Hồi sinh
Gửi xe tại bến đò nằm trên địa bàn thôn Vinh Quang 2, tôi xuống đò đi Cồn Chim, xóm cù lao nhỏ nằm giữa đầm Thị Nại. Đò không đợi đủ khách, có mấy người cũng đi, nên tôi không phải đợi lâu. Mất khoảng hơn mươi phút tôi đã cập bến Cồn Chim, thế nhưng muốn đến Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại, tôi phải qua 1 lần đò nữa.
Lần này, tôi được ông Huỳnh Trung Tấn (SN 1950), bảo vệ của Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại, đơn vị trực thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, dùng chiếc ghe nhỏ có gắn máy chạy ra đón.
Hôm ấy đầm Thị Nại đầy gió, chiếc ghe nhỏ chòng chành trên lớp sóng, nước tạt cả vào ghe, phủ ướt mẹp chiếc ba lô khiến tôi có chút lo lắng. Thế nhưng, khi trước mắt xuất hiện những vạt rừng ngập mặn xanh mướt dưới bầu trời trong vắt, tôi lập tức quên phắt nỗi lo, mắt đăm đắm dán vào những vạt cây rừng.
Vừa bẻ lái đưa chiếc ghe chạy luồn giữa những vạt rừng ngập mặn ken dày cây đước, cây bần, ông Tấn vừa nói như hét để át tiếng máy ghe nổ bình bình nhằm trấn an tôi: “Ghe chao lắc kệ nó, cậu cứ ngồi yên là an toàn, không sao đâu”. Tôi cười, cũng nói to bắt chuyện với ông Tấn để quên chút lo lắng.
Qua câu chuyện ngắn ngủi trên sóng nước, tôi được biết, sau năm 1975, Cồn Chim bạt ngàn rừng ngập mặn. Thế nhưng sau đó, ngành thủy sản Bình Định phát động phong trào nuôi trồng thủy sản tại Cồn Chim, thế là dân bản xứ chặt phá hết những diện tích rừng ngập mặn để làm ao, hồ nuôi tôm. Hồi ấy, môi trường nguồn nước nuôi chưa ô nhiễm, nuôi đâu thắng đó, ao hồ nuôi tôm ngày càng xuất hiện nhiều nên rừng ngập mặn dần dần “biến” hết.
Theo anh Trương Xuân Đưa, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, người trực tiếp phụ trách Cồn Chim, những năm sau ngày giải phóng, Cồn Chim trống huơ trống hoác, đứng ở đầu này xóm có thể nhìn thấy người đi trên bờ đất bên kia xóm. Năm 2004, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt Dự án “Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý vùng Cồn Chim - Đầm Thị Nại”, năm 2006 dự án triển khai, từ ấy đến nay rừng ngập mặn dần phủ xanh ốc đảo Cồn Chim.
Ban đầu, phong trào trồng rừng ngập mặn ở Cồn Chim được ngành chức năng thực hiện, sau đó lan tỏa rộng rãi khắp vùng đầm Thị Nại. UBND huyện Tuy Phước mua cây giống về cấp cho dân có ao, hồ nuôi tôm trồng 2 bên bờ ao để giữ bờ. Sau khi trên những bờ ao nuôi tôm được trồng cây ngập mặn, chủ ao có thể tiết kiệm mỗi năm mấy chục triệu đồng tiền gia cố bờ ao sau những mùa mưa bão, vậy là hầu hết những hộ nuôi tôm ở Cồn Chim thu hái trái giống của những cây bần chung quanh về tự ươm giống trồng để giữ bờ. Nhờ đó, hệ sinh thái của Cồn Chim dần phục hồi.
“Hiện nay, trong Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại, ngành chức năng đã tổ chức trồng tập trung được 32,7ha rừng ngập mặn, phía nam Cồn Chim chúng tôi trồng thêm được 9,1ha nữa. Ngoài ra, chúng tôi còn trồng được 5ha rừng ngập mặn bên lô 3 và lô 4 để làm sân chim, có chỗ cho lũ chim về trú ngụ, sinh sản. Đó là chưa kể những diện tích rừng ngập mặn được người dân địa phương trồng phân tán chống xói lở bờ ao nuôi thủy sản. Vùng đầm Thị Nại có rừng ngập mặn rộng gần 500ha, UBND tỉnh Bình Định giao cho Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại 95ha, những diện tích bên Cồn Giá được sử dụng để triển khai ứng dụng các mô hình, còn diện tích mặt nước bên ngoài để người dân khai thác kiếm kế sinh nhai bằng những nghề đánh bắt truyền thống, vừa khai thác vừa bảo vệ chứ không theo kiểu tận diệt để phục hồi nguồn lợi thủy sản”, anh Trương Xuân Đưa chia sẻ.
Một thời "3 không"
Chiếc đò máy do ông Huỳnh Trung Tấn cầm lái đưa tôi cùng anh Trương Xuân Đưa và 2 nhân viên khác của Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại len lỏi giữa những vạt rừng ngập mặn xanh mướt. Những cánh rừng già đến gần 20 tuổi đan xen với những vạt rừng non mới khoảng 5 tuổi tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp. Tôi tận hưởng vẻ đẹp của Cồn Chim và hít thở môi trường trong lành mà không thể hình dung ra nỗi cơ khổ của những người đầu tiên bám trụ vùng đất hoang sơ này để hồi sinh những khu rừng ngập mặn.
Theo lời anh Trương Xuân Đưa, khó có thể kể hết những cơ cực của những người công tác ở Ban quản lý, khi ấy còn trực thuộc UBND tỉnh Bình Định chứ chưa sáp nhập vào Trung tâm Khuyến nông như bây giờ. Lúc ấy Cồn Chim còn là vùng đất “3 không”, không bến đò, không điện, không nước. Chưa có bến đò chở khách từ bờ sang Cồn Chim, nên việc di chuyển của anh em công tác ở khu sinh thái khó khăn vô cùng. Chưa có điện, nên ban đêm anh em phải thắp đèn dầu hỏa hoặc đèn măng xông, cơm chiều phải ăn sớm chứ không dám ăn muộn, bởi khó mà nuốt trôi cơm trong khói đèn dầu nghi ngút mà ánh sáng lại leo lét.
Không có nước ngọt càng khốn khổ hơn. Mỗi tuần anh em trong Ban quản lý phải dùng ghe ván chèo qua bên Khe Đá ở xã Nhơn Hội (thành phố Quy Nhơn) mua nước ngọt 1 lần, mỗi lần mua 1 téc chứa khoảng 4 khối. Mua nước chở về đã khổ, gặp lúc nước ròng ghe không cập vào bờ được, anh em phải xả nước ra thùng, xách từng thùng từ ghe lội vào trạm. Sau này, những người có trách nhiệm muốn tiết kiệm sức cho nhân viên mới mua 1 máy bơm mô tơ dùng bình ắc quy 12 vol, khi ghe chở nước về, gắn ống vào téc nước trên ghe rồi bơm vào.
Mỗi lần mua 4 khối nước mà đến 4 - 5 người dùng cả tuần, nên không thể không tiết kiệm nếu không muốn bị đứt nước giữa chừng. Nước ngọt chủ yếu chỉ để uống và nấu ăn, tắm thì tắm nước mặn rồi vào “tráng” qua vài ca nước ngọt cho khỏi rít người. Giặt đồ cũng vậy, giặt bằng nước mặn trước cho sạch bùn đất rồi mới xổ qua 1 lần nước ngọt. Khi ấy, anh em công tác ở Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại sợ khát hơn sợ đói.
“Hồi ấy, ở Cồn Chim người nào khá giả lắm mới sắm được cái ti vi trắng đen xài bình ắc qui 12 vol, hàng đêm cả xóm tập trung đến xem nhờ. Khi ấy anh em ở trạm vất vả lắm, nhưng vẫn cố gắng bám trụ. Đến năm 2016, Cồn Chim mới có nước ngọt và có điện, đến khi ấy đời sống đỡ vất vả hơn”, ông Huỳnh Trung Tấn, người đã có 12 năm làm việc ở đây, tâm sự.
Ông Nguyễn Ngọc Hải (SN 1961), trước đây là Thôn phó thôn Vinh Quang 2 phụ trách xóm Cồn Chim, bộc bạch: Hồi đó, phải tuyên truyền vận động ghê lắm người dân mới đồng thuận tham gia trồng rừng ngập mặn theo hình thức khoán của Ban quản lý. Giống cây do Ban quản lý cung ứng, đại diện người dân ký hợp đồng nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn.
“Khi ấy, tôi đại diện cho những hộ dân xóm Cồn Chim ký hợp đồng nhận khoán với Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - Đầm Thị Nại trồng, chăm sóc, bảo vệ 22,1ha rừng ngập mặn trong thời gian 6 năm. Chế độ theo định suất rừng ngập mặn, công trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được nhận ít ỏi lắm, chỉ 1,2 triệu đồng/ha/năm, thế nhưng ai cũng hồ hởi tham gia vì môi trường chung. Bây giờ, nhìn hệ sinh thái rừng ngập mặn hồi phục, môi trường cảnh quan tươi tốt lên, nguồn lợi thủy sản được tái tạo mạnh mẽ mới thấy việc mình tham gia trồng rừng ngập mặn khi ấy là lựa chọn đúng”, ông Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ