên, đồng thời duy trì lợi ích song hành của chủ đầu tư và đồng bào bản địa.

Có lý do để tin tưởng Kỳ Sơn sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Ảnh: Đào Thọ.

Có lý do để tin tưởng Kỳ Sơn sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Ảnh: Đào Thọ.

Tin rằng với tầm nhìn của mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có cơ sở khi gửi gắm niềm tin vào Kỳ Sơn. Ý tưởng ban đầu là điểm mấu chốt, khi có ý tưởng phù hợp sẽ tiến tới vận động nguồn lực, đầu tư đúng chỗ, đúng thời điểm. Sự nhập cuộc của Bộ NN-PTNT, sự quan tâm của tỉnh Nghệ An mở ra nhiều cơ hội, là động lực lan tỏa thúc đẩy các doanh nghiệp, các cơ quan đoàn thể cùng đồng hành. Ngược lại, bản thân cấp lãnh đạo và nhân dân huyện Kỳ Sơn cũng phải thay đổi theo chiều hướng tích cực, cùng nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu trong xu thế mới.

“Từ ý tưởng chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng tôi đã tổng hợp đầy đủ thông tin cần thiết, cũng như mạnh dạn đưa ra những kiến nghị, đề xuất mang tính trọng tâm gửi Cục Lâm nghiệp làm cơ sở hoàn chỉnh Đề án phát triển. Đây là cơ hội lớn để Kỳ Sơn thoát nghèo bền vững và tạo môi trường phù hợp để phát triển kinh tế xã hội, qua đó từng bước nâng tầm, bảo đảm đời sống cho người dân”, ông Vi Văn Hòe, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.