| Hotline: 0983.970.780

150 doanh nghiệp tham gia hội chợ ngành tôm lớn nhất Đông Nam Á

Thứ Tư 20/03/2024 , 13:50 (GMT+7)

Hội chợ VietShrimp 2024 thu hút hơn 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước hoạt động ở các lĩnh vực liên quan đến ngành tôm.

Hội chợ VietShrimp 2024 lần này thu hút hơn 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước hoạt động ở các lĩnh vực liên quan đến ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hội chợ VietShrimp 2024 lần này thu hút hơn 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước hoạt động ở các lĩnh vực liên quan đến ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngày 20/3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Hội Thủy sản Việt Nam phối hợp với Cục Thủy sản, Sở NN-PTNT Cà Mau, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cùng nhiều đơn vị khác tổ chức khai mạc Hội chợ triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam năm 2024 (VietShrimp 2024) với chủ đề “Đồng hành cùng người nuôi tôm”. Đến dự có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Theo Ban tổ chức, Hội chợ VietShrimp 2024 lần nay thu hút hơn 200 gian hàng của 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài hoạt động ở các lĩnh vực liên quan đến ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung.

Đến với hội chợ triển lãm lần này, khách tham quan, người nuôi tôm sẽ được trực tiếp trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ cũng như những sản phẩm với chất lượng hàng đầu của ngành thủy sản và ngành tôm trong nước và quốc tế.

Đó là những công nghệ, giải pháp được giới chuyên môn và người nuôi đánh giá cao về hiệu quả cũng như chất lượng cho người nuôi tôm như: Công nghệ nuôi tôm “3 tốt”, nuôi tôm nhiều giai đoạn, nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, nuôi tôm tuần hoàn nước…

Hội chợ sẽ kéo dài đến hết ngày 22/3/2024. Trong thời gian diễn ra hội chợ triển lãm, có 4 phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp tâm huyết với ngành tôm Việt Nam.

Chủ đề các hội thảo: Nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị tôm Việt. Đối thoại về ngành tôm ít phát thải và bền vững theo kinh tế tuần hoàn. Tăng cường chất lượng nâng tầm giá trị. Để nuôi tôm đem lại hiệu quả cao nhất.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao mục đích, kết quả mà Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam những lần trước đã đạt được, tạo được động lực, làn sóng mới trong phát triển ngành hàng tôm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao mục đích, kết quả mà Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam những lần trước đã đạt được, tạo được động lực, làn sóng mới trong phát triển ngành hàng tôm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ban Tổ chức VietShrimp 2024 mong muốn đây sẽ là diễn đàn lớn để 4 nhà: Nhà quản lý - nhà khoa học - nhà kinh doanh - nhà nông cùng ngồi lại tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, cho biết: Đây là hội chợ chuyên ngành về tôm tại Việt Nam đã qua 4 lần tổ chức thành công (năm 2016, 2018 tại tỉnh Bạc Liêu và 2021, 2023 tại TP Cần Thơ), lần thứ 5 này diễn ra ở tỉnh Cà Mau, nơi có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất nước.

Tiếp nối thành công từ những mùa Hội chợ VietShrimp trước, lần này mong muốn giới thiệu bức tranh toàn cảnh, sôi động về ngành tôm nói riêng và thủy sản nói chung của Việt Nam. Đồng thời còn quảng bá tiềm năng, thế mạnh, nâng cao hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam.

Từ đó tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ngày một hiệu quả hơn, có cơ hội tiếp cận, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, góp phần khẳng định vị thế của tôm Việt Nam trên thị trường.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Những năm qua, ngành tôm Việt Nam nói chung, ngành tôm tỉnh Cà Mau nói riêng đã liên tục đạt được sự tăng trưởng tốt về sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của Việt Nam đạt 737.000 ha, sản lượng ước đạt 1,12 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt đạt 3,45 tỷ USD. Riêng đối với tỉnh Cà Mau, năm 2023, diện tích nuôi tôm khoảng 278.000 ha, sản lượng đạt 231.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Theo ông Sử nhận định, năm 2024, dự báo ngành hàng tôm sẽ tiếp tục gặp những khó khăn trong cạnh tranh thương mại, đòi hỏi các cấp, các ngành có liên quan phải có sự quyết tâm, nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để ngành tôm thích ứng và tiếp tục phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm các gian hàng triển lãm tại Hội chợ VietShrimp 2024. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm các gian hàng triển lãm tại Hội chợ VietShrimp 2024. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc tổ chức Hội chợ triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành hàng tôm Việt Nam thường niên lần thứ 5, năm 2024 tại tỉnh Cà Mau, với chủ đề “Đồng hành cùng người nuôi tôm” là sự kiện có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam, mà còn là cơ hội để các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các  doanh nghiệp, HTX và người nuôi tôm cùng trao đổi, cập nhật tình hình, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến.

Kết nối các doanh nghiệp hợp tác phát triển, mở rộng thị trường; kết nối sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đồng thời bàn biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của ngành tôm. Qua đó có kế hoạch, giải pháp và bước đi thích hợp cho ngành tôm theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hội chợ được tổ chức tại Cà Mau lần này cũng là cơ hội để các ngành, đơn vị chức năng và người dân tỉnh Cà Mau có điều kiện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để tổ chức tốt việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm trong thời gian tới. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao mục đích, kết quả mà Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam những lần trước đã đạt được, tạo được động lực, làn sóng mới trong phát triển ngành hàng tôm. Đồng thời mong muốn trên cơ sở những thành công đã qua, thời gian tới công tác tổ chức hội chợ sẽ có đánh giá tổng kết, mở rộng đối tượng, từ đó tìm giải pháp, nhất là giải pháp công nghệ tối ưu, phù hợp nhất trong phát triển các ngành hàng thủy sản nói chung, ngành hàng tôm nói riêng.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.