| Hotline: 0983.970.780

Gặp Anh hùng Lao động Lê Văn Tam ở tuổi gần 90

Chủ Nhật 12/02/2023 , 18:03 (GMT+7)

THANH HÓA Tên tuổi của Anh hùng Lao động Lê Văn Tam gắn liền với mảnh đất Lam Sơn - Sao Vàng như một phần máu thịt không thể tách rời.

Từ “đống sắt vụn” trở thành nhà máy hiện đại

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, giọng cụ Lê Văn Tam thều thào, yếu ớt, nhưng làn da vẫn khỏe sắc. Từ Tết năm ngoái đến nay, cụ ít lên Nhà máy đường Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) vì sức khỏe không cho phép.

Trong cuộc trò chuyện, cụ luôn tự hào về người con trai tài năng đang được giao phó trọng trách Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn. Cụ bảo, giờ là lúc yên tâm nghỉ ngơi và giao lại toàn bộ sản nghiệp cho con trai và những cộng sự tin cậy.

Anh hùng lao động Lê Văn Tam. Ảnh: Quốc Toản.

Anh hùng Lao động Lê Văn Tam ở tuổi gần 90 nhưng vẫn rất mẫn tuệ . Ảnh: Quốc Toản.

“Thế hệ trẻ bây giờ mạnh mẽ hơn, giỏi hơn chúng tôi ngày xưa. Từ lãnh đạo cốt cán cho đến anh em quản lý phân xưởng toàn người có trình độ đại học. Cán bộ nhà máy rất chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đóng góp sức lực vì sự phát triển của nhà máy và sự thịnh vượng của vùng đất này”, cụ Tam chia sẻ.

50 năm về trước, vùng đất bán sơn địa Lam Sơn - Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) chả có gì ngoài lau, lách và thiên nhiên trong vắt. Khi mặt trời tắt hẳn, cả vùng đồi núi chìm sâu trong màn đêm tĩnh mịch, khiến người ta có cảm giác heo hút đến vô tận. Nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo hướng “tự cung tự cấp”. Cây mía là thế mạnh của đồng đất này nhưng chỉ được trồng để kéo mật thủ công và bán cho dân quanh vùng.

Không để cho tiềm năng của vùng đất này bị mai một, những năm 70 của thế kỷ XX, Chính phủ đồng ý giao cho Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ NN-PTNT) thực hiện dự án xây dựng một nhà máy đường (công trình trọng điểm quốc gia) với sự giúp đỡ của Chính phủ Pháp về công nghệ và thiết bị.

Công việc xây dựng, lắp đặt thiết bị nhà máy đường thực hiện được khoảng gần 50% tiến độ thì đột ngột bị dừng lại không hiểu lý do gì. Đoàn chuyên gia Pháp lên đường về nước...

khu-cong-nghe-cao-lasuco

Từ bờ vực sụp đổ, Mía đường Lam Sơn đã dựng nên cơ đồ, trở thành hạt nhân, động lực phát triển kinh tế phía tây của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lasuco.

Công trình trọng điểm của Nhà nước đứng trước nguy cơ trở thành đống sắt vụn, ai nấy đều cảm thấy xót xa. Không cam lòng để đống thiết bị “phơi sương”, Bộ chủ quản cùng tỉnh Thanh Hóa đã tìm mọi cách khắc phục khó khăn với quyết tâm phải thực hiện dự án cho bằng được.

“Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm phối hợp với các bộ, ngành, có cả sự “chi viện” Đại học Bách Khoa và các nhà khoa học đầu ngành trong nước thành lập "đội chuyên gia nội" nghiên cứu chế tạo máy móc, thiết bị lắp đặt hoàn chỉnh Nhà máy đường Lam Sơn. Chỉ trong thời gian không lâu, dây chuyền nhà máy được lắp đặt hoàn chỉnh và đi vào hoạt động trơn tru. Công trình trọng điểm Nhà nước vì thế mà được giải cứu…”, cụ Tam kể.

Chưa hết, khó khăn này qua đi, khó khăn khác lập tức kéo đến. Từ năm 1981 đến năm 1986, Nhà máy đường Lam Sơn đứng trước nguy cơ "đắp chiếu" vì nguyên liệu phập phù. Cái khó ở chỗ, những người dân trong vùng quanh năm chỉ quen trồng mía để kéo mật theo kiểu thủ công mà chưa hề được làm quen với máy móc. Họ chỉ mong cái cái ăn cho chật bụng chứ chả tha thiết gì với cây mía.

Bấy giờ, ai cũng nghĩ tới viễn cảnh xây dựng dở dang rồi “đắp chiếu” sẽ gây hậu quả cho sản xuất, nhưng xây dựng hoàn chỉnh mà không sản xuất được hậu quả còn nặng nề gấp nhiều lần.

Khu vực Lam Sơn - Sao Vàng đang trở thành điểm đến thu hút đầu tư. Ảnh: Quốc Toản.

Khu vực Lam Sơn - Sao Vàng đang trở thành điểm đến thu hút đầu tư. Ảnh: Quốc Toản.

Chính trong lúc khó khăn nhất, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định điều động cán bộ Lê Văn Tam, Phó Giám đốc Ty Nông nghiệp Thanh Hóa về làm Giám đốc Nhà máy đường Lam Sơn. Vốn là kỹ sư kinh tế nông nghiệp, lại nhiều năm làm việc trong ngành nông nghiệp tỉnh nhà nên ông Tam am tường về đồng đất quê hương.

“Tôi được giao phụ trách phát triển vùng nguyên liệu mía cho nhà máy. Lúc bấy giờ nguyên liệu được xem là sự sống còn của nhà máy. Cả một vùng đất Lam Sơn rộng lớn nếu khai hoang theo kiểu truyền thống sẽ rất tốn công sức và hiệu quả canh tác không cao. Tôi quyết định ra Trung ương một chuyến để xin kinh phí đầu tư mua máy móc, cùng bà con bản địa khai hoang, vỡ đất, vận động người dân trồng mía, làm nguyên liệu cho nhà máy”, cụ Tam nhớ lại.

Hơn 10 năm (1988 - 1999), Nhà máy đường Lam Sơn đã tạo dựng một vùng nguyên liệu mía hơn 15.000ha ở 4 nông trường quốc doanh, 212 xã của 11 huyện trung du, miền núi Thanh Hóa.

Từ chỗ cây mía như "cây củi khô", năng suất chỉ được khoảng vài chục tấn/ha đã nâng lên 70 - 80 tấn/ha, với hàm lượng đường khá cao, góp phần tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tạo sự gắn kết giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông dân và công nhân nông nghiệp.

z3978012096160_5487d6fb9710087e320bd19afa5c83e6

Cây mía đã làm thay da đổi thịt diện mạo đời sống người dân Lam Sơn - Sao Vàng. Ảnh: TL.

Suốt gần đời người gắn bó với nông dân, cụ Tam đúc rút kinh nghiệm: “Để có nhà máy đường phát triển như hôm nay, cán bộ phải gần dân, sát dân, hiểu được dân. Đặc biệt, nông dân rất khó khăn, nên bằng mọi giá khi thu hoạch mía xong phải trả tiền cho họ để ổn định thu nhập và tiếp tục tái sản xuất. Có làm được như vậy, nông dân mới gắn bó với nhà máy lâu dài”.

Lam Sơn - Sao Vàng trở thành đầu tàu phát triển

Từ năm 1992 đến nay, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (LASUCO) đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Công suất 2 nhà máy đường (1 và 2) đạt 7.000 tấn mía/ngày, làm ra hơn 100.000 tấn đường/năm, chiếm 10% sản lượng đường cả nước. Sản phẩm của Công ty ngày càng đa dạng, chất lượng không ngừng được nâng cao. Từ chỗ Công ty chỉ có 1 sản phẩm là đường thô, đến nay, đã có thêm các loại sản phẩm chính như đường RS, đường RE (tiêu chuẩn EU), đường vàng tinh khiết, cồn xuất khẩu... cùng nhiều sản phẩm khác.

vuon-cay-mia-lasuco-1

Những cánh đồng mía nguyên liệu công nghệ cao, năng suất trên 80 tấn/ha của Nhà máy đường Lam Sơn. Ảnh: Lasuco.

Nói về ngành công nghiệp mía đường nước ta, không thể không nói đến Nhà máy đường Lam Sơn Thanh Hóa. Năm 1999, Nhà máy đường Lam Sơn được Nhà nước trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; năm 2000, cá nhân Giám đốc Lê Văn Tam cũng được phong tặng Anh hùng Lao động.

Hơn 30 năm gắn bó với LASUCO, đến nay, Anh hùng Lao động Lê Văn Tam đã gần 90 tuổi nhưng vẫn rất mẫn tuệ. Ông vẫn là “cố vấn cao cấp” cho Công ty, góp sức cùng bà con vùng trồng mía "thay máu" vùng nguyên liệu; nỗ lực triển khai nhiều dự án mới, đặc biệt chiến dịch "làm mới cây mía, hạt đường" cũng như tiếp tục đầu tư phát triển hơn nữa "Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn" để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch...

Tại đây, có gần 20ha nhà kính công nghệ Israel là nơi trồng dưa vàng, nhân giống các loài hoa lan, cam V2, mía giống chất lượng cao. Tại Trung tâm, khu nhà nuôi cấy mô rộng hơn 5.000m2 hiện là một trong những trung tâm lớn nhất cả nước về nuôi cấy mô, hằng năm cung ứng từ 3 - 5 triệu giống mía sạch cho vùng nguyên liệu mía cả tỉnh. Điều đáng tự hào là các nhà khoa học của Trung tâm đã lai tạo, sản xuất được 4 giống chất lượng cao (LS1, LS2, LS3, LS4) và chính thức được Bộ KH-CN công nhận.

lasuco-dua-hoang-kim

Cùng với mía, Lasuco đang đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Lasuco.

Từ vùng trung du đồi núi, cây mía như "cây củi khô", nhà máy đường như "như đống phế phẩm", đến nay, vùng đất Lam Sơn - Sao Vàng đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện... Sản phẩm của Công ty không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Sau hơn 20 năm cổ phần hóa (2000 - 2022), LASUCO đã trở thành doanh nghiệp lớn mạnh trong ngành với nhiều bước đột phá mới.

Lam Sơn – Sao Vàng nay đã khác. Mảnh đất này không bây giờ không đơn thuần là vùng đất của cây mía đường, của người nông dân một thời lam lũ, mà đang trên đà trở thành khu đô thị hiện đại, văn minh. Quê hương của Anh hùng Dân tộc Lê Lợi đang trở thành điểm đến của các dự án nông, công nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, giúp vùng đất này thay da đổi thịt từng ngày.

Khu nhà kính công nghệ Israel gần 20ha

Khu nhà kính công nghệ Israel gần 20ha của Lasuco là nơi trồng, nhân giống nhiều loài hoa giá trị cao. Ảnh: Lê Bền.

Trong chiến lược phát triển của tỉnh Thanh Hóa, Lam Sơn – Sao Vàng được xem là trung tâm động lực phía Tây trong “Tứ Sơn” (4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh Thanh Hóa), có nhiệm vụ đầu tàu thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị Lam Sơn – Sao Vàng đến năm 2040. Theo đó, thống nhất mở rộng quy hoạch đô thị Lam Sơn – Sao Vàng lên hơn 10,7 nghìn ha. Đô thị Lam Sơn – Sao Vàng trong tương lai sẽ trở thành khu công nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghiệp chế chiến, chế tạo; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu; bổ sung chức năng về dịch vụ hàng không, logistics, trung chuyển và phân phối hàng hóa cấp vùng…

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.