| Hotline: 0983.970.780

Cơn sốt giá lúa và niềm vui của các chuỗi liên kết

Thứ Tư 06/09/2023 , 06:30 (GMT+7)

BẠC LIÊU Giá lúa xuống thấp, thương lái bỏ rơi nông dân. Giờ giá lúa tăng cao, tới lượt nông dân bẻ kèo thương lái. Chỉ có mối liên kết sản xuất là cùng vui, cùng thắng.

Tới lượt nông dân bẻ kèo

Hiện nay, giá lúa tươi đang được thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg (tùy loại). Đây được xem là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay, mang lại niềm vui chưa từng có cho bà con nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL.

Thương lái tranh nhau mua lúa đã góp phần đẩy giá lúa lên cao thời gian qua. Ảnh: Trọng Linh.

Thương lái tranh nhau mua lúa đã góp phần đẩy giá lúa lên cao thời gian qua. Ảnh: Trọng Linh.

Những ngày này tại tỉnh Bạc Liêu, nông dân trồng lúa đang tất bật thu hoạch lúa hè thu chính vụ. Từ đầu xóm đến cuối xóm, đâu đâu cũng nghe bà con nông dân bàn tán, rỉ tai nhau về câu chuyện giá lúa tăng chóng mặt. Giá lúa tăng cao ai cũng vui, nhưng lại xảy ra những câu chuyện không vui vì có những hợp đồng đã bị bẻ kèo với nhau.

Anh Đoàn Văn Khá (ấp Trung Hưng 1A, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) chia sẻ: "Tôi làm ruộng được hơn 40 năm nay nhưng chưa thấy vụ nào giá lúa cao như hiện nay. Mấy ngày qua tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ mấy ông "cò lúa”, có ông đến tận nhà đặt cọc hỏi mua nhưng tôi chưa bán. Hơn 2 tuần trước đó, cũng có thương lái đến tận nhà tôi ngỏ ý đặt cọc với giá 7.000 đồng/kg với giống lúa OM18, nhưng tôi không bán. Sau đó giá lúa đã lên tới 8.000 đồng/kg và tôi đã nhận tiền cọc bán với giá 8.000 đồng/kg".

Anh Khá cho biết thêm, từ khi lúa hè thu gieo sạ mới được khoảng 1 tháng thì “cò lúa” đã đến đặt cọc mua lúa non. Nhưng năm nay anh không lấy tiền cọc trước vì bình thường giá tăng thì thương lái mua rất đúng hẹn, nhưng đến khi rớt giá thì họ để lâu ngày, lúa mất ký gây thiệt thòi cho nông dân.

Việc giá lúa tăng cao đỉnh điểm cũng là rào cản vô hình gây không ít khó khăn cho việc thu mua lúa của nhiều doanh nghiệp và các thương lái mặc dù đã thực hiện các hợp đồng nhận cọc trước đó.

Theo một “cò lúa” tại tỉnh Bạc Liêu, hàng năm khi lúa gieo sạ hơn 1 tháng ông đã xuống tận ruộng để đặt cọc mua lúa với chủ ruộng với giá dao động từ 6.500 - 7.000 đồng/kg với các giống lúa ST, OM18, Đài thơm 8. Số tiền đặt cọc với chủ ruộng trung bình khoảng 300.000 đồng/công. Năm nay khi gần đến ngày thu hoạch, ông nhận được rất nhiều cuộc gọi của bà con cùng một nội dung là sẽ hủy hợp đồng và chấp nhận bồi thường tiền đặt cọc.

Theo nhẩm tính của một thương lái, năm nay cứ 100 hộ nhận cọc thì đã có đến hơn một nửa số hộ đòi hủy hợp đồng và chấp nhận đền tiền cọc. Một số hộ không bẻ kèo là do quen biết, làm ăn lâu năm nên giữ uy tín. Tuy không bẻ kèo nhưng họ vẫn nài xin thêm tiền vì giá lúa hiện tại cao hơn giá lúa lúc đặt cọc khá cao.

Vụ lúa hè thu năm 2023, năng suất tuy không cao nhưng bù lại giá lúa cao, nông dân trồng lúa có lãi từ 20 - 30 triệu đồng/ha. Ảnh: Trọng Linh.

Vụ lúa hè thu năm 2023, năng suất tuy không cao nhưng bù lại giá lúa cao, nông dân trồng lúa có lãi từ 20 - 30 triệu đồng/ha. Ảnh: Trọng Linh.

Nói về câu chuyện hủy hợp đồng, ông Nguyễn Văn H., nông dân ở xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trước khi thu hoạch vụ lúa hè thu, gia đình ông đã nhận tiền đặt cọc của thương lái với mức 300.000 đồng/công, lúa bán với giá 6.500 đồng/kg (giống OM18). Khi giá lúa lên cao, ông H. đã đề nghị với "cò lúa" hủy hợp đồng và chấp nhận đền cọc. “Hiện nay giá lúa thị trường hơn 8.000 đồng/kg, tính nhẩm nếu hủy hợp đồng và đền tiền cọc tôi cũng còn lãi gấp đôi số tiền đền cọc. Dại gì mà không làm”, ông H. nói thẳng.

Nông dân Trần Thị Út (ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A) cũng bộc bạch: Hàng năm, nếu giá lúa tăng thì thương lái thu mua rất đúng hẹn, nhiều lúc hối thúc chủ ruộng cắt sớm hơn. Ngược lại, giá lúa giảm thì không thấy mấy ông "cò lúa" đâu hết. Có khi lúa cắt cả tuần cũng chẳng thấy họ đến thu mua, gia đình phải cử người ngủ ngoài đồng để canh lúa. Thế nên năm nay giá lúa tăng vọt, nông dân cũng bẻ kèo, chấp nhận đền tiền cọc cũng là lẽ thường. 

Chuỗi liên kết cùng vui, cùng thắng lợi

Nhìn từ câu chuyện giá lúa tăng trong thời gian qua mới thấy rõ vai trò của chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

Thành lập năm 2016, là một trong những HTX có quy mô liên kết, bao tiêu lúa cho nông dân có tiếng tại ĐBSCL, HTX Vĩnh Cường (ấp An Thành, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) có 5.000 hộ thành viên, với diện tích hơn 17.000ha. Gần 8 năm tham gia chuỗi liên kết cho các hộ nông dân trong tỉnh Bạc Liêu cũng như các hộ dân ngoài tỉnh như An Giang, TP Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau..., HTX Vĩnh Cường luôn nhận được sự tin tưởng của bà con nông dân.

Vụ hè thu năm 2023, HTX Vĩnh Cường bao tiêu khoảng 30.000ha lúa tại Bạc Liêu, đến nay đã thu hoạch được hơn 3.000ha. Nói về việc giá lúa tăng và chia sẻ lợi nhuận với bà con nông dân, ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT - kiêm Tổng Giám đốc HTX Vĩnh Cường chia sẻ: Nguyên tắc của HTX Vĩnh Cường khi tham gia vào chuỗi liên kết và ký hợp đồng thu mua lúa với bà con nông dân được chia theo tỷ lệ 50 – 50, nghĩa là giá lúa tăng hay giảm gì cũng sẽ "cưa đôi".

Bẻ kèo nghĩa là không trung thực trong làm ăn, cần phải loại bỏ. Ảnh: Trọng Linh.

Bẻ kèo nghĩa là không trung thực trong làm ăn, cần phải loại bỏ. Ảnh: Trọng Linh.

“Vụ lúa hè thu năm nay, giá lúa tăng cao kỷ lục, tôi cùng anh em trong HTX cứ nghĩ là sẽ rất khó thu mua lúa của bà con. Bởi HTX lúc đặt cọc giá chỉ từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, nhưng nay giá thị trường hơn 8.000 đồng/kg, nếu bà con bẻ kèo phải đền cọc vẫn có lời. Tuy nhiên, rất bất ngờ và khá vui là bà con đã không bẻ kèo mà vẫn chấp nhận chia đôi lợi nhuận bán lúa cho HTX”, ông Cường phấn khởi.

Vụ lúa hè thu năm 2023, huyện Phước Long (Bạc Liêu) xuống giống 13.700ha lúa, đến nay đã thu hoạch khoảng 60% diện tích, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha.

Ông Trần Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết: Việc giá lúa tăng cao rất có lợi cho bà con nông dân. Đối với bà con nông dân, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo không nên nhận cọc quá sớm, thường thì chốt cọc 5 ngày trước khi cắt theo giá thị trường, nhờ đó không có chuyện xung đột về giá cả giữa các hộ dân với doanh nghiệp thu mua.

Một doanh nghiệp chia sẻ, việc các hộ dân hủy hợp đồng thu mua lúa sau khi nhận tiền cọc đã gây ảnh hưởng lớn, nhưng chưa có cơ chế pháp lý nào ràng buộc.

Về vấn đề này, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho rằng: Việc liên kết, bao tiêu lúa cho nông dân đã được tỉnh triển khai nhiều năm, rút ra được nhiều bài học để đảm bảo được lợi ích hài hòa giữa các bên. Để đảm bảo được lợi ích hài hòa của các bên, phải cần đến tập thể, cộng đồng.

Đối với thương lái thu mua lúa trực tiếp với nông dân quy mô nhỏ lẻ, sẽ không có tính bền chặt, dễ phá vỡ hợp đồng. Bà công nông dân nên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, cùng mua cùng bán với diện tích lớn hơn, tính liên kết bền vững hơn. Bên cạnh đó, việc tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ giúp bà con nông dân giảm được chi phí đầu vào, đầu ra ổn định.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết thời gian qua, ông nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh về việc nông dân “bẻ kèo”, không đồng ý bán lúa theo đúng hợp đồng cam kết vì giá lúa tăng cao. Tỷ lệ hủy hợp đồng chiếm khoảng 20%, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành hợp đồng xuất khẩu lúa gạo của nhiều doanh nghiệp với đối tác.

Thực trạng này cho thấy cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chặt chẽ hơn nữa. Làm ăn cần phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân. 

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.