Vừa qua, tôi có cơ duyên tham gia đoàn văn nghệ sỹ, nhà báo Xứ Thanh hiện sinh sống và làm việc ở Hà Nội, trở lại vùng đất Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) và trở lại với Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco). Biết được vùng đất này đã và đang chuyển mình.
“Nuôi lan” công nghệ cao
Nơi Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, Nguyễn Xuân Hải và anh Thắng cán bộ Phòng nông nghiệp huyện đưa chúng tôi đến là những “ngôi nhà” trồng lan. Vườn lan hồ điệp trong nhà, mỗi cây một chậu được kê trên kệ xanh mướt.
Lan hồ điệp được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa lan. Giống lan hồ điệp có khoảng 70 loài, trong đó có 44 chủng loại, mọc từ dãy núi Himalaya đến châu Á có hơn 20 loài lan ưa nóng có ở các nước Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, nhu cầu về hoa lan hồ điệp tăng kéo theo sự phát triển của hệ thống sản xuất quy mô công nghiệp. Lasuco đã “vào cuộc”, đầu tư quy mô, bài bản.
Kỹ sư nông nghiệp Lê Huy Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, thành viên của Lasuco, cho biết, Trung tâm có 20 vườn, mỗi vườn rộng 0,8 -1ha, nuôi trồng 20 giống lan khác nhau, mỗi giống một màu. Việc nuôi trồng lan công nghệ cao được Trung tâm triển khai từ năm 2016.
“Như thế nào thì được gọi là công nghệ cao?”, tôi hỏi. “Giống, tức mô là số 1; sau đó đến chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho lan, phân hóa mầm hoa. Mỗi gốc lan, từ khi cấy mầm đến lúc ra hoa phải chuyển gốc đến 3 lần”, kỹ sư Lê Huy Khiêm giải thích. Anh cho biết, nhiệt độ trong mỗi ngôi “nhà lan”, ban ngày phải bảo đảm chỉ 20 độ C, ban đêm từ 18 – 20 độ C. Rêu, cỏ trong các chậu lan đều có nguồn gốc nhập khẩu.
Tìm hiểu, tôi được biết, toàn bộ quá trình chăm sóc đều được “số hóa”. Chị Nguyễn Thị Lý, công nhân của Trung tâm đang tỷ mẩn bên những gốc lan, tâm sự rằng, hoa lan rất quý, nhất là lan hồ điệp, chăm sóc phải rất tỷ mỉ, bông hoa cũng có hồn, vía với đặc điểm riêng, phải rất yêu hoa mới làm được. Chị cho biết, vào làm công nhân ở đây từ năm 2016, lương hàng tháng từ 6,5 – 7 triệu đồng/người.
Kỹ sư Lê Huy Khiêm “bật mí” thì mỗi năm, Trung tâm cung cấp cho thị trường 5 vạn chậu, doanh thu từ lan đạt 10 tỷ đồng/năm. Điều đặc biệt là, sản lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trung tâm đang duy trì phân phối cả bán buôn và bán lẻ. Dẫu vậy, vận chuyển hoa rất khó, khách hàng đều được đội thợ của Trung tâm vận chuyển và cắm các chậu hoa theo nhu cầu của khách hàng. Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên, số cây không ra hoa chỉ 1%.
Xu thế thời AI
Năm 2013, Lasuco dưới sự dẫn dắt của Anh hùng Lao động Lê Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Lasuco đã đưa Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn vào hoạt động. Trung tâm có chức năng hợp tác, liên kết với các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến, thực hiện các đề tài dự án KH&CN, chuyển giao tư vấn thiết kế kỹ thuật mới cho người sản xuất.
Trung tâm có diện tích 124 ha, trong đó, có 33 nhà lưới, nhà màng ứng dụng công nghệ của Israel, trực tiếp sản xuất hoa, rau, củ, quả chất lượng cao. Tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với 5 hợp tác xã ở vùng nhiên liệu mía Thiệu Hóa.
Lê Huy Khiêm cho biết, để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, Trung tâm đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích quy trình canh tác tối ưu, ứng phó với sự thay đổi thời tiết từng khu vực canh tác và cảnh báo cho ban kỹ thuật để điều chỉnh cho phù hợp.
Đứng trong nhà lưới trồng dưa vàng, chỉ tay vào hệ thống châm dinh dưỡng tự động, ông giải thích: “Toàn bộ các thông tin được tích hợp theo thời gian, người quản lý sản xuất tại Trung tâm điều phối hoạt động sản xuất theo thông tin thực tế và đưa ra dự báo. Khâu thu hoạch và vận chuyển cũng sử dụng công nghệ cao, điều phối xe trên bản đồ, không ùn tắc, sai lộ trình hay chậm giờ”.
Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ này đã giúp Trung tâm giải quyết được các khó khăn trong quá trình sản xuất, làm tốt dự báo được sản lượng năm sau để lên kế hoạch phù hợp và quan trọng nhất là giảm chi phí sản xuất.
Theo anh Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thọ Xuân, thì Lasuco hợp tác chặt chẽ với các Viện nghiên cứu, thuê chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhằm làm chủ kỹ thuật, quy trình, tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. “Hệ thông điều khiển, giúp Trung tâm biết được sức khỏe từng gốc dưa, từ đó chỉ định được chế độ tưới, dinh dưỡng thích hợp”, ông cho biết.
Từ ngày ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm không chỉ sản xuất giống mía đường sạch bệnh, chất lượng cao, đáp ứng xây dựng vùng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp chế biến, mà còn sản xuất giống cam không hạt, sạch bệnh... Đồng thời, hằng năm sản xuất được hơn 300 tấn rau quả cao cấp, an toàn như dưa vàng, cà chua cherry, ớt ngọt, các loại rau bảo đảm chất lượng, cung ứng ra thị trường.
Không chỉ bảo đảm sản xuất an toàn, mà hiệu quả thấy rõ. Theo Kỹ sư Khiêm, một héc ta dưa vàng, chỉ cần qua 2 vụ là đã có lãi, và hiện chưa phải lo đến thị trường đầu ra. Với 33 nhà lưới nhưng chỉ cần 43 công nhân với mức lương bình quân đạt 10 triệu người/tháng. Trong các vườn trồng dưa vàng, Trung tâm còn kết hợp nuôi ong lấy mật. Những con ong chăm chỉ trên những bông hoa vàng, cho nhiều cảm xúc về tư duy nông nghiệp xanh, tuần hoàn.
Năm 2023, Trung tâm đã có 10 năm ra đời và phát triển. “Trung tâm chúng em đã tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nghiên cứu khoa học, sản phẩm nông nghiệp an toàn chất lượng cao cung cấp theo nhu cầu của thị trường. Đồng thời, đào tạo nguồn lực chất lượng cao và chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các loại cây trồng như mía đường, cây lương thực, cây hoa, cây dược liệu… ; làm dịch vụ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng”, Giám đốc Lê Huy Khiêm cho biết.
“Những thành quả mà Trung tâm được rất ấn tượng, tạo được vị thế và thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Nguyễn Xuân Hải tự hào.
Trên đường về TP Thanh Hóa, tôi nhớ Anh hùng Lao động Lê Văn Tam. Chính ông đã làm “đánh thức” cả vùng đất phía Tây Thanh Hóa, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động địa phương. Công ty TNHH Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, thành viên mới của Lusaca đang đổi mới từng ngày, trở thành một trong những cơ sở sản xuất hiện đại bậc nhất Việt Nam từ khâu nhân giống, đến trồng trọt và bảo quản... của thời nông nghiệp xanh.