| Hotline: 0983.970.780

Chuyến xe sầu riêng đầu tiên thông cửa khẩu: Sự kiện gây chú ý ở Bằng Tường

Thứ Hai 19/09/2022 , 14:12 (GMT+7)

Hai chiếc xe container chở khoảng 40 tấn sầu riêng Việt Nam lần đầu đường hoàng vào thị trường Trung Quốc lúc 10h ngày 19/9, qua cửa khẩu Hữu Nghị.

Chiến lược dài hơi

“Giây phút này rất trọng đại với doanh nghiệp chúng tôi, đây là lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam sẽ được phân phối đến người tiêu dùng Trung Quốc qua con đường chính ngạch. Với cá nhân tôi, điều này thực sự là vinh dự vô cùng. Giây phút này, tôi xin được cảm ơn Bộ NN-PTNT Việt Nam, lãnh đạo các địa phương và nông dân Việt Nam”, ông Lâm Long Đức, Tổng Giám đốc Công ty TNHH chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải (Tô Châu, Trung Quốc), cho biết.

trung

Cán bộ hải quan và Kiểm dịch thực vật kiểm tra lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc. Việc kiểm tra diễn ra tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Văn Việt.

Trước đó, lô hàng sầu riêng được các cơ quan như Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, đóng tại Lạng Sơn, Cục hải quan Lạng Sơn, kiểm tra kỹ lưỡng.

Tại cửa khẩu Hữu Nghị, ông Lâm bày tỏ sự “xúc động, tự hào” khi được đại diện cho đơn vị đầu tiên của Trung Quốc phân phối sầu riêng ở thị trường 1,4 tỷ dân.

Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, đơn vị xuất khẩu, cho biết họ cũng hồi hộp tới mức “không thốt nên lời”.

Có mặt tại cửa khẩu Hữu Nghị, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết: “Việc xuất khẩu sầu riêng không phải là chuyện đưa đi được một hay hai lô hàng, mà là chiến lược dài hơi. Điều này nằm trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp”.

Ông Trung yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam cần gắn kết chặt chẽ với nông dân, cơ quan quản lý Nhà nước, để duy trì việc xuất khẩu “thực sự bền vững”, từ vùng trồng cho tới cơ sở đóng gói, vận chuyển.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhắc nhở các đơn vị liên quan rằng đây là “kết quả đáng mừng”, song phía trước còn rất nhiều việc phải làm.

“Sau thời gian nỗ lực, của các đơn vị liên quan và cơ quan kiểm dịch hai nước, Trung Quốc phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng. Đây chỉ là thành quả bước đầu, để duy trì kết quả này thì phải phối hợp chặt chẽ với vùng trồng, bảo đảm rằng, việc thu mua chỉ được phép diễn ra tại các cơ sở đã được phía Trung Quốc phê duyệt”, ông Trung nói.

Thứ hai, rằng các doanh nghiệp cùng bắt tay nhau, có sự đồng thuận trong xuất khẩu, cả doanh nghiệp với người trồng sầu riêng, gắn kết chặt chẽ từ nơi trồng cho đến khâu xuất khẩu sầu riêng.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: Bất cứ khi nào phát hiện sự gian dối, doanh nghiệp làm ăn bất chính sẽ bị cấm vĩnh viễn việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: Bất cứ khi nào phát hiện sự gian dối, doanh nghiệp làm ăn bất chính sẽ bị cấm vĩnh viễn việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Quang Dũng.

Người đứng đầu Cục Bảo vệ thực vật cũng lưu ý việc có doanh nghiệp còn “cẩu thả, bừa bãi” trong khâu thu hoạch, đóng gói.

Ông Trung cho biết có doanh nghiệp đã đóng gói xong, nhưng khi Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra thấy chưa chuẩn, mở ra thì phát hiện thêm “100% đóng gói sai quy cách”. Việc này dẫn đến cán bộ bảo vệ thực vật phải làm việc xuyên đêm, doanh nghiệp cũng tốn kém chi phí đóng gói lại.

Trả lời phỏng vấn báo chí ngay tại cửa khẩu Hữu Nghị, ông Trung cũng nói đến việc “hiện chưa có chế tài pháp luật” với việc doanh nghiệp gian dối mã số vùng trồng, như Báo Nông nghiệp Việt Nam từng phản ánh.

“Tuy nhiên, Cục đã thống nhất được với phía Trung Quốc. Bất cứ khi nào phát hiện sự gian dối, doanh nghiệp làm ăn bất chính sẽ bị cấm vĩnh viễn việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục có đầy đủ năng lực về hệ thống để xử lý vấn đề này”.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thống nhất với phía Việt Nam, trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm thì cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam có quyền dừng ngay việc xuất khẩu của mã số đó, cơ sở đóng gói, cơ sở vùng trồng chứ chưa cần phía Trung Quốc ra văn bản chính thức.

Kỳ vọng hợp đồng nửa triệu tấn sầu riêng

Ông Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Việt Nam), cho biết doanh nghiệp này đã ký thành công hợp đồng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng từ nay đến năm 2023.

"Với số vùng nguyên liệu đã được cấp mã số thì có lẽ chưa đáp ứng được số lượng. Chúng tôi đang xúc tiến trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt vùng trồng hơn 3.000ha ở Tây Nguyên”, ông Huy nói.

sau-rieng-viet-nam

Đưa sầu riêng từ trên xe container xuống để kiểm tra. Xe container này chở sầu riêng từ Đăk Lăk hôm 17/9, tới cửa khẩu Hữu Nghị hôm 19/9. Ảnh: Văn Việt.

Đại diện doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, khẳng định “đầy đủ tự tin” với chất lượng quả. “Chúng tôi đều thu hoạch trái từ những cây ít nhất 7 năm tuổi. Quả phải chín già, các đầu mối thu mua đều có kinh nghiệm lâu năm nên chỉ cần dùng dụng cụ gõ vào quả là đoán tương đối được độ chín, độ ngọt”.

Ông Huy đặt nhiều kỳ vọng vào tiềm năng của thị trường Trung Quốc. Ngoài việc ăn tươi hoặc ướp lạnh như thường thấy, ông Huy cho biết hiện Trung Quốc đã phát triển bánh bao sầu riêng, nước uống chế biến từ sầu riêng… Do đó, có thể thấy thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng để doanh nghiệp và nông dân Việt Nam khai thác.

Phụ nữ Trung Quốc ngày càng “nghiện sầu riêng”

Ông Lâm Long Đức cho biết phụ nữ Trung Quốc ngày càng thích sầu riêng, bởi “ăn mà không sợ béo, vị ngọt, thanh”, không những vậy còn rất tốt cho sức khỏe.

Chỉ riêng doanh nghiệp của ông Lâm và các đối tác, mỗi năm tiêu thụ đến hơn nửa triệu tấn sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia.

“Thế nhưng cung chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Điều tôi muốn nhấn mạnh là sầu riêng phải đạt đủ tiêu chuẩn, không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích hay bất cứ loại thuốc nào khác. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới ngành hàng sầu riêng mà còn tạo ra những luồng thông tin xấu đối với nền nông nghiệp của cả một quốc gia”, Tổng giám đốc Công ty TNHH chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải chia sẻ.

Cũng theo ông Lâm, sầu riêng của Việt Nam hoàn toàn không thua kém so với các nước xuất khẩu sầu riêng lớn như Thái Lan hay Malaysia. Điều này sẽ làm tăng tính cạnh tranh giữa các nước đối với loại quả này trong thời gian tới.

Ông Lâm chia sẻ đã đi đến Đăk Lăk, nếm thử sầu riêng ở nhiều vùng trồng và mong càng ngày có càng nhiều sầu riêng từ Việt Nam sang Trung Quốc.

“Nếu nói về dự tính trong tương lai, chúng tôi mong rằng có đủ sầu riêng Việt Nam để bán ở thị trường Trung Quốc, và xa hơn nữa là xuất khẩu sang thị trường Âu, Mỹ”.

Tuy nhiên, ông Lâm từ chối trả lời chi tiết việc sẽ gia công, chế biến sâu hay làm cách nào đưa sầu riêng sang các thị trường khác. “Đó là dự tính, hiện tôi chưa thể tiết lộ”, ông Lâm nói.

Lúc 12h30, giờ Hà Nội, tức hai tiếng rưỡi sau khi thực hiện hình thức cắt container ở cửa khẩu Hữu Nghị, ông Lâm Long Đức cho biết xe chở container sầu riêng của Việt Nam đã lăn bánh ở Bằng Tường, Quảng Tây. 

Phía ngoài, chiếc xe được phủ băng rôn màu đỏ, in dòng chữ cực lớn: "Xe chở sầu riêng đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc". Chiếc xe thứ hai, vẫn giữ băng rôn dán từ ở Việt Nam, với tên của hai doanh nghiệp hai nước. 

Trong hoạt động quảng bá, xe chạy không quá nhanh. Một số hình ảnh từ hiện trường cho thấy khá nhiều người Trung Quốc tỏ ra thích thú, đứng quay video về chiếc xe chở sầu riêng Việt Nam. 

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm