Dự lễ công bố có ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang.
Thành phố Tuyên Quang là đô thị loại II, nằm ở trung tâm của tỉnh Tuyên Quang với diện tích đất tự nhiên là 18.438,38 ha, dân số hơn 191.118 người. Thành phố Tuyên Quang có 15 đơn vị hành chính, bao gồm 10 phường: Phan Thiết, Tân Quang, Minh Xuân, Ỷ La, Tân Hà, Hưng Thành, Nông Tiến, Đội Cấn, An Tường, Mỹ Lâm và 5 xã: An Khang, Lưỡng Vượng, Thái Long, Tràng Đà, Kim Phú. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%.
Trong những năm qua, kinh tế thành phố giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước, bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt trên 12%/năm; hằng năm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; thu ngân sách thành phố tăng 376 (từ 160,565 tỷ đồng năm 2011 lên 605,2 tỷ đồng năm 2020); thu nhập bình quân đầu người tăng gần 3,1 lần (từ 24,5 triệu đồng/người/năm năm 2010 lên 75,8 triệu đồng/người/năm năm 2020).
Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, thành phố Tuyên Quang đã huy động được hơn 570,9 tỷ đồng từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thành phố, doanh nghiệp ủng hộ và huy động nhân dân đóng góp. Đã có 63 hộ hiến đất để xây dựng nông thôn mới, diện tích 3.145 m2. Nổi bật nhất là xã Thái Long với 59 hộ, diện tích 1.620m2; xã Kim Phú 4 hộ, diện tích 1.525m2.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, thành phố Tuyên Quang với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng NTM đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của thành phố Tuyên Quang nói riêng.
Thành phố đã phát huy truyền thống đoàn kết, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, huy động nguồn lực tập trung xây dựng thành phố phát triển hài hòa, đồng bộ, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh, chính quyền và nhân dân thành phố Tuyên Quang cần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai, nhân lực, các nguồn lực khác để xây dựng cả nông thôn và đô thị của thành phố, từng bước phát triển thành “đô thị xanh - đô thị thông minh”, có bản sắc riêng, khẳng định mạnh mẽ vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh;
Đẩy mạnh đô thị hóa và phát triển đồng bộ đô thị hai bên bờ sông Lô, phát triển hạ tầng đô thị động lực để thành phố Tuyên Quang thực sự là trung tâm, là hạt nhân để kết nối với các huyện trên địa bàn tỉnh; phát triển kinh tế ở thành phố phải gắn bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng đô thị Tuyên Quang phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại I.
Nhân dịp này, đã có 17 tập thể, 16 cá nhân và 2 hộ gia đình nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang vì có thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới.