| Hotline: 0983.970.780

Con đường để doanh nghiệp Việt gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Thứ Sáu 28/06/2024 , 07:25 (GMT+7)

Gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của doanh nghiệp. Nhưng sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn nếu có thể chế, chính sách...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp đang cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ...

Tuy nhiên, trong số khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này, chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia; khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai, cấp ba, theo thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương).

Đơn cử, ở lĩnh vực điện tử, mới có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một cho tập đoàn Samsung và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, chỉ có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.

Đề cập đến thực tế "kém vui" này, tại Diễn đàn kinh doanh 2024: “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” chiều 26/6, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam đã có một số chia sẻ về giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo TS. Lê Duy Bình, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã dành nhiều nỗ lực để kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, bước đầu đạt được kết quả khả quan.

Dù vậy, cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu, dư địa gia tăng giá trị còn rất rộng mở. Bởi số lượng doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng cấp một, cấp hai và cấp ba vẫn còn hạn chế.

Ông Bình nhận định, thực tế này cho thấy mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI còn chưa chặt chẽ. Dù các doanh nghiệp cung ứng của Việt Nam cũng thừa nhận, nhiều tập đoàn toàn cầu có mong muốn tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước.

Bởi, đi kèm với cơ hội là thách thức từ những yêu cầu kỹ thuật cao, khắt khe. Trong đó, ngoài các yêu cầu về trình độ công nghệ, quy trình quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng, áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước còn đến từ yêu cầu phải đảm bảo tiến độ và chất lượng giao hàng nghiêm ngặt.

Các doanh nghiệp trong nươc khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải chịu sự giám sát chặt chẽ của người mua, các doanh nghiệp đầu chuỗi hay ở vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng. Trong đó, các doanh nghiệp Việt phải chịu sự đánh giá và kiểm soát thường nhật theo các tiêu chuẩn khắt khe của các công ty đầu chuỗi với những yêu cầu tối ưu hóa quá trình sản xuất, tính theo ngày chứ không phải theo tháng.

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam

Giám đốc điều hành của Economica Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất với các doanh nghiệp Việt là phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình. Đặc biệt, để thúc đẩy điều này, đòi hỏi một môi trường thể chế và kinh doanh thuận lợi; an toàn và thông thoáng để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển...

"Gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp. Nhưng những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều nếu có các hỗ trợ về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh và quy định pháp luật", ông Bình nói.

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho biết, để đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật, và các yêu cầu vể thời gian giao hàng, họ cần được sự hỗ trợ bởi các quy định pháp luật để tạo thuận lợi về nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị, về kiểm tra chuyên ngành; thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, các thủ tục hành chính có liên quan...

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ bởi một hệ sinh thái các tổ chức hỗ trợ khác. Sự hỗ trợ này đến từ cả khu vực công hay tư, như các các cơ quan quy định về hệ thống chất lượng, kiểm định chất lượng, các phòng thí nghiệm, hệ thống các các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt sẽ phải cạch tranh với các công ty khác trong khu vực, thậm chí là toàn cầu, để có thể chen chân vào được và xác lập được vị thế của mình trong chuỗi cung ứng. Vì vậy, môi trường kinh doanh và thể chế cũng phải song hành để hỗ trợ một cách đắc lực nhất cho các doanh nghiệp Việt trước những cơ hội và thách thức.

"Nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày một cao rõ ràng không phải là câu chuyện riêng của cộng đồng doanh nghiệp mà cần có sự hỗ trợ đắc lực về thể chế và quy định pháp luật để chặng đường đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày một ngắn và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt", TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.

Thách thức từ yêu cầu "xanh hóa" và "phát triển bền vững"

Cũng theo ông Bình, thêm một khó khăn hiện nay với các doanh nghiệp là yêu cầu phải "xanh hóa" và "phát triển bền vững".

Trong đó, những người mua, doanh nghiệp nhập khẩu của nước ngoài, đứng trước xu thế chung phát triển chung, sự thay đổi về quy định pháp luật, cũng như áp lực từ người tiêu dùng trong nước đã tạo ra các tiêu chuẩn ngày một cao hơn về sản xuất xanh, buộc các các doanh nghiệp tại các quốc gia khác khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải đẩy nhanh quá trình này một cách mạnh mẽ hơn.

Trên thực tế, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ứng dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị), CSR (trách nhiệm xã hội) với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, hiện không còn là lựa chọn nữa mà đang dần trở thành con đường tất yếu đối với các doanh nghiệp trong nước. 

Đơn cử, khi tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, không những doanh nghiệp Việt phải tuân thủ các quy định của nước sở tại mà còn cần đáp ứng các thông lệ quốc tế - chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của EU hay Quy định Chống phá rừng của EU…

Vì vậy, các quy định về tiêu chuẩn xanh cũng cần được xây dựng nhằm định hướng cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng cần được thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, nâng cao trình độ số hóa, năng lực công nghệ thông tin để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về các tiêu chuẩn ESG của những nhà nhập khẩu từ các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Canada...

Hướng đi để doanh nghiệp Việt gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.  Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

Hướng đi để doanh nghiệp Việt gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.  Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

Theo ông Lê Duy Bình, các doanh nghiệp Việt muốn trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu cần được đào tạo và hỗ trợ, xây dựng năng lực để tuân thủ các quy tắc về ứng xử, quy định và tiêu chuẩn là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần phát triển các công cụ kỹ thuật số để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và thu thập dữ liệu trong chuỗi cung ứng này.

Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các cơ quan nhà nước cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận về hỗ trợ doanh nghiệp, theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể, ưu tiên.

Theo ông Bình, đứng trước yêu cầu mới về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cần trả lại không gian cho thị trường và cho các nguyên tắc của cơ chế thị trường. Các biện pháp mang tính chất bao cấp, hỗ trợ, miễn, giảm đã được thực hiện quá dài cũng phải được “thu lại” hoặc thu hẹp dần về quy mô hay cường độ. Nhờ đó, thị trường sẽ quay trở lại vận hành đúng như quy luật vốn có của nó…

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý, thu lại dần những biện pháp hỗ trợ không có nghĩa là Nhà nước không tiếp tục có những biện pháp kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển. Thay vì các biện pháp hỗ trợ như miễn, giảm, giãn, hoãn trên diện rộng thì nguồn lực từ ngân sách Nhà nước nên để dành nguồn lực cho việc sử dụng để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các doanh nghiệp.

Cụ thể là hỗ trợ cho các tổ chức, thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo hay các doanh nghiệp, các tổ chức trong các hệ sinh thái của các ngành công nghiệp mới trong tương lai như chất bán dẫn, chip, phương tiện vận tải điện, năng lượng sạch, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.

"Các chính sách hỗ trợ có tính chất trọng tâm, trọng điểm như vậy, đặc biệt là giảm bớt hình thức trợ cấp, hỗ trợ sẽ nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vào các lĩnh vực mới mà nền kinh tế thực sự cần…", Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nêu góc nhìn.

Xem thêm
Sầu riêng xuất khẩu qua Lào Cai đạt gần nửa tỷ USD

Sầu riêng đang đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản. Mặt hàng này xuất khẩu qua cửa khẩu ở Lào Cai trong 6 tháng đạt gần nửa tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Nhiều doanh nghiệp đang lấy kinh doanh xanh làm chiến lược, lợi thế

Nhiều doanh nghiệp lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Bất động sản hàng hiệu đang có tiềm năng phát triển rất lớn

Bất động sản hàng hiệu (branded residences) đang có tiềm năng phát triển rất lớn, nhờ 'cú bắt tay' giữa chủ đầu tư Việt Nam với các thương hiệu danh tiếng hàng đầu thế giới.

Bình luận mới nhất