| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ “đầu độc” chim trời

Thứ Hai 24/11/2008 , 12:00 (GMT+7)

Cứ vào độ đầu thu đến cuối đông, trong khí trời se lạnh bao trùm, cũng là lúc các loài cò, diệc, mỏ giác…bay về trên những cánh đồng vùng trũng chỉ còn trơ gốc rạ kiếm ăn. Và đó cũng là lúc các tay bẫy chim ở các vùng Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc (TT-Huế) kéo nhau đi “hóa kiếp” chim trời...

Cứ vào độ đầu thu đến cuối đông, trong khí trời se lạnh bao trùm, cũng là lúc các loài cò, diệc, mỏ giác…bay về trên những cánh đồng vùng trũng chỉ còn trơ gốc rạ kiếm ăn. Và đó cũng là lúc các tay bẫy chim ở các vùng Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc (TT-Huế) kéo nhau đi “hóa kiếp” những loại chim trời này bằng thứ “công nghệ” có thể nói là... ác độc. 

Bẫy chim bằng… thuốc chuột

Sau cơn mưa buổi sáng, cả cánh đồng trơ xác rạ ở xã Thủy Châu (Hương Thủy) bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Từng đàn cò vạc kéo nhau bay về cũng là lúc cuộc chiến giữa đám “thợ săn” và lũ chim bất hạnh bắt đầu. Hàng trăm chiếc “bẫy thuốc độc” tạo thành những “thiên la địa võng” được giăng ra chờ những chú chim háo ăn ngờ nghệch. Một tốp già trẻ chừng 8 người chia nhau đi rải những con cá mồi đã được tẩm thuốc dọc theo các bờ ruộng lấp xấp nước rồi lùi ra xa ngồi chờ. Chỉ chừng 15 phút sau một đàn cò sà xuống. Những chú chim trời tội nghiệp thấy mồi cứ ngây thơ thi nhau mổ ăn. 

Một chú chim "dính bả"

Khi những con cá mồi chưa qua khỏi cổ cũng là lúc đàn cò đồng loạt ngã xuống. Có con cố gắng gượng bay lên nhưng cũng chỉ lảo đảo được 2-3 mét rồi rớt bịch. Nhanh như cắt đám người cầm rổ bổ ra nhặt vào. Cứ khoảng 30 phút họ lại rải mồi, lại ngồi đợi, lại nhặt xác chim. Lôi một chú cò ngờ nghệch vừa dính thuốc, ông Lê Văn Ba, một trong những “thợ bẫy chim” khá chuyên nghiệp ở làng Chánh Đông, xã Thủy Châu, huyện Hương Thủy hào hứng: “Bẫy chim bằng thuốc vừa nhanh, vừa khỏe, lại còn bẫy được nhiều. Tui chuyển sang “công nghệ” này tới mùa lụt ni là đã mùa thứ 3 rồi. Khỏe hơn ngày trước gánh chim gỗ nhiều”.

Thuốc bẫy chim của ông Ba bao gồm một loại bột màu trắng đục, trộn với ít thuốc mà theo ông là diệt chuột Trung Quốc mua của những người bán dạo ở các tỉnh phía Bắc mang vào Huế. Chỉ cần khoảng 5-10 ngàn đồng là có thể mua được cả 2 loại, đủ để diệt hàng trăm chú chim trời. Thuốc không có nhãn hiệu, chỉ thấy có mùi như mùi bột sắn cháy, mới nghe qua cũng thấy “hấp dẫn”. Từ hai loại đó, người ta tẩm ướp vào các loại cá đồng nhỏ xúc được. Để thuốc ngấm vào cá qua một đêm rồi mang mồi đặt trên cọc nhỏ đem đóng trên đồng. Cò, diệc, mỏ giác, vịt nước…thấy cá bèn xông vào và “dính chưởng”. 

Chim trời đang chờ "hóa kiếp"

Tùy chim to nhỏ, tùy sức vóc từng con mà thuốc tác dụng nhanh lâu. Có con vừa xơi mồi xong "phê"  liền tại chỗ. Có chú ăn xong dáng vẻ lừ đừ, gật gật, năm phút sau bay lên được khoảng 2 mét thì cụp cánh bổ nhào “chết lâm sàng”, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. “Không chỉ có vùng Hương Thủy và các xã ở huyện Phú Vang biết bẫy chim bằng thuốc đâu. Dân ở mấy xã dưới Phú Lộc cũng mua thuốc ni để bẫy đó. Hiện nay, người ta dùng phổ biến lắm”. Ông Ba nói giọng hồ hởi. Những tay săn chim bằng thuốc, cứ buổi sáng đi đặt mồi thì buổi trưa hoặc đầu buổi chiều đã có thể thu “chiến lợi phẩm”. Một ngày bẫy chim bằng mồi tẩm thuốc độc như vậy cũng có thể “hạ” được từ 50-100 con chim đủ loại. 

“Công nghệ” lừa thượng đế

Những chú chim xấu số sau khi bị trúng độc mình mẩy tím ngắt được đưa ra các “đại lý” di động trên các tuyến đường hoặc mang tới các nhà hàng tiêu thụ. Anh Nguyễn Văn Lương, ở thôn Lợi Nông, xã Thủy Châu, huyện Hương Thủy kể về bí quyết để chim dính thuốc độc qua mắt “thượng đế” của mình: “Những con chết phải mau chóng mổ, rửa cho thịt khỏi bị thâm đen, bầm dập. Còn những con sống phải mang ra chợ để hắn “nhảy múa” thì người mua mới tin. Hơn nữa, nhiều người muốn tự tay làm thịt nên họ chỉ mua chim còn sống thôi”.

Trên dọc tuyến Quốc lộ 1A qua các huyện Hương Thủy, Phú Lộc, có rất nhiều điểm người dân mang thịt chim che dù mời chào khách. Chim “dính thuốc” chết đầy lồng, được người bán trưng ra vệ đường nhổ lông làm thịt, những con còn sống có trách nhiệm chứng minh là “chim sạch”. Đang đi trên quốc lộ, 2 thanh niên tạt vào kiếm mồi cò về nhà tìm bạn nhâm nhi, họ lật lên lật xuống mớ cò đã nhổ lông đặt nằm trên chiếc rổ có vẻ không ưng ý lắm.  

Vặt lông làm thịt bán tại chỗ để tạo lòng tin cho "Thượng đế"

Lập tức, người bán nhanh tay túm lấy những con cò còn sống để thuyết trình. “Chim này mà nấu măng ngon khỏi phải nói. Không thì nướng lên kéo mấy chai bia thì phải biết”. Ngẫm một lúc, hai thanh niên xiêu ý, xách đi chú diệc đã vặt sạch lông, mình mẩy bầm tím với giá 75 ngàn đồng.

Không chỉ bán ở dọc đường, chim, cò còn được đem về các chợ mai, chợ hôm để bán. Chúng tôi vào chợ Thần Phù ở xã Thủy Châu - huyện Hương Thủy, lùng mua chim. Bà Hà, một người vào bán thịt chim mỏ giác và vịt nước ở chợ lấy từ chiếc giỏ nhựa ra một con chim làm sẵn. Tôi hỏi có chim sống thì mua, làm thịt xong rồi ăn sợ độc. Nghe đến đây, bà Hà giải thích: “Chim ni chỉ được bẫy bằng thuốc mê thôi. Ăn không có chi phải sợ”. Người bán cố sức thuyết phục còn người mua cứ vô tư xách chim dính độc về ăn, có xẩy ra chuyện gì thì có trời mới biết.

Mùa “bẫy chim bằng thuốc độc” cũng là thời điểm “làm ăn khá” của dịch vụ kinh doanh đồ nhậu. Tại các nhà hàng, quán nhậu vùng ven phá Tam Giang, mồi cò, mồi chim không có trong thực đơn mồi nhắm, nhưng chỉ cần đánh tiếng là có ngay một đĩa thịt cò rán giòn béo ngậy, hay một nồi thịt triết nấu măng thơm phức…Chim dù có độc hay không nếu chế biến ra cũng chẳng “thượng đế” nào biết được. 

Những cánh đồng, vùng đầm ngập nước là nơi lý tưởng cho các loại chim trời di cư về trú ẩn, kiếm mồi. Mỗi chiều thấy chúng líu ríu gọi bầy trên những ngọn tre là người dân đêm đó chuẩn bị thuốc, mồi đi “hoá kiếp”. Chim trời kéo về kiếm ăn cuối cùng đành chấp nhận trở thành mồi nhậu. Đời chim trời ngắn lắm thay! 

Đàn cò dính bẫy  "truyền thống"

"Bẫy cò, bẫy diệc,..cũng là nghề lắm công phu đó chú ạ”, ông Nguyễn Phước Bảo Lập, một lão nông vùng đầm phá Tam Giang, huyện Phú Vang tâm sự. Bẫy của ông Lập được thiết kế như những ụ đất nổi trên mặt nước, đặt chú cò nhử đứng bắt ruồi, gắp cá,..xung quanh đặt bẫy rồi cắt cỏ xanh non đặt trên mặt bẫy để nguỵ trang, việc còn lại của ông trong ngày là ngồi đợi cò về. 

Đàn cò bay về thấy có bạn đang “kiếm ăn” trên đồng, sà xuống thì dính bẫy. Tại những vùng quê ở huyện Quảng Điền, Phú Lộc, tỉnh TT-Huế, đâu đó vẫn còn những “làng nghề” chuyên bẫy cò, họ vẫn còn gắn bó với cách bẫy cò “truyền thống” như ông Lập

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phát hiện thi thể không nguyên vẹn dưới chân cầu Long Biên

Cảnh sát xác định nạn nhân là nam giới đã chết khoảng hơn 1 tháng, thi thể đã bị phân hủy, khô lại, không còn nguyên vẹn và hiện chưa rõ danh tính.