Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Vĩnh Long đã và đang phát triển mạnh. Nhưng chất thải trong quá trình sản xuất, chế biến do ngành này gây ra đối với môi trường nông thôn đang là vấn đề búc xúc.
Đàn vật nuôi của tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 232.000 con heo, khoảng 89.000 con bò và trên 9,5 triệu con gia cầm được nuôi trong 712 trang trại và hơn 71.000 hộ nuôi riêng lẻ. Lượng chất thải ra ước khoảng hơn 500.000 tấn/năm.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, mỗi con heo thải ra môi trường khoảng 1 tấn phân/năm. Nếu thu gom hết, sử dụng sản xuất biogas thì mỗi năm có thể sản xuất được 13,5 triệu m3 khí mê-tan, cung cấp gần 30 triệu KWh điện năng.
Thực tế, 712 trang trại chăn nuôi trong tỉnh đa số đều thực hiện các biện pháp xử lý môi trường bằng bạt nhựa HPDE, hầm biogas và công trình khí sinh học bằng chất liệu composite. Các biện pháp xử lý trên giúp người chăn nuôi an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, an tâm trong hoạt động sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường.
Ở nông thôn, nông dân, nhất là những hộ chăn nuôi quy mô tương đối lớn đã xây dựng công trình để sử dụng khí biogas như túi nilông và xây dựng công trình kiên cố bằng gạch xây, bê tông cốt thép theo kiểu hộp chữ nhật hoặc hình vòm cầu.
Hầm biogas theo kiểu này tốn khoảng 1,2 - 2 triệu đồng, dung tích trên 3 m3, tuổi thọ trung bình khoảng 10 - 15 năm. Kỹ thuật xây dựng hầm khá đơn giản. Các gia đình ở nông thôn cũng đã tự làm dựa trên những bản vẽ thiết kế đơn giản. Diện tích xây dựng hầm ủ không lớn, làm chìm dưới đất.
Gần đây, người chăn nuôi có đầu tư hoặc được Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ nhiều loại hầm bằng vật liệu mới (nhựa composite) các kích thước khác nhau, rất bền và nhẹ. Giai đoạn 2017 - 2020, hộ chăn nuôi trong tỉnh được tiếp tục hỗ trợ xây công trình khí sinh học biogas từ Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Vĩnh Long với số lượng là 2.298 công trình.
Có 4 loại hầm: Hầm loại nhỏ (đường kính 1,9 m), hầm loại trung bình (đường kính 2,25 m), hầm trung bình (đường kính 2,45 m). Hầm đại (đường kính 2,9 m) phù hợp cho những hộ chăn nuôi quy mô lớn, từ 20 con trở lên. Thông thường, các nông hộ chỉ sử dụng kích cỡ hầm quy mô phù hợp với 5 - 7 con heo, 2 - 3 con bò/hầm.
Dù sử dụng loại nào, hầm nhựa composite cũng cho hiệu quả kinh tế đáng kể, thay thế nguồn nguyên liệu truyền thống, giúp giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông hộ. Theo tính toán của những hộ sử dụng công trình hầm biogas, nếu chuồng nuôi từ 20 - 25 con heo với một hầm cỡ 6 - 8 m3 và gia đình sử dụng để nấu ăn, thắp sáng, đun nấu khác thì tiết kiệm chi phí sinh hoạt gia đình khoảng 280 - 300 ngàn đồng/tháng. Mỗi năm tiết kiệm được 4 - 5 triệu đồng…
Theo ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, thực hiện chương trình khí sinh học, chất thải chăn nuôi được xử lý, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ. Hơn nữa, phân gia súc sau khi xử lý qua hầm biogas đưa ra ao lắng trước khi ra bên ngoài. Từ đó, môi trường được cải thiện đáng kể.
Đồng thời, hầm biogas giúp người dân tăng thu nhập giá trị kinh tế nhờ vào lượng khí sinh học đem lại phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Qua đó, góp phần chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long: Do chăn nuôi ở Vĩnh Long có quy mô nông hộ còn chiếm tỉ lệ cao, điều kiện chuồng trại không đảm bảo sẽ rất nhạy cảm với điều kiện biến đổi khí hậu nên người nuôi cần hỗ trợ công nghệ khí sinh học biogas, xử lý bằng công nghệ ép tách phân và chế phẩm sinh học EM nhằm khuyến khích áp dụng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và sử dụng công nghệ sạch trong chăn nuôi cho các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.