Ông Hoàng Đức Cường |
Mặc dù chưa có bão lớn, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của bão và ATNĐ kèm theo mưa lớn đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc. Về tổng thể, ông có thể đánh giá diễn biến của mưa bão từ đầu năm đến nay đã ghi nhận những khác biệt nào so với những năm gần đây?
Tổng lượng mưa (TLM) trong tháng 6/2018 tại các tỉnh vùng núi giáp biên giới khu vực Bắc Bộ, khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận, khu vực Bắc Tây Nguyên phổ biến cao hơn từ 20 - 80% so với trung bình nhiều năm.
Đặc biệt trong tháng 7/2018, TLM tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, ven biển Đông Bắc, phía nam Sơn La, Hòa Bình phổ biến từ 400 - 700mm, có nơi trên 1.000mm, cao hơn từ 2 - 4 lần so với TBNN. Trong tháng 7, số ngày mưa trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN, đặc biệt tại các tỉnh ven biển Đông Bắc, phía nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cao hơn TBNN từ 6 - 12 ngày.
Lượng mưa lớn ở nhiều khu vực ở Bắc Bộ khiến lượng dòng chảy trung bình tháng 7/2018 trên các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An và khu vực bắc Tây Nguyên đều cao hơn TBNN từ 40 - 100%, các sông ở Hà Tĩnh cao hơn tới khoảng 160% so với TBNN. Lũ lớn xấp xỉ và vượt BĐ 3 đã xảy ra trên sông Đà tại hồ Sơn La và Hòa Bình, sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ (đỉnh lũ tại Yên Bái và Phú Thọ lớn nhất từ năm 2009 đến nay), sông Hoàng Long tại Bến Đế, sông Bôi tại Lâm Sơn và Tốt Động. Nguồn nước trên sông Đà, sông Gâm và sông Chảy vượt TBNN từ 30 - 70% trong tháng 6 và 8/2018.
Trong nửa đầu tháng 8/2018, lượng dòng chảy trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đều cao hơn từ 10 - 40% so với TBNN, riêng trên sông Mã và hạ lưu sông Cả cao hơn 100%... Ngập úng kéo dài trên diện rộng đã xảy ra tại nhiều khu vực tại đồng bằng Bắc Bộ, sạt lở đất, lũ quét đã xảy nhiều nơi khu vực trung du MNPB.
Vậy từ nay đến cuối năm, nước ta còn có khả năng xuất hiện các cơn bão hay mưa lớn dị thường nữa không, thưa ông?
Các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy, xu hướng tăng của nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4. Theo đó, hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng tiếp tục duy trì trạng thái trung gian từ nay cho tới khoảng tháng 10/2018. Từ tháng 11/2018 đến những tháng đầu năm 2019 sẽ chuyển sang trạng thái El Nino với xác suất trong khoảng 60 - 70%.
Ảnh minh họa |
Theo đó, dự báo từ tháng 9 đến hết năm 2018, số lượng bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 4 - 6 cơn, trong đó có khoảng từ 2 - 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung ở khu vực Trung Bộ. Tuy nhiên những tháng cuối năm 2018, khả năng hoạt động của bão và ATNĐ xuất hiện trên vùng biển phía Nam Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực phía Nam nước ta không nhiều như năm 2016 và 2017.
Ngoài bão và ATNĐ gây mưa lớn, gió mạnh trên biển và đất liền, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác sẽ có khả năng xảy ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt các hiện tượng giông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ, lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, các khu vực có địa hình dốc và thảm thực vật yếu. Ngoài ra, cần đề phòng gió mạnh trên các khu vực ven biển và vùng biển phía Nam Biển Đông từ tháng 9 đến nửa đầu tháng 10/2018 trong thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam và vào những tháng cuối năm 2018 trên các vùng biển khu vực Bắc và Giữa Biển Đông do hoạt động của gió mùa Đông Bắc gây ra.
Ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, mặc dù từ đầu năm đến nay đã ghi nhận lượng mưa lớn bất thường tại nhiều khu vực, tuy nhiên từ tháng 9 đến tháng 12/2018, lượng mưa lại phổ biến ở mức thấp hơn TBNN từ 15 - 30%. Nguồn nước các sông từ tháng 9 - 12/2018 tại các khu vực Tây Bắc, Việt Bắc và Đông Bắc có xu thế nhỏ hơn TBNN từ 10 - 20%. Mùa mưa và lũ chính vụ khu vực Bắc Bộ có khả năng kết thúc sớm hơn so với TBNN. Cảnh báo nguy cơ thiếu hụt mưa trong các tháng chính mùa mưa ở khu vực Trung Bộ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ thời kỳ từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2019 lượng mưa cũng dự báo ở mức thấp hơn TBNN từ 15 - 30%. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn so với TBNN.
Xin cảm ơn ông!