| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ giúp nuôi heo quy mô nhỏ không gây ô nhiễm

Thứ Ba 21/11/2023 , 22:03 (GMT+7)

Bình Định hiện có gần 1 triệu con heo (cả heo con theo mẹ), nước thải nuôi heo trở thành vấn nạn, nhưng hiện đã có giải pháp xử lý vừa rẻ vừa hiệu quả.

Chuồng heo của hộ chăn nuôi Nguyễn Văn Bình ở đội 9 thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) thường xuyên nuôi 100-150 con. Ảnh: V.Đ.T.

Chuồng heo của hộ chăn nuôi Nguyễn Văn Bình ở đội 9 thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) thường xuyên nuôi 100-150 con. Ảnh: V.Đ.T.

Người chăn nuôi hào hứng

Theo anh Nguyễn Văn Bình, đội 9 thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), hệ thống xử lý thải nước chăn nuôi bằng phương pháp sinh học của anh khởi công xây dựng vào tháng 7/2023, đến nay đã qua 2 tháng sử dụng, anh Bình nhận thấy vận hành hệ thống này vô cùng đơn giản mà hiệu quả không ngờ.

Sau hơn 10 năm nuôi heo quy mô nhỏ, hàng năm, trong chuồng nhà anh Bình thường xuyên có từ 100-150 con heo đủ mọi lứa tuổi, từ heo nái, heo con, heo vừa, heo lứa.

Anh Bình thừa nhận nước thải trong chăn nuôi heo có mùi rất khó chịu. Trước đây, nước thải nuôi heo của anh Bình chỉ biết đẩy ra mưa, ra ruộng. Biết làm như vậy là gây ô nhiễm môi trường, nhưng vì chuyện làm ăn của nhà nông nên anh Bình không biết làm sao để khắc phục.

Xây dựng hệ thống xử lý chất thải không có điều kiện, nuôi heo quy mô nhỏ thu nhập chỉ đủ đắp đổi chi phí cho gia đình, đó là chưa kể thời gian giá heo hạ thấp còn phải chịu lỗ.

“Cuối năm 2022, các ngành chức năng Bình Định cùng Đại học Văn Lang (TP. HCM) đặt vấn đề chọn hộ chăn nuôi gia đình tôi để xây dựng thí điểm mô hình xử lý nước thải chăn nuôi bằng phương pháp sinh học có chi phí thấp. Đề tài này do Đại học Văn Lang cùng các Sở, ngành liên quan và chính quyền 1 số địa phương trong tỉnh Bình Định nghiên cứu, thực hiện. Tôi nhận lời ngay vì vấn đề xử lý môi trường chăn nuôi tôi đã đau đáu từ nhiều năm nay”, anh Nguyễn Văn Bình bộc bạch.

Theo anh Bình, hiện hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi heo của anh được xây dựng 8 bể lọc chìm dưới đất (trong đó có 1 hầm chứa phân được anh Bình xây dựng từ trước), bên trên được đặt 4 bình nhựa to, loại 1.000 lít/bình.

Phân thải ra từ hầm chứa ban đầu được bơm qua những hầm mới được xây dựng để xử lý, sau đó 1 máy bơm khác bơm chất thải lên 4 chiếc bình nhựa được đặt nổi bên trên để tách cặn. Sau đó, nước thải từ 4 bình nhựa tiếp tục cho đi qua 2 hầm lắng, khi nước xả ra môi trường đã thành nước trong.

“Nếu trước đây nước thải chăn nuôi của tôi xả ra môi trường có cả phân heo và nước nay phân heo đã được hệ thống lắng lại, thải ra môi trường chỉ còn nước đã qua xử lý. Phần phân heo lắng lại cứ 6-7 bữa tôi hốt ủ thành phân vi sinh để trồng trọt, lợi đôi bề. Áp dụng mô hình này mùi hôi phát sinh từ quá trình chăn nuôi heo gần như không còn, nước thải sau khi xử lý cũng không còn ô nhiễm như trước kia. Thời gian gần đây hàng xóm ở gần nhà tôi không còn phàn nàn về mùi hôi nữa”, anh Nguyễn Văn Bình phấn khởi chia sẻ.

Giải pháp tối ưu cho chăn nuôi quy mô nhỏ

Theo TS Nguyễn Thúy Lan Chi (Trường Đại học Văn Lang), Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý nước thải chăn nuôi heo quy mô nhỏ từ 50-100 con, chi phí thấp” đang thực hiện tại Bình Định, chuồng trại chăn nuôi ở nông hộ với quy mô nhỏ từ 50-100 con chủ yếu là loại chuồng đơn giản, chưa được đầu tư đúng mức, gây khó khăn cho công tác vệ sinh, xử lý chất thải.

Mặt khác, tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có khu xử lý chất thải ở Bình Định còn thấp, hầu hết đang áp dụng phương thức xử lý thô sơ, chủ yếu ủ phân tươi và phân lỏng xử lý bằng hầm biogas. Những thông số ô nhiễm sau các công đoạn xử lý nói trên có giảm, nhưng vẫn cao hơn so với tiêu chuẩn xả thải, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh.

“Đề tài xử lý nước thải chăn nuôi bằng phương pháp sinh học đơn giản bằng hầm biogas kết hợp phương pháp lắng, xử lý bằng công nghệ sinh học (kỵ khí, hiếu khí) kết hợp ủ phân hữu cơ (compost), xử lý bằng công nghệ wetland và bằng công nghệ lọc sinh học tuần hoàn có chi phí thấp sẽ giúp các hộ chăn nuôi heo nắm được biện pháp kiểm soát ô nhiễm trong quá trình chăn nuôi, đảm bảo chất thải được kiểm soát và giảm thiểu tại nguồn, mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình", bà Chi chia sẻ.

Hộp vận hành hệ thống máy bơm lọc sinh học, bơm hồ thu, máy thổi khí của mô hình xử lý nước thải chăn nuôi bằng phương pháp sinh học của anh Nguyễn Văn Bình ở đội 9 thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Hộp vận hành hệ thống máy bơm lọc sinh học, bơm hồ thu, máy thổi khí của mô hình xử lý nước thải chăn nuôi bằng phương pháp sinh học của anh Nguyễn Văn Bình ở đội 9 thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, hộ chăn nuôi heo láng giềng với nhà anh Bình, cũng được chọn thí điểm xây dựng mô hình xử lý nước thải chăn nuôi heo bằng công nghệ wetland. Mô hình này tương tự như mô hình xử lý bằng phương pháp sinh học của nhà anh Bình, chỉ khác ở chỗ là nước thải chăn nuôi của hộ ông Kỳ sau khi qua các công đoạn xử lý được cho vào hệ thống bạt nilon để trồng cây thủy canh như môn, bèo, rau muống… làm thức ăn bổ sung cho heo.

“Từ đầu năm 2023 đến nay, sau khi áp dụng mô hình xử lý nước thải mới này, dù trong chuồng của gia đình tôi lúc nào cũng có hơn 100 con heo nhưng không hề phát sinh mùi hôi. Nếu không vào bên trong khu chăn nuôi và nhìn thấy chuồng thì rất khó biết gia đình tôi có chăn nuôi heo”, ông Kỳ cho hay.

“Biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi nói trên có tính khả thi cao, được ưu tiên áp dụng tại các hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ từ 50-100 con, gồm: Tách phân khô, thay thế máng ăn, vòi uống, dùng vòi phun nước áp lực cao để rửa chuồng, tách riêng nước tắm giải nhiệt, nước rửa khu vực khử trùng không lẫn chất thải.

Các giải pháp này thật sự cần thiết và mang lại lợi ích lớn không chỉ cho hộ dân, môi trường xung quanh mà còn vì sức khỏe cộng đồng. Bởi mùi hôi giảm gần như tối đa và lượng nước thải sau khi xử lý xả ra môi trường đảm bảo tiêu chuẩn cho phép, không gây ô nhiễm môi trường”. TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Bình Định) chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Còn nước còn tát không ngờ vớ được 'bí kíp'

HÀ NỘI Tháng 3/2024, những hộ nuôi lợn tại thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) đều mất trắng, chỉ sót lại đúng trại của gia đình anh Hoàng Văn Chuyển.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.