| Hotline: 0983.970.780

Liên kết trong sản xuất lúa đang rất dễ bị phá vỡ

Thứ Ba 22/08/2023 , 16:56 (GMT+7)

CÀ MAU Các doanh nghiệp rất khó thu mua lúa, các hợp đồng liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp với HTX và người dân rất dễ bị phá vỡ do giá lúa tăng đột biến.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Thương lái tranh nhau đặt cọc, doanh nghiệp khó mua lúa

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, những biến động về thị trường lúa gạo thế giới thời gian gần đây đã tác động đến sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong nước và xuất khẩu. Đây là thời cơ, cơ hội cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam bứt phá xuất khẩu với giá trị, chất lượng cao, phát triển thương hiệu gạo và mở rộng thị trường. Đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở ĐBSCL nói chung và người dân Cà Mau nói riêng nâng cao thu nhập.

Bên cạnh những cơ hội, nhu cầu gạo xuất khẩu tăng cao cũng kéo những khó khăn cho một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Giá lúa trong nước tăng mạnh khiến một số doanh nghiệp phải chịu lỗ khi phải mua lúa nguyên liệu với giá cao và xuất đi với giá thấp (do đã ký hợp đồng bán gạo trước đó), một số doanh nghiệp rất khó thu mua lúa do tình trạng thương lái nhảy vào đặt cọc, các hợp đồng liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp với HTX và người dân rất dễ bị phá vỡ do giá lúa tăng đột biến.

Thương lái thu mua lúa trên địa bàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Ảnh: Trọng Linh.

Thương lái thu mua lúa trên địa bàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Ảnh: Trọng Linh.

Để thực hiện tốt việc tiêu thụ lúa gạo, đảm bảo cho người dân tăng thu nhập trong vụ hè thu năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương bám sát đồng ruộng, tổ chức sản xuất đúng theo hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch.

Theo dõi, dự báo và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất, đảm bảo mục tiêu 500.000 tấn lúa của Cà Mau trong năm 2023. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

Sản xuất lúa ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Sản xuất lúa ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phan Hoàng Vũ cho biết đối với tỉnh Cà Mau, do điều kiện đặc thù sản xuất phụ thuộc nước mưa nên cơ cấu mùa vụ chỉ có 2 vụ/năm (vụ hè thu và vụ đông xuân). Sau khi kết thúc vụ hè thu 2023, nông dân bắt tay làm đất, chuẩn bị lúa giống, vật tư sản xuất lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 trên nền đất lúa vụ hè thu đảm bảo diện tích 35.000ha theo kế hoạch.

Để đảm bảo thắng lợi cho sản xuất vụ lúa - tôm và vụ lúa đông xuân 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh, Cà Mau sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, độ mặn, mực nước trong vùng ngọt; rà soát, kiểm tra các công trình kênh mương, đê điều, cống đập, trạm bơm…; rà soát lại hệ thống thủy lợi, vận hành hợp lý hệ thống cống ngăn mặn, trạm bơm… Điều tiết hợp lý nguồn nước ngọt dự trữ trong các vùng ngọt để phục vụ sản xuất. Gia cố bờ bao, bờ đê cống, đập, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng ngăn mặn giữ ngọt trong mùa mưa để chủ động sản xuất lúa đạt kết quả.

Giá lúa ở Cà Mau hiện đang tăng cao, doanh nghiệp rất khó thu mua do sự tranh mua của thương lái. Ảnh: Trọng Linh.

Giá lúa ở Cà Mau hiện đang tăng cao, doanh nghiệp rất khó thu mua do sự tranh mua của thương lái. Ảnh: Trọng Linh.

Bên cạnh đó, Cà Mau sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình thủy lợi như nạo vét kênh, duy tu sửa chữa bờ bao, cống, trạm bơm; các công trình bảo vệ bảo vệ bờ biển, khẩn cấp khắc phục sạt lở tại những vị trí xung yếu từ nguồn vốn ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác.

Xuống giống vụ đông xuân 2023 - 2024 sớm hơn 15 - 20 ngày

Trước dự báo El Nino sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024, Cà Mau sẽ củng cố ban chỉ đạo sản xuất ở các địa phương, phân công trách nhiệm cụ thể cho thành viên bám sát địa bàn tập trung chỉ đạo sản xuất. Xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất lúa - tôm, lúa đông xuân ứng phó El Nino, tổ chức sản xuất có kế hoạch theo sự chỉ đạo chung của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn.

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về El Nino tác động đến sản xuất. Theo dõi sát dự báo thời tiết, cảnh báo sớm trước khi xảy ra các yếu tố bất lợi do El Nino cho nông dân để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chủ động ứng phó, phòng chống kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.

Cà Mau chuyển đổi cơ cấu giống lúa dài ngày sang sử dụng giống lúa nhóm A ngắn ngày trong vụ đông xuân 2023 - 2024 nhằm né ảnh hưởng El Nino.  Ảnh: Trọng Linh.

Cà Mau chuyển đổi cơ cấu giống lúa dài ngày sang sử dụng giống lúa nhóm A ngắn ngày trong vụ đông xuân 2023 - 2024 nhằm né ảnh hưởng El Nino.  Ảnh: Trọng Linh.

Ngành nông nghiệp Cà Mau cũng xây dựng lịch thời vụ sản xuất và cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng địa bàn cụ thể, bố trí lịch thời vụ xuống giống vụ đông xuân 2023 - 2024 sớm hơn hàng năm từ 15 - 20 ngày, kịp thời điều chỉnh lịch thời vụ một cách hợp lý, linh hoạt khi có diễn biến thời tiết bất lợi, chuyển đổi cơ cấu giống lúa dài ngày (Một bụi đỏ) sang sử dụng giống lúa nhóm A ngắn ngày, hạn chế thiệt hại vào cuối vụ do El Nino.  

Song song đó, khuyến cáo và hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý và sử dụng nguồn nước tiết kiệm. Áp dụng các biện pháp canh tác bền vững như "3 giảm, 3 tăng", "1 phải 5 giảm", canh tác sinh thái, hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), qua đó tăng cường sức đề kháng cho cây trồng và giảm tác động của El Nino. Tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời để bảo vệ tốt các trà lúa, đảm bảo năng suất, sản lượng.

Chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao

Giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh Cà Mau chú trọng phát triển giống lúa chất lượng cao, đảm bảo sử dụng 90% giống lúa cấp xác nhận. Theo đó, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh khảo sát, xác định nhu cầu lúa giống cho từng vụ, từng loại giống và chủ động liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác có đủ điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực để tổ chức sản xuất lúa giống cung cấp cho các vùng sản xuất.

Đến năm 2025, liên kết sản sản giống trên diện tích khoảng 650ha, cung cấp sản lượng khoảng 2.250 tấn lúa giống và đến năm 2030 nâng diện tích liên kết sản xuất lúa giống đạt khoảng 1.200ha, cung cấp sản lượng khoảng 4.500 tấn lúa giống.

(ghi)

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.