| Hotline: 0983.970.780

Có nên dạy hay học với con?

Thứ Bảy 04/08/2018 , 14:35 (GMT+7)

Hầu hết các bậc phụ huynh có con học tiểu học đều nghĩ rằng cần phải học cùng con vì nếu không thì con sẽ đuối, không theo kịp các bạn. Tuy nhiên, với tư cách là một giảng viên khoa tiểu học, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội không đồng tình với quan điểm này.

Chẳng nhẽ, con đi học là hoàn toàn vô bổ?

Theo TS Hương, đây là cách làm hết sức sai lầm của các bậc phụ huynh thậm chí vô tình tạo ra tính ỉ nại của trẻ. Vì nếu không học trên lớp, tối về vẫn có bố mẹ giảng bài cho. Ngoài ra, TS Hương cũng đặt ra một loạt câu hỏi cho các bậc phụ huynh có quan điểm phải luôn luôn dạy và học cùng con.

15-35-38_hoc
Ảnh minh họa

Cụ thể:

Các bố mẹ nói đuối là đuối so với cái gì? Chương trình tiểu học Việt Nam được thiết kế cho toàn bộ các cháu nhỏ ở trên đất nước từ Lũng Cú đến Đất Mũi, từ miền xuôi đến miền ngược, từ nhà giàu đến nhà nghèo, từ thành phố đến nông thôn… Đã vậy, chương trình tiểu học lại là phổ cập, nghĩa là mục tiêu toàn dân phải theo được, phải học được. Vậy các cháu con các bố mẹ đuối so với mặt bằng chung của toàn dân hay sao? Điều này có xúc phạm con quá hay không?

Các bố mẹ nói không theo kịp là không theo kịp cái gì? Các bạn hầu hết đều đạt 9, 10 (hồi còn chấm điểm) trong khi điểm đạt chuẩn mà chúng ta biết là 5 điểm. Vậy thì tại sao gọi là không theo kịp? Các cháu kém mấy thì kém, đi thi đến giờ điểm thấp nhất vẫn rơi vào 5, 6, 7… Còn điểm 9 và 10 nhiều như cát trên sa mạc.

Liệu các bố mẹ có phải muốn nói về đuối so với điểm 10, không theo kịp điểm 10 hay không? Chương trình tiểu học Việt Nam lặp đi lặp lại suốt những năm tiểu học, rồi cấp 2, cấp 3, đại học và thậm chí sau này. Đặc biệt là lớp 1, các cháu học viết, đọc, tính toán tức là làm việc với bảng chữ cái và bảng số bằng các phép tính đơn giản nhất. Vậy có phải chương trình này sẽ theo các cháu cả đời hay không? Nếu 1 năm lớp 1 học không giỏi thì chẳng nhẽ 20 năm sau các cháu không giỏi khi đã 20 năm ròng làm việc với nó?

Các cha mẹ đưa con đến lớp để làm gì khi tối về vội vàng bắt con mở sách ra, chau mày suy nghĩ rồi giảng lại cho con từng tí một. Chẳng nhẽ, con đi học là hoàn toàn vô bổ, không biết được thêm tí gì nên bố mẹ phải giảng lại? Nếu vậy, sao không cho con ở nhà rồi dạy luôn cho đến trường làm gì cho mất công?

TS Hương phân tích, thực tế nếu cô giao bài nào về con làm cũng được (với sự trợ giúp của bố mẹ) thì cô sẽ nghĩ con vô cùng giỏi giang. Như vậy, làm sao cô biết con kém ở đâu để trợ giúp con? Để hình ảnh con đẹp đẽ trong mắt cô giáo, bố mẹ đã “show” cho cô thấy một đứa trẻ với hiện trạng không đúng như sự thật. Là người trợ giúp con tiến bộ, cô làm sao có thể biết được con thực chất có giỏi giang như vậy hay không để giúp đỡ con? Khi cô giáo thấy con ổn rồi, không để ý theo sát con, bố mẹ lại nghĩ xấu về cô và cảm thấy thiếu tin tưởng. Như vậy, cuộc đua có đem lại điều gì tốt đẹp cho những đứa trẻ?
 

Lưu ban, tại sao không?

“Việc học hành ở lớp nếu các cha mẹ coi nó là cuộc đua thì hãy để cho trẻ tham gia cuộc đua công bằng. Nghĩa là các cháu đều được học như nhau không có sự trợ giúp gì cả. Khi đó nếu con thành công thì mới vẻ vang còn nếu con kém hẳn, tại sao không cho con dừng học 1 năm để con ôn lại toàn bộ kiến thức trước khi con tiếp thu kiến thức mới. Nếu nhà trường không cho con đúp, chuyển trường cho con đến nơi mới. Ở đó các cô giáo sẽ giúp con lần nữa. Học đúp hay chậm lại 1 năm có phải là điều gì đặc biệt tồi tệ như vi phạm pháp luật đâu.

Vì thế, tôi nghĩ nên dũng cảm. Thậm chí với con gái tôi, cũng đã chuẩn bị sẵn tư tưởng là con có thể làm nghề tay chân vất vả nếu nó không thể theo đuổi sự nghiệp học hành. Một nghề nghiệp lương thiện, một nhân cách trong sáng và cuộc sống an lành hạnh phúc là quan trọng nhất”, TS Hương bày tỏ.

Vẫn theo vị chuyên gia này, các bậc phụ huynh cần nghĩ lại. Việc học là việc của con, hãy để con tự học. Khả năng tự học chính là 1 trong những tiêu chí quyết định thành công của mỗi cá nhân. Không có khả năng này, mọi kiến thức con có chỉ gói gọn trong những bài học trường lớp dành cho con. Như vậy, sau khi tốt nghiệp ra trường, con chỉ có đúng từng đó kiến thức. Dần dần, qua năm tháng, con sẽ tụt hậu thật sự, kém cỏi thật sự. Đến lúc đó, các cha mẹ sẽ giúp con thế nào, có còn kịp nữa hay không?

Một số bạn cho rằng: Giảng cho con thì không nhưng cần phải học cùng con và việc đó hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nghệ thuật của từng cha mẹ. Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương không đồng tình với quan điểm này, bà cho rằng “việc học với con là việc hoàn toàn không cần thiết”.

Theo đó, chúng ta cần tách bạch mọi việc. Một đứa trẻ đến lớp cần học hỏi tối đa ở lớp. Nếu các cháu có sẵn 1 người học cùng ở nhà, chắc chắn chúng sẽ không sử dụng toàn bộ công sức để học hỏi tại lớp. Phần vì việc học tập tại nhà với bố mẹ sẽ tốn công sức của con, con sẽ để dành lại chút ít. Phần vì con thấy có cha mẹ ở nhà trợ giúp dù chỉ là học cùng, con sẽ ỉ lại. Như vậy, lúc con cần tập trung toàn lực học tập (là khi ở trường) thì con học lơ mơ, không tập trung. Khi về nhà, con học một cách chán chường sau cả 1 ngày hoạt động mệt mỏi. Vì thế, lúc nào là lúc con thật sự học, lúc nào là lúc con thật sự nghỉ ngơi?

“Với trẻ nhỏ, sau 8h quần quật học tại trường lớp, thời gian ở nhà dành cho nghỉ ngơi là hoàn toàn phù hợp. Với các hoạt động thể thao, giải trí, con sẽ được tiếp năng lượng để hôm sau đến lớp tiếp tục học tập. Còn sau 8h học trên lớp, về nhà lại được “hành xác” tiếp độ 2,3 giờ nữa, con thật sự kiệt sức. Thời gian để não bộ của con nghỉ ngơi và sản sinh ra các tế bào thay thế mới sẽ không có hoặc vô cùng ít. Não hoạt động liên tục chắc chắn mệt mỏi. Như vậy, làm sao con có thể học thật sự tốt cho được. Hơn nữa, áp đặt đủ thứ từ phía cha mẹ thày cô thì con làm sao còn tính sáng tạo?”, TS Hương đặt câu hỏi.

(Kiến thức gia đình số 31)

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.