Từ bỏ chăn nuôi tập trung
Tháng 12/2021, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, trong Kế hoạch này, chăn nuôi tập trung không được nhắc tới.
Thay vào đó, quan điểm của UBND tỉnh Đồng Nai trong Kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, là phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; bảo đảm toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng trên cơ sở ứng dụng các khoa học, công nghệ trong sản xuất. Tập trung phát triển những loài vật nuôi chủ lực của tỉnh (heo, gà), đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, nhận thấy chăn nuôi tập trung không khả thi và không còn phù hợp với Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017, tỉnh Đồng Nai đã quyết định bãi bỏ quy hoạch chăn nuôi tập trung trên địa bàn. Trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Đồng Nai vẫn dành không gian để phát triển nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi, nhưng không hình thành những vùng chăn nuôi tập trung như trước đây nữa.
Việc Đồng Nai từ bỏ chăn nuôi tập trung nhận được sự đồng tình của doanh nghiệp, người dân, chủ trang trại trên địa bàn, vì mô hình này không phù hợp trước các nguy cơ dịch bệnh, nên các nước có ngành chăn nuôi phát triển trên thế giới đều không chăn nuôi tập trung.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ, trước sự đe dọa của các loại dịch bệnh hiện có và những dịch bệnh có thể xuất hiện trong tương lai, chủ trương của nhiều nước là không tập trung nhiều trang trại chăn nuôi trên một vùng đất, khu đất.
Trước đây, ở nước Mỹ, nếu người chăn nuôi có một trang trại họ muốn xây bao nhiêu dãy chuồng trại trên đó cũng được. Nhưng 2 năm trở lại đây, để đảm bảo an toàn sinh học, các chủ trang trại ở Mỹ không được phép xây quá 8 dãy chuồng chăn nuôi trong một trang trại.
Cũng chính bởi vấn đề quy hoạch mà điều trớ trêu là trong số 3.006 trang trại chăn nuôi buộc phải di dời theo Quyết định số 296/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt danh sách các cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, có những trang trại đang hoạt động trong khu quy hoạch chăn nuôi tập trung.
Sở dĩ có chuyện này là do những khu quy hoạch chăn nuôi tập trung ấy hiện nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi Theo Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND mà HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành vào ngày 30/7/2021. Trước đây, khi vào khu chăn nuôi tập trung, các trang trại đã đầu tư không ít cho chuồng trại, thiết bị chăn nuôi… Vì vậy, việc buộc phải di dời đang gây ra những khó khăn không nhỏ cho các trang trại này.
Phát triển chăn nuôi theo từng địa phương
Ở Đông Nam Bộ, những năm gần đây, các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi, nhất là các doanh nghiệp FDI, khi đầu tư xây dựng những trại mới, cũng tránh những nơi đang có nhiều trang trại chăn nuôi. Những doanh nghiệp này thường tìm đến vùng sâu, vùng xa, nơi cách xa các trang trại chăn nuôi khác, để xây dựng trang trại.
Không chỉ xây dựng trang trại ở vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp FDI cũng bố trí lại cơ cấu vật nuôi trong từng trang trại nhằm giảm thiểu rủi ro trước dịch bệnh. Cụ thể, các doanh nghiệp này hiện không còn mô hình trang trại nuôi từ con nái đến con thương phẩm. Thay vào đó, tất cả các trang trại trong hệ thống của công ty được thiết kế theo hướng trại này chỉ nuôi heo nái, trại kia chỉ nuôi heo cai sữa, trại khác chỉ nuôi heo thịt.
Đặc biệt, với những trang trại chăn nuôi hướng tới xuất khẩu, việc bố trí trang trại cách xa các trang trại khác là một yêu cầu bắt buộc. Chẳng hạn các trang trại ở Đồng Nai đang nuôi gà để cung cấp sản phẩm cho Công ty TNHH Koyu & Unitek chế biến, xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, bắt buộc phải cách xa khu dân cư và cách xa các trang trại khác tối thiểu 3km.
Với yêu cầu khoảng cách như vậy, các trang trại chăn nuôi hướng tới xuất khẩu không thể nằm trong các khu chăn nuôi tập trung mà phải nằm ở những vùng sâu, vùng xa.
Tại Đông Nai, hiện nay để cấp phép một dự án chăn nuôi mới, từng địa phương sẽ tính toán cụ thể về quỹ đất giành cho chăn nuôi (ở vùng được phép chăn nuôi theo quy định của tỉnh), cộng với mật độ chăn nuôi được phép của huyện để tính ra tổng đàn là bao nhiêu, quy mô thế nào… đối với từng đối tượng vật nuôi, qua đó xây dựng định hướng phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Khi các doanh nghiệp xây dựng dự án chăn nuôi, các sở, ngành, địa phương ở Đồng Nai sẽ ngồi lại với nhau xem vị trí mà doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng chuồng trại có thuộc vùng được phép chăn nuôi, có đảm bảo an toàn sinh học, đảm bảo quy định về môi trường và các quy định khác hay không. Vị trí dự kiến đặt trang trại có đảm bảo khoảng cách tối thiểu với các trang trại hiện có hay không. Nếu đảm bảo tất cả các quy định hiện hành, doanh nghiệp sẽ được cấp phép. Nếu không sẽ không được cấp.
Như vậy, có thể thấy, Đồng Nai hiện không còn phát triển chăn nuôi tập trung nữa mà đi vào phát triển chăn nuôi theo tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường.
Về điều này, ông Nguyễn Trí Công đề xuất cần có cơ chế cho phép chính quyền cấp xã chủ động đề xuất quỹ đất phù hợp cho phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Khi đã chấp nhận cho phát triển chăn nuôi trên quỹ đất đó phải có cơ chế, chính sách đảm bảo cho các trang trại hoạt động ổn định và luôn giữ được khoảng cách an toàn sinh học với các khu dân cư, trang trại khác trong vòng ít nhất 10 hay 20 năm.
Khi hình thành trang trại, cơ sở chăn nuôi, địa phương phải dựa trên mật độ chăn nuôi cho phép của huyện mà có yêu cầu cụ thể với người chăn nuôi về số đầu con trên một đơn vị diện tích để đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh cho chính trang trại, cơ sở chăn nuôi đó. Tránh tính trạng như hiện nay là một trang trại muốn xây bao nhiêu chuồng thì xây, muốn nuôi bao nhiêu con heo hay gà thì nuôi.
Ông Nguyễn Trí Công dẫn chứng, ở nhiều nước hiện nay người ta quy định trên 1 mẫu Anh (tương đương với 4.047m2), nông dân chỉ được phép nuôi 1 con bò. Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi ở từng địa phương cũng cần tính đến lực lượng lao động tại chỗ, để vừa phát triển kinh tế địa phương, vừa thực hiện được an sinh xã hội.
"Đồng Nai hiện không còn định hướng chăn nuôi theo hướng huyện A sẽ nuôi bao nhiêu con gà, bao nhiêu con heo, huyện B nuôi bao nhiêu con.., mà phát triển chăn nuôi ở từng địa phương sẽ phù hợp với thực tiễn của từng địa phương." Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết.