| Hotline: 0983.970.780

Công tác IUU tại Nghệ An: Chuyển biến chưa toàn diện

Thứ Năm 26/09/2019 , 09:05 (GMT+7)

Từ các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, sau 2 năm triển khai tình hình trên địa bàn Nghệ An đã có những chuyển biến nhất định.

1162007352
Quá trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên địa bàn Nghệ An đã có những chuyển biến nhất định.

Tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu của EC đặt ra, nhất thiết phải nỗ lực hơn nữa.
 

Có nhiều khởi sắc

Quá trình khai thác hải sản bất hợp pháp ẩn chứa nhiều hiểm họa tiềm tàng, nếu không sớm có phương án khắc phục sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Nhận thực rõ điều đó, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan đơn vị trực thuộc và các Tổ Công tác Liên ngành thanh tra, kiểm soát các nội dung liên quan.

Quá trình thực hiện, Chi cục Thủy sản đã tiến hành nâng cấp Trạm Bờ kết nối với hệ thống Trạm Bờ Trung tâm của Tổng cục Thủy sản nhằm chủ động hơn trong công tác giám sát, quản lý phương tiện hoạt động trên các vùng biển.

Thực hiện Quyết định số 1268/QĐ-BNN-TCTS và 1361/QĐ-BNN-TCTS của Bộ NN-PTNT về việc phân bổ thiết bị đầu cuối kết nối vệ tinh (Movimar), đến nay tỉnh Nghệ An được cấp 200 thiết bị giám sát hành trình. Ngày 22/5/2019, Sở NN-PTNT tiến hành các thiết bị Movimar cho các phương tiện đảm bảo chiều dài từ 24m trở lên.

Cùng với đó, Sở đã thành lập Tổ công tác liên ngành Thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Cửa Hôi, Lạch Vạn và Lạch Quèn, thành phần tham gia bao gồm đại diện phía Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban quản lý Cảng cá Nghệ An. Biên chế mỗi Tổ gồm 7 người, có nhiệm vụ tổ chức giám sát khi tàu cập cảng, lên cá, rời bến. Đồng thời theo dõi việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, giấy đăng ký tàu cá, giấy an toàn kỹ thuật, giấy phép khai thác thủy sản, văn bằng chứng chỉ, trang thiết bị đảm bảo an toàn, giám sát hành trình...

So với năm 2018 tình trạng vi phạm có chiều hướng giảm, dù vậy vẫn đang ở mức khá cao. Qua 9 tháng đầu năm, Chi cục Thủy sản thực hiện tổng cộng 155 chuyến kiểm tra, kiểm soát trên biển với 2.748 lượt phương tiện. Dựa trên mức độ thực tế đã tiến hành xử phạt hành chính 85 phương tiện với tổng số tiền hơn 624 triệu đồng. Tang vật tịch thu được bao gồm 11 kích điện, 1 bộ lưới kéo, 220m dây điện và 4m lưới có kích thước nhỏ hơn quy định.

2162007591
Dù vậy công tác quản lý ngành nghề khai thác vẫn tồn tại khá nhiều vấn đề.

Riêng việc kiểm soát tàu cá hoạt động tại vùng biển nước ngoài đang cho thấy những nét tích cực. Trước đây vẫn thường xảy ra tình trạng chủ tàu cố tình đánh bắt bất hợp pháp ở những vùng biển cấm, hoặc một phương tiện không kiểm soát được tọa độ, hành trình nên vô tình “xâm lấn” vào địa phận của Trung Quốc. Giờ đây hành vi trên cơ bản đã được khắc phục, tính từ đầu năm đến nay không phát hiện bất kỳ tàu cá nào của Nghệ An vi phạm.

Theo đánh giá chung, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 31/01/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của EC đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành của bà con ngư dân.
 

Phải nỗ lực hơn

Không phủ nhận những tín hiệu lạc quan, tuy nhiên nhìn chung công tác quản lý ngành nghề khai thác thủy sản trên địa bàn vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Lúc này tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện khai thác mang tính tận diệt ảnh hưởng tới môi sinh, môi trường vẫn tồn tại. Tương tự là việc đánh bắt sai vùng, tranh chấp ngư trường thiếu lành mạnh.

3162008165
Hành vi khai thác mang tính tận diệt vẫn đang tiếp diễn.

Ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước còn hạn chế, đặc biệt là quá trình ghi chép nhật ký, khai báo sản lượng qua cảng, cập nhật thông tin trước khi cập cảng. Đặc biệt, hầu hết ngư dân đều gặp khó khăn trong khi thực hiện viết nhật ký khai thác (trình bày sai nội dung, thiếu thông tin, không nhớ rõ tọa độ, tính toán sai sản lượng…), điều này dẫn đến thủ tục kiểm tra kéo dài, mất thời gian.

Cùng với đó, dễ nhận thấy việc ban hành Quyết định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Nghệ An còn chậm, hiệu quả không cao. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc thay đổi số lượng tàu thuyền thuộc diện phải cấp phép (hoặc không phải cấp phép), nội dung này cần phải rà soát, thống kê chi tiết đối với từng địa phương. Khối lượng công việc thực tế rất lớn nhưng Nghệ An chưa đủ nguồn nhân lực, vật lực để để cáng đáng.

Từ đòi hỏi cấp thiết đặt ra, PCT UBND tỉnh Đinh Viết Hồng khẳng định: “Dự kiến tháng 11/2019, Ủy ban Châu Âu sẽ quay lại kiểm tra quá trình khắc phục các khuyến nghị, từ cơ sở thực tế sẽ xem xét để gỡ thẻ vàng hoặc nâng lên mức thẻ đỏ đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam. 

5162008761
PCT Đinh Viết Hồng yêu cầu các đơn vị liên quan phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Về phía tỉnh sẽ chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị liên quan phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định hiện hành đến đông đảo ngư dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát đối với các tàu cá, trong trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm. Thời gian tới, toàn tỉnh sẽ tập trung cao độ, quyết tâm khắc phục các khuyến nghị của EC, qua đó góp phần sớm gỡ bỏ hình phạt”.

Nghệ An có 3 cảng cá được chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản, gồm cảng Cửa Hội, lạch Vạn và lạch Quèn. Đến nay đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát 100% đối với tàu cá có chiều dài >24m và từ 45 - 50% đối với tàu cá có chiều dài<24m, đồng thời kiểm tra 5.595 lượt tàu cá cập cảng với tổng sản lượng thủy sản đạt 31.135,43 tấn.

Điều đáng nói, từ khi triển khai nhiệm vụ phía Ban quản lý cảng cá Nghệ An chưa nhận được bất kỳ hồ sơ của các tổ chức, cá nhân nào yêu cầu biên nhận, cấp giấy xác nhận/chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản khai thác trong nước không vi phạm quy định về đánh bắt hợp pháp.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.