| Hotline: 0983.970.780

'Có lúng túng nhất định' trong mô hình xuất - nhập khẩu mới ở Lạng Sơn

Thứ Hai 11/07/2022 , 08:05 (GMT+7)

Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) giải thích về việc thu phí cắt container, sử dụng tài xế chuyên trách đối với xe hàng xuất qua Trung Quốc.

Dừng thông quan hơn 1 tháng vì tài xế nhiễm Covid-19

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, một số đơn vị vận tải thường xuyên chở hàng qua Trung Quốc cho rằng, việc cắt container, dùng tài xế chuyên trách đưa hàng qua biên giới gây rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí.

Một doanh nghiệp vận tải ở Lạng Sơn (yêu cầu không nêu tên) cho rằng, việc này khiến chủ hàng, chủ xe tốn kém chi phí. “Tại sao không để tài xế của chúng tôi tự đánh xe sang, cắt container bên đó rồi đưa về. Chúng tôi sẵn sàng chịu chi phí xét nghiệm, bến bãi", đại diện doanh nghiệp nói.

Xe chở hàng hóa ra vào ở bến Tân Thanh, Lạng Sơn. Đa phần các xe nông sản sẽ qua bến này trước khi sang Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Xe chở hàng hóa ra vào ở bến Tân Thanh, Lạng Sơn. Đa phần các xe nông sản sẽ qua bến này trước khi sang Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết: Đầu năm 2022, nhất là sau dịp Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nước ta cũng như Trung Quốc diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất, nhập khẩu của hai nước nói chung, trong đó có tỉnh Lạng Sơn. Trên cơ sở nhận thức chung đạt được sau các cuộc hội đàm giữa Ban quản lý và Thị Bằng Tường, sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo 2 Tỉnh - Khu, hai bên đã thống nhất triển khai phương thức giao nhận hàng hóa xuất - nhập khẩu mới theo mô hình cắt container.

Ông Duy thừa nhận “có lúng túng nhất định” trong việc thực hiện mô hình xuất - nhập khẩu mới. Tuy nhiên, sau khi Lạng Sơn và Bằng Tường có nhiều cuộc họp, sắp xếp lại, việc thông quan cải thiện hơn. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2022, trung bình xuất khẩu khoảng 60 xe/ngày, nhập khẩu khoảng 240 xe/ngày. Tuy nhiên từ thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán 2022, phía Trung Quốc liên tiếp phát hiện các trường hợp lái xe chuyên trách Việt Nam dương tính với Covid-19 nên đã tăng cường công tác phòng, chống dịch, hạn chế hoạt động thông quan hàng hóa.

Đặc biệt trong tháng 3/2022, liên tiếp nhiều ngày không có hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc, hàng hóa nhập khẩu cũng rất ít (trong tháng 3/2022 chỉ xuất khẩu được 27 xe), lượng xe nhập khẩu trung bình chỉ đạt khoảng 70 xe/ngày.

Năng lực thông quan tăng 200%

Cũng theo ông Duy, từ ngày 7/4 năm nay, với việc áp dụng phương thức giao nhận hàng hóa theo hình thức cắt container, năng lực thông quan đã tăng lên khoảng 200% so với thời điểm trước, đạt khoảng  120 - 150 xe/ngày, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 30 - 40 xe/ngày, nhập khẩu đạt khoảng 90 - 110 xe/ngày.

Hiện tại, hiệu suất thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã tăng mạnh, trung bình lượng hàng hóa thông quan đạt khoảng 320 - 350 xe/ngày, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 120 - 130 xe/ngày, nhập khẩu đạt  khoảng 200 - 220 xe/ngày.

Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, do phát hiện lái xe chuyên trách Việt Nam dương tính với Covid-19, phía Trung Quốc đã tạm dừng thông quan hàng hóa xuất - nhập khẩu từ ngày 18/12/2021, đến ngày 25/1/2022 mới khôi phục và từ ngày 26/2/2022 theo mô hình cắt container, theo đó năng lực thông quan đạt khoảng 100 xe/ngày (tăng khoảng 300 - 400% so với trước).

Phủ nhận có "lợi ích nhóm"

Ông Hoàng Khánh Duy cũng cho biết, do yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của hai nước Việt – Trung, chính quyền tỉnh Lạng Sơn và Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã thống nhất thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa mới theo phương thức cắt container.

Nhân viên thực hiện khâu cắt container tại bến xe Tân Thanh, phía Trung Quốc yêu cầu phải dùng tài xế chuyên trách chở hàng qua biên giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhân viên thực hiện khâu cắt container tại bến xe Tân Thanh, phía Trung Quốc yêu cầu phải dùng tài xế chuyên trách chở hàng qua biên giới. Ảnh: Tùng Đinh.

“Phía Bằng Tường đưa ra đề nghị bắt buộc trong việc thực hiện phương thức giao nhận hàng mới, đó là toàn bộ xe đầu kéo của Việt Nam và lái xe chuyên trách phải cố định (xe đầu kéo phải cố định và lái xe chuyên trách phải cố định theo xe đầu kéo đó, trường hợp lái xe đầu kéo đó nghỉ thì xe đầu kéo cũng không được sang Trung Quốc), danh sách xe đầu kéo và lái xe chuyên trách phải cung cấp cho phía Trung Quốc để cùng quản lý; phải tổ chức lựa chọn container có kích thước cố định, thống nhất, theo đó phải có trọng lượng phù hợp với yêu cầu của Hải quan và Biên phòng Trung Quốc”, ông Duy nói.

Để đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý, tạo thuận lợi cho cho hoạt  động thông quan hàng hóa xuất - nhập khẩu qua địa bàn tỉnh, trên cơ sở đánh giá năng lực và các điều kiện cần thiết khác (như Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương, Công ty Cổ phần vận tải Thương mại Bảo Nguyên đã có cơ sở hạ tầng bến bãi tại khu vực cửa khẩu, đang được giao thực hiện quản lý Đội lái xe chuyên trách…), UBND tỉnh đã giao việc thực hiện cắt, nối container tại Cửa khẩu Tân Thanh cho Công ty Cổ phần vận tải thương mại Bảo Nguyên; tại Cửa khẩu Hữu Nghị cho Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương. Quá trình triển khai thực hiện của các doanh nghiệp này được sự quản lý về giá dịch vụ của Sở Tài chính, được các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát trực tiếp.

Các lái xe chuyên trách phải thực hiện quản lý tập trung, khép kín, phải được xét nghiệm Covid-19 định kỳ hàng ngày và phải gửi kết quả cho phía Trung Quốc cùng theo dõi. Quá trình triển khai thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa mới, yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp đầu mối của hai bên trong việc trao đổi thông tin để đẩy nhanh hiệu suất thông quan.

Không để lợi dụng dịch bệnh tăng giá bất hợp lý

Theo Quyết định số 29/2018/QĐ-UBND ngày 28/02/2018 của UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn: Mức giá hỗ trợ giao nhận phương tiện vận tải hàng hóa tại Cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan và Tân Thanh - Pò Chài không thuộc danh mục giá do Nhà nước quy định giá, tuy nhiên đây là giá dịch vụ đặc thù, phát sinh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, mức giá có ảnh hưởng trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh.

Không để tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá bất hợp lý, Sở Tài chính được UBND tỉnh Lạng Sơn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá trên địa bàn đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét, kiểm tra phương án giá dịch vụ do Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương, Công ty Cổ phần vận tải Thương mại Bảo Nguyên đề xuất và có ý kiến bằng văn bản, cụ thể:

- Tại cửa khẩu Tân Thanh: Sở Tài chính đã ban hành Công văn số 430/STC-QLGCS&DN ngày 27/02/2022 về việc thực hiện đơn giá dịch vụ thuê lái xe chuyên trách, giá thuê đầu kéo hàng hóa xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh. Sau khi có văn bản của Sở Tài chính, Công ty Cổ phần Thương mại Bảo Nguyên đã nghiêm túc thực hiện giá thuê lái xe chuyên trách, giá thuê đầu kéo hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh với mức giá dịch vụ là 3.600.000 đồng/lượt xe (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

- Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị: Sở Tài chính đã ban hành Công văn số 783/STC-QLGCS&DN ngày 08/4/2022 về việc thực hiện đơn giá dịch vụ giao nhận xe hàng xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan. Sau khi có văn bản của Sở Tài chính, Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương đã thực hiện giá dịch vụ cụ thể như sau:

+ Giá dịch vụ cắt container (cắt mooc) cần 01 cẩu 50 tấn hỗ trợ: 830.000 đồng/lượt (đã bao gồm thuế giá trị giá tăng).

+ Giá dịch vụ cắt container (cắt mooc) bằng thủ công: 560.000 đồng/lượt (đã bao gồm thuế giá trị giá tăng).

+ Giá dịch vụ vận chuyển xe chuyên trách: 3.000.000 đồng/lượt (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.