Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến |
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá: Trong đàm phán Hiệp định CPTPP, chúng ta đã có nhiều cân nhắc và tự tin, bởi cho thấy năng lực của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tiềm năng lớn để nâng cao sức cạnh tranh. Năng lực SX của nền nông nghiệp nước ta vẫn còn rất lớn, không chỉ đảm bảo cả về mặt an ninh lương thực - thực phẩm, mà XK ngày càng tăng mạnh. Những bứt phá mạnh mẽ của nhiều ngành hàng nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế chính là những tiền đề thúc giục chúng ta cần phải gia nhập CPTPP nhằm mở ra không gian lớn hơn cho việc hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế.
Năm 2018, ngành nông nghiệp đã ghi dấu ấn với nhiều chỉ tiêu như XK lần đầu đạt mức kỷ lục khoảng 40,5 tỷ USD, các ngành hàng chủ lực tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc. Đâu là những trở ngại lớn của ngành nông nghiệp cần phải tháo gỡ trong năm 2019 cũng như những năm tới, thưa ông?
Khó khăn dễ thấy là nền nông nghiệp nước ta mặc dù đã đi vào SX hàng hóa, tuy nhiên quy mô vẫn còn nhỏ lẻ. Trong khi đó, yêu cầu của SX nông nghiệp hàng hóa hiện nay là phải theo quy mô và tỉ suất, theo tiêu chí của từng thị trường.
Khó khăn thứ hai, đó là KH-CN trong nông nghiệp nói chung vẫn phát huy hiệu quả chưa cao. Cách đây mấy chục năm, chúng ta đánh giá đóng góp của KH-CN vào giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp khoảng 30%, đến nay cũng chỉ đánh giá đóng góp khoảng 30%, điều này cho thấy đóng góp của KH-CN còn chưa có chuyển biến rõ nét. Thất thoát sau thu hoạch, mấy chục năm nay, vẫn đánh giá chiếm khoảng 12%, chưa thấy chuyển biến. Chế biến trong nông nghiệp vẫn còn rất yếu, hạ tầng kho bãi hạn chế, xuất thô vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong XK. Giống trong nông nghiệp nói chung của Việt Nam những năm qua có thể nói đã có những tiến bộ lớn về KH-CN, tuy nhiên so với các nước tiên tiến trên thế giới thì vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là giống thủy sản...
Ba là cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tuy đã có nhiều và đã được điều chỉnh, tuy nhiên tổng quát thì vẫn chưa tạo được môi trường thuận lợi nhất. Số lượng DN đầu tư vào ngành nông nghiệp đã có những chuyển biến, tuy nhiên sau 5 năm tái cơ cấu ngành, DN đầu tư vào nông nghiệp tăng chưa nhiều, trong đó doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp vẫn mới chiếm khoảng 1%. Bên cạnh đó, đầu tư ngân sách cho nông nghiệp tuy tăng về giá trị tuyệt đối, song vẫn còn chiếm tỉ trọng nhỏ và xu hướng ngày càng giảm (trước đây trên 10%, nay chỉ còn 5 - 6% trong tổng đầu tư ngân sách). Chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nhìn chung vẫn chưa thực sự thuận lợi.
Làn sóng đầu tư của các DN lớn vào ngành chăn nuôi ngày càng nở rộ (trong ảnh, tập đoàn Masan vận hành dây chuyền giết mổ - chế biến thịt lợn quy mô 1,5 triệu con/năm tại Hà Nam) |
Dù sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, chúng ta vẫn có những cơ sở để tự tin ngành chăn nuôi đã sẵn sàng hội nhập, đủ sức vươn ra XK. Trong chăn nuôi, lần đầu tiên đã có Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua, sẽ thực thi vào năm 2020. Đây sẽ là cơ sở nhằm tạo ra nền tảng để các chính sách vĩ mô cho ngành chăn nuôi có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới. |
Về tổ chức SX, đến nay, các ngành kinh tế - kỹ thuật của nông nghiệp gồm lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi đều đã hình thành được các chuỗi SX, nhưng số lượng nhìn chung còn ít và vẫn còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, số lượng HTX chưa nhiều, liên kết giữa DN với HTX và nông dân chưa chặt chẽ. Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động tiêu cực tới SX nông nghiệp...
Chăn nuôi được đánh giá là ngành có nhiều bất lợi khi Việt Nam tham gia CPTPP. Thứ trưởng đánh giá thế nào về cơ hội, khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong những năm tới?
Một trong những điểm tự tin của ngành chăn nuôi hiện nay, đó là chúng ta đã sở hữu trong tay đội ngũ DN lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh. Thời gian qua, đã và đang xuất hiện một làn sóng DN lớn đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt là về chuỗi giết mổ - chế biến sâu. Điển hình như tập đoàn Masan mới đầu tư và khánh thành tổ hợp chế biến với quy mô trên 1,4 triệu con lợn/năm tại Hà Nam với công nghệ tiên tiến hàng đầu châu Âu. Trước đó, Cty TNHH DHS cũng đã khánh thành NM chế biến thịt lợn với quy mô lớn và công nghệ hiện đại ở Nam Định.
Hiện tại, nhiều DN, tập đoàn lớn cũng đang xúc tiến đầu tư vào mảng chế biến của ngành chăn nuôi như C.P, DABACO, GreenFeed, Master Good (Hungary)...
Thủy sản được đánh giá là ngành sẽ có nhiều cơ hội hưởng lợi khi Việt Nam tham gia CPTPP. Ngành nông nghiệp sẽ có các giải pháp nào để tranh thủ được những cơ hội này, thưa Thứ trưởng?
Năm 2018, thủy sản vẫn tiếp tục giữ vững được đà tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là mặt hàng cá da trơn. Hiện nay, nôi trồng thủy sản đã có được thành quả, nhất là về công nghệ nuôi. Tuy nhiên về tổng thể, ngành thủy sản vẫn đang tồn tại những điểm yếu cần phải khắc phục trong giai đoạn tới, trong đó vấn đề hạ tầng cho thủy sản ở ĐBSCL, giống cho thủy sản (tôm, cá tra), cùng với hạ tầng phục vụ cho khai thác, đánh bắt sẽ là những khâu cần phải được tập trung đầu tư. Việc đầu tư cho hạ tầng nghề cá không chỉ là yêu cầu để chuyển sang nghề cá hiện đại, theo chuỗi giá trị cao, mà còn là cách để chúng ta gỡ “thẻ vàng”.
Ảnh: L.B |
Với tầm quan trọng của ngành thủy sản, hiện tại, trong nguồn vốn đầu tư trung hạn của Chính phủ tới năm 2020, cũng đã ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục lớn như các trung tâm hậu cần nghề cá; quản lí tàu cá; giống cho thủy sản... Hiện nay, hoạt động nuôi biển mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán ven bờ, tới đây, sẽ có chủ trương kêu gọi đầu tư để mở rộng nuôi ở biển xa, với định hướng nuôi biển phải cơ cấu lại bên trong, mở ra bên ngoài.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!