Máy cuốn rơm của Cty TNHH Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn
Giá rơm khô khoảng 1.000 đồng/kg, một năm ĐBSCL có hàng triệu tấn rơm, là hàng nghìn tỷ đồng. Rơm được dùng để trồng nấm, rau màu cho giá trị cao. Vì thế nhiều nơi phát triển công nghệ gom rơm trên ruộng.
Rơm rải trên ruộng do máy gặt đập liên hợp thổi ra, được những chiếc máy gom rơm bó lại thành từng cuộn. Tháng 5/2015, sau hơn một năm nghiên cứu, cơ sở cơ khí ở xã Thanh Bình (Chợ Gạo, Tiền Giang) của ông Nguyễn Ngọc Thuận hoàn thành chiếc máy cuốn rơm với nhiều ưu điểm hơn máy ngoại.
Đó là bánh xích, không phải bánh lốp, miệng cuốn rơm đặt phía trước chứ không phải phía sau nên rơm không rối và dính đất. Một ngày, máy cuốn được rơm trên 2 ha ruộng, đưa ra những bó rơm tròn chắc nặng chừng 20 kg.
Xe đạp chở rơm của ông Đức
Mới đây, Cty TNHH Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn ở tỉnh Đồng Tháp làm chiếc máy cuốn rơm có nhiều ưu điểm hơn nữa. Máy chạy bánh xích cao su nên hoạt động được khắp ĐBSCL, kích thước cuộn rơm có thể điều chỉnh theo nhu cầu, rơm cuộn xong đưa vào thùng chứa phía sau, không thả xuống ruộng.
Miệng gom vươn dài phía trước nên gom sạch rơm trên ruộng. Với hai người, 1 ngày làm 8 giờ, cuốn sạch rơm hơn 4 ha.
Vì đồng ruộng chưa có đường giao thông nên nông dân cũng có nhiều sáng tạo trong chế tạo phương tiện chở rơm. Nơi ruộng khô, nông dân dùng xe máy kéo thùng chứa rơm chạy băng đồng.
Còn ông Nguyễn Lợi Đức ở xã Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang) chế ra chiếc xe đạp 4 bánh lớn để chở rơm. Với hệ thống truyền động nhẹ nhàng, người ngồi xoay vô lăng như lái ô tô, đạp vo vo chạy qua đồng khô, đất cát và cả sình lầy.
“Xe chở được hơn chục bó rơm, chạy khỏe hơn xe máy”, ông Đức cười sảng khoái.