Kiểm tra nguồn nước trong ao ươm tôm giống. Ảnh: Đức Trung. |
Theo khảo sát và đánh giá của Chi cục Thủy sản Đồng Nai, điều kiện môi trường, chất lượng nguồn nước ở khu vực huyện Nhơn Trạch rất phù hợp với con tôm. Nhưng do lâu nay người dân vẫn nuôi theo phương pháp truyền thống nên năng suất không cao, rủi ro cao về dịch bệnh con tôm do nguồn nước ô nhiễm.
Đến năm 2016, một số hộ dân bắt đầu liên kết với danh nghiệp, phát triển mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Kết quả đạt được ngoài mong đợi khi năng suất cao hơn gấp nhiều lần cách nuôi truyền thống. Khi liên kết với doanh nghiệp, người nuôi tôm được khuyến cáo chia nhỏ diện tích ao nuôi để dễ quản lý.
Một trong những mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao, áp dụng công nghệ cao ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ảnh: Đức Trung. |
Đồng thời, ngoài ao nuôi, còn phải có áo ươm giống, ao lắng để đảm bảo chất lượng nguồn nước. Mặc dù thu hẹp diện tích nuôi, nhưng vẫn không giảm doanh thu, mà trái lại. Nguyên do, nuôi đúng kỹ thuật, tôm nhanh lớn hơn, mật độ thả giống dày hơn, năng suất cao hơn và số vụ nuôi một năm cũng tăng gấp 2 lần. Chính vì vậy, với mô hình này, người nuôi sẽ tăng được lợi nhuận và quan trọng hơn là họ không còn phải lo lắng về dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Nhân, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cho biết: “Nếu trước đây, nuôi tôm theo phương pháp truyền thống, trên diện tích 01 ha, nông dân sẽ dành 70% diện tích nuôi và 30% diện tích còn lại dùng để xử lý nước. Song bằng phương pháp nuôi công nghệ cao hiện nay thì hoàn toàn ngược lại, nông dân sẽ dành đến 70% diện tích để xử lý nước nguồn nước và chỉ nuôi trên diện tích 30%”.
Tôm nuôi theo mô hình công nghệ cao rất nhanh lớn, lớn đều, và cho năng suất cao. Ảnh: Đức Trung. |
Theo ông Nhân, với sự chuyển đổi này, năng suất tôm mỗi vụ thu hoạch cao gấp 3-4 lần so với nuôi ao đất. Trung bình mỗi năm, mô hình này có thể nuôi được từ 4 vụ chứ không chỉ làm được 2 vụ như cách nuôi truyền thống. Rủi ro dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn.
“Từ khi áp dụng mô hình nuôi theo hướng công nghệ cao, hiệu quả mang lại khá rõ rệt. Từ vài hộ ban đầu, nay đã có gần 3 chục hộ nuôi tôm công nghệ cao, diện tích nuôi tăng lên 56,5ha, lợi nhuận ước đạt gần 2 tỷ đồng/ha.
Để phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh Đồng Nai đến năm 2025.
Theo đó, mục tiêu chung là nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng thúc đẩy lĩnh vực thủy sản của tỉnh, trong đó ngành tôm phát triển mạnh theo hướng an toàn, sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, góp phần tích cực nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, phát triển diện tích nuôi tôm càng xanh lên 45 ha, sản lượng 202 tấn; Duy trì diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 430 ha, trong đó diện tích khu quy hoạch nuôi tôm tập trung đạt 360 ha, diện tích ngoài quy hoạch 70 ha, sản lượng đạt 19.200 tấn.
Định hướng phát triển của ngành tôm tỉnh Đồng Nai là phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm phát triển năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao; khuyến khích áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài tôm sú, tôm càng xanh cũng đang được nhiều hộ dân ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai nuôi rất thành công. Ảnh: Đức Trung. |
Để tổ chức thực hiện, nhiều giải pháp đồng bộ được đưa ra như: Phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo giá trị; Thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, siêu thâm canh; Nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp trong nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
Theo Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, 9 tháng đầu năm 2019, tổng diện tích nuôi thủy sản ở địa phương trên 1.900ha, trong đó, phần lớn diện tích là nuôi tôm nước lợ, tập trung nhiều ở các xã: Phước An, Đại Phước, Phú Hữu, Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch.
Đầu năm 2018, tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt dự án khu nuôi thủy sản tập trung tại huyện Nhơn Trạch giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo hướng siêu thâm canh, tôm thành phẩm đạt chuẩn xuất khẩu.
Theo đó, tổng diện tích của dự án là hơn 700ha. Trong đó, vùng nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao tập trung tại 2 xã Phước An và Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch có diện tích 682ha, 21ha diện tích còn lại dành cho khu nuôi hàu tập trung. Tổng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu nuôi thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao này là hơn 226 tỷ đồng.