| Hotline: 0983.970.780

Công heo rừng

Thứ Hai 06/06/2011 , 10:09 (GMT+7)

Sau 7 năm “vật lộn” với heo rừng lai, “vua” heo rừng Bình Dương Trần Văn Công đã có ý tưởng xây dựng thương hiệu độc quyền “Heo rừng Chín Định”.

* Người bỏ vốn đầu tư hệ thống mổ treo heo rừng đầu tiên tại VN

Sau 7 năm “vật lộn” với heo rừng lai, “vua” heo rừng Bình Dương Trần Văn Công đã có ý tưởng xây dựng thương hiệu độc quyền “Heo rừng Chín Định”. Để thực hiện, anh Công đã đầu tư hẳn một dây chuyền xử lý giết mổ treo hoàn toàn tự động, chế biến, đóng gói và đưa thịt heo rừng vào siêu thị trên TPHCM để kinh doanh…

SAY CHĂN NUÔI NHƯ… ĐIẾU ĐỔ!

Đang ở Sài Gòn yên ổn với hai tấm bằng đại học: Đại học Mở (ngành quản trị kinh doanh), Đại học Tổng hợp khoa tiếng Anh và khoa Luật, nhưng Công vẫn có máu đam mê nghề nông đích thực. Năm 1998, Công đã dốc hết số vốn ki cóp cùng số tiền vay mượn của người thân tìm đường lên xã Cây Trường, huyện Bến Cát, Bình Dương để mua 5 ha đất “làm bạn” với trại gà. Tuy nhiên, nuôi gà 2 năm lỗ chổng gọng tới 200 triệu đồng đã khiến anh thất điên bát đảo vì cụt vốn.  

Heo rừng lai được nuôi sạch, giết mổ VSATTP để đóng gói bán trong siêu thị

Nhưng chỉ tạm dừng nghề nông có 2 năm, Công lại “ngứa nghề” và tiếp tục vay mượn để lao vào nuôi dê và bò. Vận rủi chẳng buông tha, Công lại thất bại nặng nề và mất tới 3 năm mới sốc lại tinh thần để mày mò nghiên cứu, lai tạo, lập trang trại heo rừng lai đầu tiên tại xã Cây Trường. Đây cũng là thời điểm đánh dấu bước ngoặt lớn cho chàng nông dân – trí thức say chăn nuôi như điếu đổ này.

Bắt đầu từ năm 2005, thông qua Internet, sách vở và kinh nghiệm mang tính dân gian, Công tự mày mò mua giống heo rừng về nuôi và thử nghiệm lai tạo. Mất một thời gian dài làm không công, thậm chí có lúc thâm hụt vốn, gia đình ngăn cản quyết liệt, nhưng Công vẫn kiên định làm theo ý mình. Trong một lần tình cờ có người gán nợ 2 con heo sọc dưa (heo rừng) để trừ tiền 2 con gà đá, Công nảy ra ý định cho lai tạo giống heo sọc dưa này với loại heo nái dân tộc Bình Long tại Bình Phước. Không ngờ, ý định trên đã cho thành công bất ngờ ngoài mong đợi.

Ban đầu, đời lai đầu tiên da mỏng và có mỡ, Công tiếp tục cho lai đến đời F3, F4 đã cho ra giống heo rừng lai có đặc tính y hệt heo rừng chính cống: Vóc dáng cân đối, nhanh nhẹn, di chuyển linh hoạt, hơi gầy, dài đòn, lưng thẳng, bụng thon, chân dài và nhỏ, cổ dài, đầu nhỏ, mõm dài và nhọn, tai nhỏ vểnh và thính, răng nanh phát triển mạnh, da lông màu hung đen hay xám đen, một gốc chân lông có 3 ngọn, lông dọc theo sống lưng và cổ dày, dài và cứng hơn, ánh mắt hoang dã; có sức đề kháng mạnh, khả năng chịu đựng kham khổ với môi trường sống tự nhiên cao, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp…

Ngay sau thành công này, Công đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng kinh tế rất lớn của giống heo rừng lai nên quyết định đẩy mạnh nhân giống và ra mắt thị trường sản phẩm heo rừng Chín Định. Sản phẩm heo rừng hơi, heo rừng giống Chín Định đã nhanh chóng được nhiều người biết đến, đặc biệt là giống heo rừng lai của Công đã được nhiều trại heo trên cả nước tìm mua vì thịt nhiều nạc, ít mỡ, da mỏng và dòn, thơm ngon rất đặc trưng, hàm lượng Cholesteron thấp, tốt cho sức khỏe.

Để giới thiệu trực tiếp món ăn đặc sắc này, Công còn táo bạo đầu tư mở một nhà hàng rộng tới 3.000 m2 ngay giữa trang trại sâu hút, nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng cao su. Lạ đời, 9 món heo rừng Chín Định ăn với lá móc mật Cao Bằng đã hút khách “xế hộp” từ tứ phương như TPHCM, Bình Dương, Bình Phước… đi ngang qua Bến Cát, gặp bữa lại tìm vào thưởng thức giữa bạt ngàn cây rừng yên bình, trăng thanh và gió mát.

GIẾT MỔ HEO RỪNG TỰ ĐỘNG

Ý tưởng này của “Công heo rừng” thực sự táo bạo và mang tính đột phá vì đây là người đầu tiên bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đầu tư một hệ thống giết mổ treo heo rừng hoành tráng đầu tiên tại VN. Công cho biết: “Xuất phát từ khuynh hướng người tiêu dùng ngày càng có khuynh hướng và lựa chọn sản phẩm đạt chuẩn về VSATTP nên tôi đã không bỏ qua cơ hội tiên phong này”.

Ông Ngô Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch UBND xã Xây Trường, huyện Bến Cát, Bình Dương: Trước đây xã Cây Trường và huyện Bến Cát có rất nhiều trang trại heo rừng, nhưng sau vài năm đã có nhiều trại đóng cửa vì làm ăn không hiệu quả. Tuy nhiên, trại heo rừng Chín Định đã có cách làm mới, ý tưởng mới và đã thành công nhờ táo bạo hơn người ta. Tại một xã nghèo như Cây Trường có gương sản xuất, chăn nuôi giỏi như “Công heo rừng” cần được nhân rộng để thoát nghèo và làm giàu cho người dân trong xã.

Nghĩ là làm, Công đã dốc vốn, thuê chuyên gia về khảo sát và xây dựng khu giết mổ tự động điều khiển hoàn toàn bằng hệ thống điện. Sau khi heo được đưa vào lồng, sẽ được hệ thống máy tự động đưa vào khâu giết mổ, rồi theo băng chuyền chạy vào phòng pha lóc, xẻ thịt, xử lý VSATTP và đóng gói với nhãn mác, hạn sử dụng, cách chế biến và thương hiệu rõ ràng. Để tạo nguồn hàng ổn định cho hệ thống, Công đã xây dựng trên 20 chuồng nuôi heo rừng lai tại xã Cây Trường với nguồn cung ổn định từ 300 – 400 con.

Đặc biệt, Công còn thiết lập hệ thống 40 trại vệ tinh trong bán kính 150 km xung quanh huyện Bến Cát như Cần Giờ (TPHCM), Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre... Các trại vệ tinh này do các hộ gia đình có kinh nghiệm nuôi heo đảm trách, được Công cung cấp giống, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với tổng đàn lên tới trên 1.000 con.

Công cho biết, hiện tại sản phẩm “heo rừng Chín Định” đóng gói đã được 6 siêu thị trong toàn hệ thống Big C (Thái Lan) nhận phân phối với hai cỡ gói 250 gram và 500 gram, giá bán từ 280.000 – 300.000 đồng/kg. Ngoài ra, Công cũng đang xúc tiến đưa sản phẩm ra các cửa hàng tiện lợi, các làng du lịch, nhà hàng khách sạn cao cấp. “Hướng sắp tới, tôi sẽ hình thành hẳn một hợp tác xã để tạo đầu ra cho những sản phẩm nông nghiệp đặc sản, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, trong đó heo rừng lai sẽ là sản phẩm chủ lực” – Công khảng khái nói.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm