Công nghệ 234
Giữa năm 2014, Chủ tịch xã Tân Hưng Đông (Cái Nước, Cà Mau) Trần Hoàng Đạo khoe, nhiều người đang chuyển từ nuôi tôm quảng canh lên quảng canh cải tiến để hy vọng khá giả. Xã Tân Hưng Đông có diện tích đất tự nhiên 5.200ha, già nửa nuôi tôm và nuôi quảng canh cải tiến đã hơn 1.100ha. Lúc đó, tỷ lệ hộ nghèo còn 11% trong tổng số 3.461 hộ, đã giảm nhiều từ ngày nuôi tôm chứ trước kia làm lúa, tỷ lệ hộ nghèo đến 21%, nên rất dễ chia sẻ niềm hy vọng từ con tôm của Chủ tịch Đạo.
Điện về vùng đất Mũi Cà Mau phục vụ nuôi tôm |
Nuôi tôm truyền thống hoàn toàn phụ thuộc thiên nhiên, đón con nước có ấu trùng tôm vào ruộng, chờ tôm lớn bắt đi bán, năng suất thấp và sản lượng rất thất thường, có khi thu hoạch không đáng kể. Còn nuôi quảng canh cải tiến là có cải tạo ao, xử lý nước, thả giống thưa với mật độ 5 - 7 con/m2, cho ăn dặm ngày một lần. Thu hoạch một vụ được trung bình 350 kg/ha, hết vụ phơi ao để cắt nguồn dịch bệnh.
Ông Nguyễn Thành Được nuôi tôm quảng canh cải tiến ở ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông với 1ha đất. Hồi trước nuôi quảng canh một năm thu chỉ vài chục triệu đồng. Khi nuôi quảng canh cải tiến, gia đình ông thoát nghèo, từ năm 2013. Vợ chồng ông có hai con gái đã lấy chồng, còn hai vợ chồng tuổi gần 60 nhưng tràn đầy hy vọng sẽ khá giả. Ông nuôi quảng canh cải tiến, ruộng cải tạo và xử lý nước xong, khi thả giống quây lưới một góc nhỏ gọi là “vèo” để diện tích nhỏ dễ kiểm soát dịch bệnh và chăm sóc tôm. Khoảng một tháng, tôm giống lớn khỏe mạnh mới cho ra sống cả ao. Thu hoạch lại theo kiểu tỉa thưa, cứ chọn con lớn bắt bán mỗi lần dăm mười ký nên hiệu quả kinh tế càng cao, lại có tiền lai rai thời gian dài.
Bây giờ, nuôi tôm hai giai đoạn gần như cả nước áp dụng với nhiều doanh nghiệp đi đầu hỗ trợ các hộ dân nhỏ lẻ thực hiện. Giai đoạn 1, ương giống (tôm thẻ chân trắng) với mật độ 700 - 2.000 con/m2, trong 45 - 50 ngày ở phạm vi hẹp để kiểm soát môi trường chặt chẽ, hạn chế dịch bệnh, giảm tôm giống chết, giảm chi phí. Nuôi giai đoạn 1 cũng được sáng tạo nhiều hình thức phù hợp, không chỉ “vèo” mà còn làm ao riêng bằng đất nổi, xây xi măng, lót bạt, bể nhựa… Khi tôm đã lớn khỏe, chuyển sang giai đoạn 2 nuôi thương phẩm ở ao lớn. Quy trình nuôi 2 giai đoạn đảm bảo an toàn môi trường, giảm rủi ro dịch bệnh, giúp giảm chi phí và người nuôi tôm đỡ lao đao trước những biến động.
Mô hình tôm - rừng đang phát triển ở tỉnh Bạc Liêu |
Từ quy trình nuôi 2 giai đoạn, Tập đoàn Minh Phú sáng tạo ra công nghệ nuôi 234. Số 2 là nuôi 2 giai đoạn. Còn số 3 là thu tỉa 3 lần trong một vụ: thu tỉa lần đầu khi tôm 60 - 65 ngày (bắt 50% lượng tôm trong ao đã đạt cỡ 65 - 70 con/kg), tiếp vài chục ngày thu tỉa lần hai (cũng bắt 50% lượng tôm còn lại trong ao đã đạt 40 - 45 con/kg), lần thứ ba sau 110 - 115 ngày (thu hoạch hết tôm trong ao đã đạt 15 - 20 con/kg). Còn số 4 là 4 sạch: con giống sạch bệnh, nước nuôi sạch, sạch kháng sinh và sạch môi trường. Trong đó, nước nuôi tôm lấy từ biển có độ mặn từ 25‰ trở lên, qua hệ thống lọc tự nhiên kết hợp với máy lọc màng. Tất cả là một quy trình nuôi đảm bảo con tôm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng đáp ứng mọi thị trường với giá cả cạnh tranh tốt.
Tăng trưởng xanh
Nuôi tôm ở ĐBSCL những năm gần đây mở rộng diện tích tôm-lúa và tôm-rừng, theo các chuyên gia là phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng để sống “thuận thiên” phát triển bền vững.
Diện tích tôm - lúa lớn nhất ở tỉnh Kiên Giang, năm 2018 đạt gần 84.000ha trải dài các huyện ven biển từ vùng U Minh Thượng sang Hòn Đất, Kiên Lương. Nhờ đó, sản lượng tôm của tỉnh Kiên Giang năm nay tăng cao, đưa kim ngạch xuất khẩu tôm lên hàng đầu trong các mặt hàng của tỉnh (11 tháng ước đạt 200 triệu USD), góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cả năm hơn 23% so với kế hoạch. Sản phẩm tôm - lúa hầu như không kháng sinh nên có giá và nhờ đó, nhiều vùng nông thôn khá giả.
Năm 2017, diện tích tôm - rừng ở ĐBSCL gần 200.000ha, nhiều nhất so với các loại hình nuôi khác là quảng canh cải tiến, tôm - lúa, bán thâm canh và thâm canh. Ở tỉnh Cà Mau, diện tích tôm - rừng gần 80.000ha, trong đó diện tích rừng chiếm 51% và diện tích mặt nước 49%. Còn tỉnh Bạc Liêu có diện tích tôm - rừng hơn 10.000ha. Tại hai tỉnh này đã có gần 200ha đạt chứng nhận ASC, sản phẩm tôm được mọi thị trường ưa chuộng, có giá xuất khẩu cao hơn 20 - 30% so với tôm nuôi thông thường.
Khi mở rộng tôm - rừng với đảm bảo tỷ lệ rừng ít nhất chiếm 60% là tăng được diện tích rừng ngập mặn. Riêng tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu nếu thực hiện được mục tiêu phát triển tôm - rừng 88.526ha với tỷ lệ rừng chiếm 60% là đã có 45.763ha rừng.
Để tăng trưởng xanh bền vững, ngành tôm ĐBSCL còn tập trung hạ giá thành. Ở xã An Thạnh 2 (Cù Lao Dung, Sóc Trăng), anh Lê Hồng Tuấn sinh năm 1972 trong nhà nghèo, nhờ nuôi tôm mà năm 2012 xây cùng lúc hai ngôi biệt thự, một cho vợ chồng anh và một cho cha mẹ. Lúc đó, hỏi anh nuôi tôm ở cù lao giữa sông Hậu gặp khó gì nhất, anh Tuấn trả lời “điện ba pha”. Anh giới thiệu việc đầu tư bình hạ thế và đường dây điện ra ao tôm đã tốn hàng trăm triệu đồng nhưng điện phập phù nên còn phải mua máy phát điện riêng để chủ động cho nuôi tôm khép kín.
Anh Lê Hồng Tuấn (giữa) nhờ nuôi tôm khép kín đã xây cùng lúc 2 căn biệt thự ở xã An Thạnh 2 (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) vào cuối năm 2012 |
Còn hiện nay, các vùng nuôi tôm trọng điểm ở tỉnh Sóc Trăng đã đi vào tiết kiệm điện để hạ giá thành. Trong nuôi tôm thâm canh, chi phí năng lượng chiếm 9 - 15% tổng chi phí. Nhiều giải pháp đã được triển khai, sử dụng máy sục khí AireO2 kết hợp với máy đo DO vận hành tiết kiệm được 7,56% lượng điện tiêu thụ, thay thế con lăn cho gối đỡ chữ U tiết kiệm 17%. Còn có thể tiết kiệm điện ở đường dây đạt chuẩn, các thiết bị tự động đóng ngắt điện hợp lý. Vài năm nay, TCty Điện lực miền Nam đã triển khai hỗ trợ nhiều giải pháp kỹ thuật tiết kiệm điện tại các vùng nuôi tôm, giúp người nuôi tôm ĐBSCL mỗi năm tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.
Quá trình phát triển chuỗi công nghệ nuôi tôm an toàn, ngày 5/10/2018 là một dấu mốc đáng chú ý, Cục Thú y có quyết định công nhận Cty CP Việt Úc - Bạc Liêu (thuộc Tập đoàn Việt - Úc) sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Đây là cơ sở đầu tiên ở nước ta đạt được tiêu chuẩn rất cao này, qua hai năm liên tục kiểm tra không phát hiện ở tất cả các khâu sản xuất giống 5 loại bệnh nguy hiểm là đốm trắng, đầu vàng, hội chứng Taura, vi bào tử trùng và hoại tử gan tụy cấp. Một kết quả rất quan trọng của chuỗi giá trị ngành tôm, bởi chất lượng tôm giống thường quyết định hơn 50% thành công vụ nuôi và Tập đoàn Việt - Úc đang chiếm khoảng 24% thị phần tôm giống nước ta với nhiều cơ sở sản xuất từ Nam ra Bắc. Chủ động được tôm giống sạch bệnh là một mục tiêu phấn đấu đã nhiều năm của ngành tôm cả nước. |
Một vấn đề lớn nữa trong ngành tôm để tăng giá trị là khai thác phụ phẩm; phần bỏ đi trong quá trình chế biến tôm gồm đầu, vỏ, gan, tụy chiếm 35 - 45% khối lượng tôm, tùy loại tôm sú hay tôm thẻ. Năm 2017, sản lượng tôm nước ta 723.800 tấn và phụ phẩm là 253.330 - 325.710 tấn. Dự kiến năm 2020 sản lượng tôm 832.500 tấn thì phụ phẩm sẽ là 291.375 - 374.625 tấn. Phụ phẩm tôm chế biến được rất nhiều sản phẩm có giá trị cao nhưng nước ta hiện mới xử lý được khoảng 40% sản lượng (7% làm thực phẩm và dược phẩm, 33% làm phân bón và thức ăn chăn nuôi cấp thấp), còn 60% bỏ phí. Cty CP Việt Nam Food, doanh nghiệp hàng đầu xử lý phụ phẩm tôm ở nước ta hiện nay với 2 nhà máy có công suất gần 200 tấn/ngày, tại tỉnh Cà Mau và Hậu Giang. Phó chủ tịch HĐQT Phan Thanh Lộc cho biết, từ phụ phẩm tôm đã cho ra 4 dòng sản phẩm, tuy nhiên hiệu quả kinh tế so với các nước tiên tiến mới bằng khoảng 1/6. “Với lượng phụ phẩm tôm của nước ta hiện nay, nếu là thế giới có thể tạo ra nhiều sản phẩm có tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD, còn nước ta chỉ tạo ra được 275 triệu USD”, ông Lộc nói. |