Mất 238 ha rừng ngập mặn?
Trong tài liệu gửi cho PV, ông Lưu Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Yên, có lẽ quên, nên chưa nhắc đến việc thu hồi bãi triều của người dân phường này liên quan đến cả một quần thể rừng ngập mặn gồm sú, vẹt, đã tồn tại hàng chục năm nay ở ven vịnh Hạ Long.
Những cánh rừng sú, vẹt có nguy cơ biến mất. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phường Đại Yên có tới 238 ha rừng ngập mặn có nguy cơ bị phá hủy, vì “can tội” nằm trong diện tích đất đầm, bãi triều phải thu hồi. Nếu vậy, rõ ràng việc rừng ngập mặn mất đi chỉ là vấn đề thời gian.
Cách đây hơn 2 năm, khi tỉnh Quảng Ninh cho nhà đầu tư làm một dự án rất lớn ở Vân Đồn, hơn 20 ha rừng phòng hộ ngập mặn đã bị xóa sổ.
Khi đi thực tế tại Vân Đồn, PV đã tận mắt chứng kiến cả cánh rừng ngập mặn bị “khô máu” với hàng vạn cây sú vẹt chết khô, trơ hết cả gốc, nhiều người dân đã tận dụng những cây sú vẹt chết khô để làm củi.
“Trước kia khu này là cả một cánh rừng ngập mặn xanh mượt, thế nhưng, từ lúc có dự án, chủ đầu tư đổ đất cắt ngang làm đường, nơi này trở thành rừng củi khô”, chị Nguyễn Thị Nga, một người dân địa phương, chia sẻ.
Ông Lý Văn Khương, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Bình Dân cho biết, sau khi phát hiện hiện tượng trên từ năm 2017, xã đã báo cáo huyện, tỉnh tuy nhiên đến thời điểm hiện tại cũng không biết xử lý thế nào.
“Nguyên nhân được xác định là do đắp đường chặn dòng thủy triều lên xuống dẫn đến cây bị chết héo hàng loạt”, ông Khương cho hay.
Tại biên bản cũng khẳng định: Kiểm tra khu vực lân cận cho thấy do dự án làm đường công vụ đi qua rừng ngập mặn đồng thời đã chặn dòng hải lưu từ biển đổ vào do vậy nước trong đầm không lưu thông được dẫn tới cây rừng bị chết.
Bài học nhãn tiền về hậu quả của việc đánh đổi môi trường lấy hiệu quả kinh tế đã được nhiều tỉnh, TP rút ra, trong đó Quảng Ninh cũng “dính” không ít trường hợp.
Nắm rõ vai trò quan trọng của rừng ngập mặn trong cuộc sống, đặc biệt là vai trò trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, nhiều năm qua, cả nước đang chú trọng đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ và phát huy rừng ngập mặn.
Đặc biệt, ngày 22/2/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 120/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 nhằm phát huy chức năng phòng hộ của rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống đê biển, cơ sở hạ tầng, bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia.
Theo đó, trong thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” vì thế vấn đề phát triển cùng với bảo vệ môi trường luôn được tỉnh này nâng cao. Đặc biệt, Quảng Ninh đã đề ra một chủ đề công tác năm mang tên “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà tỉnh này lại đánh đổi một dự án kinh tế bằng nguy cơ mất trắng hàng trăm ha rừng ngập mặn? Liệu rằng, chính quyền địa phương có vô can trong việc này, có lẽ câu hỏi nên dành cho các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh?
Vịnh Hạ Long đã bị lấn nhiều
Những khu đô thị từ Cột 3 đến Cột 8, khu Vựng Đâng và khu đô thị Hùng Thắng, với tổng diện tích hàng nghìn ha hiện tại, trước đây là những khu rừng ngập mặn xanh ngắt. Những khu rừng ấy được ví như một hệ thống “gạn đục, khơi trong” cực kỳ hiệu quả cho nước vịnh Hạ Long, mà sau này địa phương có loay hoay đổ tiền tỷ vào với sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài cũng chẳng thể sánh bằng.
Con đường đất đã được hình thành, biến một phần vịnh Hạ Long thành ao tù. |
Ngày đó, cách đây không xa lắm, đã có nhiều ý kiến về việc lấn biển quá mức ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan vịnh Hạ Long. Những cảnh báo đó giờ đang trở thành hiện thực. Tưởng rằng lòng tham sẽ dừng ở đó, nhưng trong cơn say bất động sản đang “sốt”, một loạt dự án lấn biển liên tiếp ra đời.
Dọc bờ biển dài khoảng 3km, từ Cột 3 đến Cột 8 - hiện là những khu đô thị đẹp nhất Hạ Long, dù đã được kè kiên cố bằng một con đường hai làn xe tuyệt đẹp, tỉnh vẫn chủ trương cho lấn biển tiếp. Tất nhiên, khoảng cách từ đường bao biển cũ tới đường bao biển mới có quỹ đất đủ lớn cho thị trường bất động sản.
Hàng trăm hộ dân tin rằng nhà mình mãi ở mặt tiền, nhìn thẳng ra biển bỗng ngớ người ra vì… biển còn bị lấn tiếp.
Một số nhà chức trách giải thích với phóng viên khá vui tai, rằng: Phải lấn thêm ra tới vị trí mà ở đó khi thủy triều xuống mức thấp nhất cũng không trơ đáy, để du khách không nhìn thấy những bùn bẩn, rác rưởi (!?).
Năm 2011, nhận thấy nguy cơ lớn của việc “bòn rút đất” của vịnh, chủ trương “không san đồi, không lấn biển” của tỉnh Quảng Ninh ra đời. Đây là quyết định mạnh mẽ ở thời điểm ấy. Nó gây “chấn động” không chỉ với giới đầu cơ bất động sản, mà với cả nhóm lợi ích: Thu hồi những dự án trên, nhằm giữ nguyên hiện trạng cho vịnh Hạ Long, dù các dự án sắp được triển khai.
Trước đó, hầu hết các quả đồi xanh tại thành phố biển Hạ Long bị gọt, bị đào xới như những đại công trường, mà từ biển nhìn vào cả thành phố như chiếc áo rách vá chằng chịt, để lấy đất một phần cho lấn biển. “San đồi, lấn biển” mang lại lợi ích kép cho số ít: Có quỹ đất bằng trên bờ và dưới biển để bán, nhưng khiến cảnh quan, môi trường TP Hạ Long và vịnh Hạ Long ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất chủ trương “hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức san đồi, lấn biển". Sau đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh có nghị quyết về nội dung này.
Nhưng nay, trước làn sóng đô thị hóa nhanh chóng, vịnh Hạ Long lại một lần nữa nằm trong diện “báo động đỏ” khi có thể mất đi cả hệ sinh thái.
Điểm a, Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây: Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên”. |