| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 08/09/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 08/09/2015

Cơ hội vàng, nhưng…

Truyền thông quốc tế cho hay, hiện tại ở Nhật Bản, có hàng chục ngàn việc làm được đăng tuyển, nhưng không có người nộp hồ sơ.

Đây quả là cơ hội vàng cho lao động Việt Nam, khi mà chỉ 3 tháng đầu năm, theo Bộ LĐ-TB&XH, thì con số thất nghiệp ở ta đã là 1,1 triệu người.

Chiếm tỷ lệ cao nhất trong số thất nghiệp đó là nhóm lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề.

Được sang Nhật làm việc là ước mơ của không ít lao động Việt Nam, bởi mấy cái lợi. Thứ nhất là lương rất cao. Thứ hai là được đảm bảo có việc làm, và thứ ba là rất ổn định.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thì việc Nhật Bản cần lao động là một cơ hội tốt cho Việt Nam, nhưng để được sang đó làm việc, cũng không phải dễ. Không chỉ riêng với Nhật Bản, mà cả với các thị trường lao động khác, như châu Âu chẳng hạn, cũng thế.

Trong khi ta chỉ có cái danh bằng cấp, còn các thị trường đó lại chỉ chấp nhận người lao động có chuyên môn đúng với thứ mà họ cần, như thợ xây phải đúng thợ xây, thợ hàn phải đúng là thợ hàn. Và thứ hai là khả năng ngoại ngữ, đây chính là điểm yếu nhất của lao động ta.

Theo PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) thì sự chuẩn bị của chúng ta cho việc đón cơ hội, tầm nhìn xa là chưa có, tính sẵn sàng để hội nhập của lao động Việt Nam còn hạn chế. Khi có cơ hội thì mới đi chuẩn bị, loay hoay, nên cơ hội dễ dàng vuột qua mất. 

Còn PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cũng có nhận xét: Thực ra Nhật cũng đang dần mở cửa tuyển dụng lao động Việt Nam, cho nên nếu họ có nhu cầu thì đó là cơ hội của chúng ta. Nhưng vấn đề là lao động Việt Nam còn đang khó khăn trong việc đáp ứng những điều kiện, tiêu chí phù hợp với yêu cầu của họ.

Chúng ta có hai loại, một là lao động phổ thông không được đào tạo bằng cấp. Đối tượng lao động này phía Nhật cũng không cần quá nhiều. Hai là lao động có đào tạo bằng cấp nhưng đào tạo theo chuyên môn khác với yêu cầu của họ, hay đúng chuyên môn nhưng mới chỉ trên sách vở, chưa có kỹ năng nhất định. Do vậy mà còn lệch pha.

Một vấn đề nữa là cả hai đối tượng lao động trên đều gặp khó khăn là không biết tiếng Nhật, cho nên dù cơ hội đã đến, nhưng chúng ta không phải đã nắm bắt được ngay. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, thì quy trình đào tạo của chúng ta hiện nay kém, chủ yếu hô hào nâng cao chất lượng đào tạo nhưng không tạo nguồn.

Đáng lẽ phải có dự báo trước ngành nào, nghề nào ở những môi trường lao động nào cần tuyển dụng thì sẽ mở lớp đào tạo để tạo nguồn. Nhưng chúng ta cứ đào tạo tràn lan, nên học sinh ra trường mới thất nghiệp.

Các doanh nghiệp Nhật luôn đánh giá cao lao động Việt Nam ở một số mặt như thật thà, chăm chỉ, cần mẫn. Người Nhật thường chỉ làm việc từ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày, và nghỉ ngày lễ. Nhưng lao động Việt Nam có thể làm việc 10 tiếng mỗi ngày, và làm cả ngày lễ. Nhưng ngoài những đức tính đó ra, chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều thứ như đã nói ở trên. Và cơ hội này cũng là một dịp để chúng ta nhìn nhận lại cách đào tạo của mình.