| Hotline: 0983.970.780

Có một Khe Sanh không chiến tranh

Thứ Hai 29/04/2024 , 08:45 (GMT+7)

Khe Sanh - Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), vùng đất lửa hứng chịu bom đạn khốc liệt một thời đang hồi sinh bởi khát vọng, bàn tay, khối óc của những con người.

Nguyễn Tâm Quê bên ly cà phê đặc sản Khe Sanh. Ảnh: Kiên Đồng. 

Nguyễn Tâm Quê bên ly cà phê đặc sản Khe Sanh. Ảnh: Kiên Đồng. 

Tỉ mẩn pha một ấm cà phê hệt như cái cách người miền Bắc pha trà mạn rồi nhanh chóng rót ra cốc thủy tinh, Nguyễn Văn Quê chậm rãi nói với tôi, "anh thử thứ cà phê đặc sản trồng trên đất lửa từng đạt danh hiệu ngon nhất Việt Nam này xem có khác biệt gì không?"

Nói rồi lại đọc mấy câu tiếng Anh: Welcome to Khe Sanh, make coffee not war. Bọn em đang cùng với bà con xây dựng thương hiệu cà phê chè Arabica và cà phê mít Liberica riêng có của mảnh đất này. Đó sẽ là tương lai của Khe Sanh, tương lai của Hướng Hóa và cộng đồng người Bru - Vân Kiều bản địa. Một thứ thức uống để thế giới biết đến Khe Sanh không chỉ bởi chiến tranh khốc liệt mà sẽ là một Khe Sanh của cà phê đặc sản, cà phê của núi rừng Trường Sơn.

Tôi đưa cốc cà phê lên miệng. Một cảm giác rất khác so với những cốc cà phê đã từng uống, nó giống với nước trái cây hơn, dịu ngọt nhưng vẫn rất đậm vị và ngọt hậu lưu luyến mãi nơi cổ họng. Lâu nay, cứ nghe nói cà phê chè Arabica ngon nhất hình như ở Cầu Đất (Lâm Đồng) hay mạn miền núi Tây Bắc của tỉnh Sơn La, bây giờ mới biết đến ngôi vương của Arabica được sinh ra trên miền đất lửa đầy nắng, gió và nhiều dư âm của chiến tranh như miền Khe Sanh - Hướng Hóa.

Chuyện những người hồi sinh miền đất lửa

"Rồi sẽ thấy và nhất định thấy. Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo. Một thị trấn yêu kiều qua ngả Làng Vây". Mấy câu thơ của một người Huế, nhà thơ - chiến sĩ Ngô Kha viết vào những ngày tháng Khe Sanh - Hướng Hóa được giải phóng năm 1968 cứ phảng phất theo chúng tôi trên chuyến xe ngược Đường 9 để lên với chốn xa xôi nhất, nhiều khó khăn nhất của miền đất lửa Quảng Trị.

Từ thị trấn Krông Klang của huyện Đakrông đi qua cầu treo Đakrông, biểu tượng của đồng bào và núi rừng trên miền Tây tỉnh Quảng Trị là cả một miền lịch sử. Sân bay Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo, Di tích Chiến thắng Làng Vây, Đồn điền Mụ Rộm… phơi mình với thời gian, đang đón những đợt gió Lào quần thảo vào những ngày đầu hạ.

Giữa trung tâm huyện lỵ Hướng Hóa, tượng đài chiến thắng Khe Sanh sừng sững như biểu tượng anh hùng về một thời lửa đạn. Cách đó không xa lắm, xác những chiếc máy bay, xe tăng chiến đấu, bom đạn được trưng bày ở Làng Vây, ở Bảo tàng chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn… đang ngày ngày kể chuyện cho khách đến tham quan về một trận Điện Biên Phủ thứ hai hay chốn địa ngục trần gian theo cách nói của lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã tham chiến ở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh năm 1968.

Khe Sanh - Hướng Hóa hôm nay. Ảnh: Kiên Đồng. 

Khe Sanh - Hướng Hóa hôm nay. Ảnh: Kiên Đồng. 

Quanh thị trấn là làng bản trùng điệp. Rất nhiều tên xã, tên bản bắt đầu bằng chữ tân: Tân Liên, Tân Lập, Tân Long, Tân Thuận…, những chỉ dấu của một thời phát động phong trào đưa người dưới xuôi lên xây dựng kinh tế mới sau ngày đất nước thống nhất. Cùng nhau vỡ hoang, cùng nhau xây dựng cuộc sống, những bàn tay, khối óc của người dưới xuôi lên đây cùng với đồng bào Pa Kô, Bru - Vân Kiều gầy dựng nên những đồi núi bạt ngàn cà phê, bạt ngàn chuối, bạt ngàn rừng trồng, phủ một màu xanh lên Hướng Hóa.

Cả một vùng đất từng nằm trong số những huyện nghèo nhất cả nước đang vỡ vạc chuyển mình, từng ngày. Nhất là những năm gần đây khi các dự án thuỷ điện, điện gió đi vào hoạt động, Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo được đầu tư đẩy mạnh thông thương đã thành hình hài “đô thị vàng trên đồi Lao Bảo, “thị trấn yêu kiều qua ngả Làng Vây” thêm tấp nập, nhộn nhịp.

Nguyễn Tâm Quê đón tôi từ thị trấn Khe Sanh và lập tức di chuyển thêm một giờ đồng hồ, vượt mấy chục cây số đường rừng lên xã Hướng Phùng. Trên ấy là thủ phủ của người Bru - Vân Kiều, cũng là nơi có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh Quảng Trị.

Giống như phần lớn dân đi kinh tế mới ở Hướng Hóa, Quê là người dưới huyện Triệu Phong. Chỉ mới lên đây gắn bó với cây cà phê độ hơn chục năm, vậy mà bây giờ có nhiều người bảo, nếu để nguyên bộ quần áo lao động thường nhật thì Quê đích thực là một người đồng bào, còn khoác lên trang phục chỉnh tề, tóc tai gọn gàng một chút thôi thì đấy đích thị lại là một chuyên gia đầu ngành về cà phê chứ chả đùa.  

“Giáo sư đầu ngành” vừa đi vừa kể, cây cà phê có mặt trên đất Hướng Hóa vào những năm đầu thế kỷ 20. Một quân nhân người Pháp đồng thời là một nhà sinh vật học tên là Eugene Poilane, khi được điều động đến vùng đất Quảng Trị đã nghiên cứu đất đai, khí hậu và sau đó mở cả một đồn điền cà phê trù phú.

Nhưng chiến tranh và nhiều thăng trầm, sóng gió khác đã từng khiến cà phê Khe Sanh tưởng chừng như chỉ còn là dĩ vãng. Thứ cây “ăn không no” ấy có thể vẫn nằm lẩn khuất đâu đó trên nương rẫy, trong vườn nhà của người dân nhưng bảo chăm sóc, thu hoạch bà con đều lắc đầu. Với người đồng bào, chẳng có bất cứ thứ gì có thể gọi là dài hơi cả. Đang trồng cà phê thấy giá sắn cao lập tức chuyển sang trồng sắn. Gặp giá chuối cao lại nhổ sắn ồ ạt trồng chuối là chuyện xảy ra như cơm bữa.

"Tụi em là những người đầu tiên quyết tâm đưa cà phê Khe Sanh trở thành đặc sản của miền đất lửa Quảng Trị", Quê nói. "Bắt đầu từ năm 2015 và chỉ vỏn vẹn có 6 người, từ cơ duyên quen biết với thầy Lê Trung Hưng, một chuyên gia cà phê và là trưởng đại diện Công ty Inter-Kom S.P.A tại Tp.HCM. Đó là thời điểm mà cà phê Quảng Trị gần như đã biến mất trên bản đồ cà phê Việt Nam. Những gì sót lại của cà phê từ thời Pháp thuộc chỉ còn đâu đó trên rẫy hay trong những khu vườn hoang hóa của đồng bào".

Mang khát vọng lập nghiệp ở mảnh đất này, Nguyễn Tâm Quê nghĩ: Người Pháp từng xây dựng cả một đồn điền cà phê trù phú ở đây chắc phải có nguyên do, chưa kể, năm 1978, Nông trường Cà phê Khe Sanh từng gầy dựng giống cà phê chè Arabica Catimor với diện tích khoảng 5.000ha và để lại cho Hướng Hóa, vậy cớ sao đồng bào lại không thể dựa vào cà phê để khấm khá lên?

Nghĩ là làm, Quê là người đầu tiên liên kết với người dân tái canh, trồng mới các giống cà phê chè, cà phê mít. Vụ đầu tiên thu tận 3 tấn nhân xanh nhưng chỉ bán chưa được 90 triệu đồng. Là bởi, bà con mang cà phê ngâm nước, trộn đất để tăng trọng lượng, họ không quan tâm chuyện thương hiệu, bền vững, chỉ quan tâm làm sao có thể thu được tiền. Quê mang cà phê lên mạng, đi lang thang khắp thị trường Quảng Trị, Tây Nguyên, Hà Nội, Sài Gòn… Ở đâu cũng chỉ nhận lại những cái lắc đầu, thậm chí có không ít người tỏ vẻ ngỡ ngàng khi biết Quảng Trị cũng có cà phê.

Cây cà phê trên miền đất lửa. Ảnh: Kiên Đồng. 

Cây cà phê trên miền đất lửa. Ảnh: Kiên Đồng. 

Cuối cùng, may mắn đến khi Quê gặp thầy Lê Trung Hưng. Một chiến lược phục dựng cà phê Khe Sanh được vạch ra và việc đầu tiên là mở các lớp học. Thay đổi tư duy bà con về giá trị của hạt cà phê trăm năm trên đất Hướng Hóa, về khát vọng xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản của miền đất lửa. Cũng vận động được nhiều người tham gia học tập nhưng cuối cùng chỉ còn sót lại 6 người. Ngoài Quê còn có thêm anh Hoàng Luận, Phan Hồng Phong, Nguyễn Duy Phương và chị Nông Thị Hanh... Chính 6 con người ấy là hạt nhân đưa cà phê Quảng Trị gây tiếng vang, trở thành cà phê ngon nhất Việt Nam mấy năm nay.

"Một hành trình “chảy máu mắt” anh ạ", Nguyễn Duy Phương, Giám đốc HTX nông nghiệp sinh thái Bốn Phương ở thôn Doa Củ, xã Hướng Phùng kể lại. Ngay sau khi kết thúc lớp học thầy Hưng, 6 người bọn họ vào từng thôn bản, đến từng hộ đồng bào đang có cà phê để hiện thực những gì thầy truyền dạy. Cùng bà con chăm sóc, thu hái cà phê, vận động từng người tham gia chuỗi liên kết làm cà phê đặc sản Khe Sanh. Ai cũng gật gù hứa sẽ cùng với học trò thầy Hưng làm cà phê đặc sản. Nhưng đến vụ vào hỏi thì bà con đã thu hái bán xô cho thương lái. Thứ cà phê xô nửa xanh nửa chín, xen lẫn đầy tạp chất, que lá vẫn được bà con chuộng hơn.

Phải mất đúng 2 năm, 6 người trong Nhóm cà phê đặc sản Khe Sanh mới thành công với sản phẩm cà phê không xen lẫn quả xanh với quả chín. Để bắt đầu một cuộc hành trình mới, hành trình mang lại vinh quang cho cà phê đất lửa.

Tinh hoa của đại ngàn Trường Sơn

Ba năm trước, tại cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tổ chức, nhóm cà phê đặc sản của tỉnh Quảng Trị hệt như cô Tấm trong truyện cổ tích đi thử giày vua. Không ai biết đến và cũng không ai nghĩ thứ cà phê nhân nhỏ, cong lại lốm đốm màu trứng cuốc kia dám "cả gan" mang đi dự cuộc thi danh giá nhất về cà phê đặc sản. Nhất là giám khảo cuộc thi ấy lại là những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực cà phê trong nước và quốc tế.

Ấy vậy mà cà phê Quảng Trị đã “gây ra một vụ nổ lớn”. Cà phê Arabica trồng trên đất lửa chễm chệ ở cả hai vị trí cao nhất. Một năm sau, tại cuộc thi Coffees Roasted at the Origin dành cho những nhà sản xuất và chế biến nhỏ trên thế giới do Tổ chức phi chính phủ AVPA (The Agency for the Valorization of Agricultural Products) tổ chức tại thủ đô Paris nước Pháp, cà phê Khe Sanh lại được xướng tên lên nhận giải Bạc.

Cà phê đặc sản Khe Sanh. Ảnh: Kiên Đồng.

Cà phê đặc sản Khe Sanh. Ảnh: Kiên Đồng.

Kể từ thời điểm đó, cà phê đặc sản Khe Sanh luôn là ứng viên nặng ký trong các cuộc thi cà phê đặc sản. Nguyễn Tâm Quê khẳng định: Mặc dù các mẫu sản phẩm dự thi đã được mã hóa bởi một đơn vị độc lập, nhưng chỉ cần nhìn mẫu mã, nếm thử hương vị thì những người sành cà phê có thể nhận ra ngay đó là cà phê đất lửa. Mẫu mã có thể chưa được vừa mắt, màu sắc còn chưa hấp dẫn nhưng bù lại chất lượng khó có nơi nào sánh bằng. Và trong những cuộc thi cà phê đặc sản gần đây, khi chọn ra các sản phẩm trong Top 10 thì số lượng của Nhóm cà phê đặc sản Khe Sanh luôn áp đảo.

Hôm chúng tôi lên xã Hướng Phùng cũng là thời điểm họ vừa mới gửi mẫu dự thi Cà phê đặc sản năm nay. Dù chưa công bố kết quả, nhưng Quê tin tưởng chắc chắn giải năm nay Quảng Trị lại áp đảo. Bởi, qua test mẫu liên tục mấy năm nay đều cho kết quả cà phê Arabica Quảng Trị có dải hương phong phú, với 12 nốt hương, gồm: sô-cô-la, ca-ra-men và nhóm trái cây nhiệt đới như xoài, chanh leo, điều, ổi hồng, mít, dứa, dâu tây, rượu nho, đinh hương, hồng trà.

Đó là kết tinh của miền đất lửa, của đại ngàn Trường Sơn làm cho hậu vị của cà phê Arabica Khe Sanh tỏa hương thơm quyến rũ không nơi nào có được.

Danh tiếng, lẽ tất nhiên mang lại nhiều sự tự hào. Nhưng đích đến của Nhóm cà phê đặc sản Khe Sanh là một câu chuyện khác. Hướng Phùng nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung chủ yếu là người đồng bào Pa Kô, Bru - Vân Kiều, để giúp đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đã thử qua hết các chính sách rồi. Từ trồng sắn, cây ăn quả như mít, chuối, chanh dây đến các loại cây lâm nghiệp nhưng cuối cùng không có gì phù hợp hơn cây cà phê.

Hơn 4 năm qua, Nhóm cà phê đặc sản Khe Sanh thuyết phục bà con bằng trợ giá, bằng hỗ trợ khoa học kỹ thuật, mỗi một cân cà phê thay vì bán xô với giá 7-8 ngàn đồng thì nhóm của Quê bao tiêu mua lại cho bà con với giá 15-18 ngàn đồng.

Nguyễn Tâm Quê tính toán, 1ha cà phê hiện trồng khoảng 4,5-5 nghìn cây giống, tiền bón phân hết chừng 5 tạ, cộng thêm tiền làm đất đầu tư tất cả hết khoảng 50 triệu đồng. Trồng khoảng 2 năm cà phê cho quả bói, năm thứ ba có thể thu hoạch từ 10-12 tấn quả. "Với giá bán hiện nay 1ha thu 100 triệu đồng là chuyện bình thường, suy đi tính lại trên đất lửa này chẳng có cây nào bền vững hơn cà phê anh ạ", Quê tự tin.

Cũng chính nhờ hiệu quả của phép tính đó mà mấy năm gần đây số người Bru - Vân Kiều xin tham gia liên kết với Nhóm cà phê đặc sản Khe Sanh ngày một nhiều thêm. Ngoài diện tích 3ha của gia đình, Quê liên kết với các hộ dân mở rộng thêm diện tích cà phê chè, mở mô hình du lịch trang trại để du khách có thể trải nghiệm quy trình sản xuất, chế biến cà phê.

HTX của anh Nguyễn Duy Phương cũng đã có 9 thành viên liên kết với khoảng hơn 100ha.  Phan Hồng Phong với thương hiệu Pun coffee đã liên kết chặt chẽ phát triển sinh kế bền vững cùng với 95 hộ trong đó có 55 hộ đồng bào thiểu số Bru - Vân Kiều ở thôn Xa Ry xây dựng mô hình đa dạng sinh học tạo tán rừng từ vườn cà phê.

Cộng với Công ty TNHH cà phê Ta Lư - Khe Sanh của Nông Thị Hanh, cà phê nhà vườn Hoàng Luận, một phong trào liên kết cùng nhau xây dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh đang lan tỏa khắp miền rừng Hướng Hóa.

Cây cà phê, tương lai của miền đất lửa. Ảnh: Kiên Đồng. 

Cây cà phê, tương lai của miền đất lửa. Ảnh: Kiên Đồng. 

"Tương lai của vùng đất này sẽ là cà phê", giọng Nguyễn Tâm Quê chắc nịch. Hiện 6 người trong nhóm của Quê cũng đang tích cực tham gia vào các dự án cộng đồng, nhất là khi cà phê trên miền đất lửa đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ KH-CN cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh”. Quảng Trị cũng là 1 trong 8 tỉnh được Bộ NN-PTNT chọn để phát triển cà phê đặc sản theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Và xã Hướng Phùng, cái nôi của cà phê đặc sản Quảng Trị chính là địa phương được chọn để thực hiện với tổng diện tích ổn định khoảng 60ha, sản lượng khoảng 20 tấn. Lại còn nghe thông tin, từ chất lượng cà phê đặc sản Arabica do nhóm cà phê đặc sản cung cấp, có đối tác Nhật Bản đặc biệt thích thú khi phát hiện ra hương hoa anh đào rất quý hiếm có trong cà phê Khe Sanh và cam kết hỗ trợ phát triển cà phê bền vững. Công ty TL Group LLC của Hoa Kỳ ký kết hợp đồng độc quyền phân phối 2 tấn cà phê Arabica Khe Sanh do Công ty TNHH Pun coffee cung cấp…

Chuyện “tương lai” mà Quê nói thực ra đang hiện hữu từng ngày trên miền đất Hướng Hóa. Với diện tích ngày càng được mở rộng, trong đó chú trọng phát triển cà phê mít Liberica, nhóm của Quê đang hiện thực khát vọng lớn hơn là cùng với đồng bào Pa Kô, Bru - Vân Kiều phát triển bền vững.

“Cây cà phê mít rất phù hợp với miền đất Hướng Hóa, không phải chăm sóc, không sử dụng phân bón nước tưới nhiều nên chắc chắn sẽ phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào. Mục tiêu, khát vọng của nhóm bọn em là gắn sản phẩm cà phê với văn hóa bản địa của đồng bào, để mỗi hạt cà phê từ đất Hướng Hóa này đi ra thế giới ngoài hương vị sẽ là câu chuyện của miền đất lửa, của đại ngàn Trường Sơn”, Nguyễn Tâm Quê chia sẻ.  

Bên ly cà phê nói chuyện hòa bình

Trở lại với dự án “Welcome to Khe Sanh, make coffee not war” của Nguyễn Tâm Quê và nhóm cà phê đặc sản Khe Sanh, họ đang cùng nhau đưa cà phê Khe Sanh trở thành thương hiệu mang đến những giá trị ngoài thứ thức uống thông thường. Từ những hợp đồng xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, thương hiệu cà phê đặc sản Khe Sanh còn mở ra các tour du lịch cộng đồng, tour du lịch khám phá miền đất lửa Quảng Trị. Cà phê và chiến tranh, hai thứ tưởng chừng như không liên quan đến nhau nhưng lại được tích hợp trong một thông điệp mang ý nghĩa hòa bình.

Khát vọng bên ly cà phê nói chuyện hòa bình. Ảnh: Kiên Đồng. 

Khát vọng bên ly cà phê nói chuyện hòa bình. Ảnh: Kiên Đồng. 

Quê kể, có rất nhiều du du khách đến Khe Sanh, đến Làng Vây từng là những cựu binh người Mỹ. Họ không khỏi bất ngờ khi chứng kiến miền đất lửa năm xưa thay da đổi thịt vươn mình. Sau khi thăm lại Sân bay Tà Cơn, Khu di tích Khe Sanh, Làng Vây, Đường 9, họ cùng nhau ngồi lại bên ly cà phê đặc sản của miền đất lửa. Kể chuyện chiến tranh để thể hiện khát vọng hòa bình, kể về lịch sử để cùng nhau hàn gắn vết thương quá khứ. Đó chính là thông câu chuyện của hạt cà phê Khe Sanh, cà phê “not war”.

Thông điệp lớn nhất mà những người làm cà phê ở Khe Sanh chính là mong muốn: Bên ly cà phê nói chuyện hòa bình.

Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa do UBND tỉnh Quảng Trị và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Công ty Cổ phần Vũ Media (VRace) là đơn vị tư vấn, vận hành giải chạy.

Giải diễn ra ngày 15 và 16/6/2024 tại thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị với 3 cự ly tranh tài 21km, 10km và 5km. Giải dự kiến thu hút khoảng 3.000 vận động viên tham dự, là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 lần đầu tổ chức tại Quảng Trị.

Link chính thức đăng ký BIB Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa.

Xem thêm
Khai trừ Đảng hiệu trưởng cắt xén khẩu phần ăn của học sinh

LÀO CAI Huyện ủy Bắc Hà thi hành kỷ luật đối với ông Trần Ngọc Hà, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1.

Cần Thơ đề xuất dự án chống ngập, sạt lở bảo vệ gần 2.800ha nội ô

TP Cần Thơ vừa đề xuất Chính phủ đầu tư Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ gần 2.800ha.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Huế tiếp tục hoàn thiện đề án thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu khẩn trương hoàn thành đề án thành phố trực thuộc Trung ương để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định.