| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 29/07/2014 , 09:05 (GMT+7)

09:05 - 29/07/2014

Công an cấp xã được điều tra ban đầu?

Đó là một trong những nội dung được quy định tại khoản 2, điều 25 “Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự” do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đang gây sự chú ý đặc biệt cho nhiều Đại biểu Quốc hội và chuyên gia luật.

Cụ thể, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an sẽ có thẩm quyền “Tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu”.

Phần lớn ý kiến đều tỏ ra lo ngại.

Điều tra hình sự là một công việc vô cùng khó khăn, vì nó là phần quan trọng nhất trong mỗi vụ án hình sự, và liên quan trực tiếp đến thân phận mỗi người dân. Chính vì vậy mà “Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự” ngày 20/8/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11 quy định “Chỉ cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được tiến hành điều tra các vụ án hình sự”.

Người tiến hành điều tra phải là điều tra viên (ĐTV) được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Pháp lệnh trên cũng quy định về tiêu chuẩn và quy trình xem xét, bổ nhiệm ĐTV hết sức ngặt nghèo.

Để trở thành ĐTV sơ cấp, người được bổ nhiệm, ngoài những phẩm chất bắt buộc phải có như trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, liêm khiết, trung thực… Xét bổ nhiệm ĐTV sơ cấp, trung cấp là công việc của một Hội đồng do Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc TP trực thuộc Trung ương làm chủ tịch. Hội đồng tuyển chọn ĐTV cao cấp do Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng (Bộ Công an) làm chủ tịch.

Hiện tại, chỉ phường, thị trấn, đồn, trạm công an mới có lực lượng công an chuyên nghiệp. Lực lượng này tuy được đào tạo chính quy, bài bản nhưng cũng hoàn toàn không có ĐTV.

Còn cấp xã? Từ trưởng, phó công an xã cho đến các công an viên đều là những nông dân thuần túy được lấy lên làm công an. Về trình độ văn hóa, số người tốt nghiệp PTTH không nhiều.

Tại những vùng sâu, vùng xa hay những vùng đồng bào dân tộc ít người, trình độ văn hóa của lực lượng công an xã còn thấp hơn nhiều. Còn về trình độ nghiệp vụ, thì ngoài trưởng, phó công an xã được theo học một lớp bồi dưỡng ngắn ngày, còn tất cả công an viên đều chưa hề được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào của ngành công an, nhận thức và hiểu biết về pháp luật rất hạn chế.

Chính vì nhận thức và hiểu biết pháp luật yếu như vậy, nên tình trạng bạo hành, dùng nhục hình… do công an cấp xã gây ra không ít, nhiều vụ đã từng làm “nóng” dư luận bởi mức độ nghiêm trọng của nó như gây thương tích, thậm chí gây chết người… Và kết quả là hàng chục công an viên đã phải nhận án tù.

Với một trình độ như vậy, liệu họ có gánh vác được nhiệm vụ trên không? Khi mà việc “Kiểm tra, xác minh ban đầu” của các vụ án hình sự, chính là hoạt động điều tra?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì đã có hoạt động điều tra là phải có kiểm sát điều tra. Thế nên một điều nữa cũng cần phải bàn đến, là những hoạt động điều tra, xác minh ban đầu ấy do cơ quan nào giám sát? Trong khi VKSND các cấp chỉ vào cuộc từ khi vụ án hình sự được khởi tố để điều tra?

Rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ trong quy định này, dù đó mới chỉ là dự thảo.